(BVPL) - Trong những năm gần đây, tình trạng nuôi nhốt gấu lấy mật gặp phải sự phản đối mạnh mẽ từ cộng đồng và xã hội, mật gấu ngày càng mất giá và việc sử dụng mật gấu đã nhanh chóng trở nên lỗi thời.

Mô hình địa phương không có gấu nuôi nhốt: Là một trong những hoạt động mang tính chiến lược do nhóm các tổ chức phi chính phủ phối hợp thực hiện cùng các cơ quan chức năng trung ương và địa phương, các địa phương được khuyến khích hành động nhằm xóa sổ cơ sở nuôi nhốt gấu trên địa bàn và trở thành “địa phương không có gấu nuôi nhốt”. Từ năm 2009 đến nay, 13 tỉnh thành có gấu nuôi nhốt trong thời gian trước đó đã trở thành “địa phương không có gấu nuôi nhốt” đó là, Thừa Thiên Huế (2009); Hà Giang (2010);  Đồng Tháp, Hậu Giang, Hòa Bình, Quảng Trị (2012);  Quảng Ninh, Sóc Trăng, Tuyên Quang (2015); An Giang, Bắc Ninh, Điện Biên (2016); Lai Châu (2017)

Lãnh đạo các tỉnh, thành phố và các cơ quan hữu quan đóng vai trò then chốt trong nỗ lực xóa bỏ tình trạng nuôi nhốt gấu tại địa phương, bằng cách khuyến khích các chủ cơ sở tự nguyện chuyển giao gấu cho cơ quan chức năng (không hỗ trợ tài chính) và tịch thu cá thể gấu tại các cơ sở có hành vi vi phạm (chích hút mật gấu hay không đáp ứng đủ điều kiện nuôi nhốt gấu). Theo pháp luật hiện hành, tất cả cá thể gấu không có đăng ký gắn chíp đều có nguồn gốc bất hợp pháp và cần bị tịch thu.

Năm 2016, một nhóm các tổ chức phi chính phủ bao gồm: Tổ chức Bảo vệ động vật thế giới, Four Paws và Trung tâm giáo dục thiên nhiên (ENV) đã được thành lập nhằm hỗ trợ Chính phủ đẩy nhanh quá trình chấm dứt tình trạng nuôi nhốt gấu tại Việt Nam thông qua việc thực hiện một “bản kế hoạch hành động” với sự tham gia của lãnh đạo Chi cục Kiểm lâm tại những tỉnh, thành có số lượng gấu nuôi nhốt lớn trên cả nước. Đại diện các cơ quan kiểm lâm địa phương đã đóng góp nhiều ý kiến xây dựng bản kế hoạch hành động. Giai đoạn đầu của bản kế hoạch đã được triển khai từ tháng 1/2017.

Với tần suất chuyển giao và tịch thu gấu trong những năm gần đây, các trung tâm cứu hộ hoàn toàn có khả năng tiếp nhận thêm nhiều cá thể gấu. Bên cạnh Trung tâm cứu hộ Gấu Việt Nam đặt tại Vườn Quốc gia Tam Đảo mà gần đây đã mở rộng diện tích để tăng khả năng tiếp nhận gấu, một trung tâm cứu hộ hiện đại khác cũng đang được tổ chức Four Paws International xây dựng tại Ninh Bình. Ngoài ra, một số trung tâm cứu hộ được Nhà nước quản lý cũng có khả năng tiếp nhận gấu. Khi số lượng gấu được chuyển giao tăng lên, quy mô của các trung tâm cứu hộ cũng sẽ tiếp tục được mở rộng để đáp ứng nhu cầu này.  
 

Tú Uyên

.