Ngoài giờ lên lớp, ngoài vô vàn việc không tên ở trường học, không ít giáo viên phải “bám” vào nghề tay trái để mưu sinh cũng như để "giữ" nghề...
 


Trong lần chia sẻ về chuyên đề vai trò của người thầy do Ban tuyên giáo Thành ủy TPHCM tổ chức, Tiến sĩ Hồ Thiệu Hùng, nguyên giám đốc Sở GD-ĐT TPHCM đặt ra câu hỏi: Giáo viên không được kiếm thêm thu nhập bằng nghề, nhà giáo với đồng lương ba cọc ba đồng lại không có người thân trợ cấp thì họ sẽ sống bằng cách nào?

Ông nói, nhiều giáo viên phải tính toán sao để vừa đi dạy vừa ra chợ bán hành tỏi, có người tính đi phục vụ nhà hàng vào buổi tối, ông giáo thì tính chạy xe ôm… Rất nhiều nhà giáo tâm tư hết sức nặng nề bởi lương thấp, nguồn thu nhập hạn hẹp và uy tín bị xúc phạm.

Giáo viên lương thấp, không đủ sống là chuyện… không phải bàn. Đặc biệt đã có lời hứa đến năm 2010, giáo viên sẽ sống được bằng lương. Trước thời điểm đó, họ đã không thể sống được bằng lương và đến nay vẫn chưa có những thay đổi tích cực. Giáo viên có lẽ sẽ sống được bằng lương với điều kiện với điều kiện sống tằn tiện một mình, không cha mẹ, con cái.

Mức thu nhập "khiêm tốn" đẩy nhiều nhà giáo rơi vào cảnh cùng cực, bế tắc giữa áp lực đời sống, danh dự cũng như mong muốn dốc tâm huyết cho nghề nghiệp. Khi người thầy không thể dành hết tâm lực cho nghề thì không chỉ họ mà học trò chính là đối tượng thiệt thòi nhất.

Đã sắp về hưu, thầy Tuấn tâm sự, điều hối tiếc nhất của cuộc đời thầy là đã không thể dốc sức, toàn tâm toàn ý cho nghề nghiệp mình theo đuổi. Thầy từng nuôi những ý tưởng đổi mới, sáng tạo cho dạy học, đổi mới trong soạn bài nhưng đêm khuya chở khách về là nằm lịm đi, sáng mai dậy mới vội vã soạn bài đến lớp. Có lúc thầy chợt nghĩ giá như mình nghỉ dạy từ sớm biết đâu lại tốt hơn cho học trò?!
 

Theo Dân trí

.