Sáng nay (8/10), PV báo Bảo vệ pháp luật đã có cuộc làm việc với ông Bùi Phong An – Chi cục trưởng Chi cục tiêu chuẩn đo lường chất lượng, thuộc Sở khoa học và Công nghệ Hà Tĩnh, liên quan đến những hóa đơn tiền nước “nhảy múa” bất thường ở TP Hà Tĩnh thời gian qua.

Có tình trạng lắp đặt thiết bị cũ

Trong cuộc làm việc, ông Bùi Phong An thông tin cho PV Báo Bảo vệ pháp luật biết, trước đây, toàn bộ hệ thống thiết bị đo nước thuộc diện phải kiểm định tại Trung tâm kiểm định của Sở khoa học và Công nghệ. Nhưng từ năm 2017 đến nay, phía công ty cổ phần cấp nước được thành lập Trung tâm kiểm định riêng của công ty, nên phía Chi cục tiêu chuẩn đo lường chất lượng chỉ làm công tác kiểm tra, giám sát, chỉ kiểm định thiết bị khi người dân có yêu cầu.

“Hiện nay, trên địa bàn TP Hà Tĩnh, có khoảng 42 nghìn hộ dân và đơn vị lắp đặt đồng hồ nước. Từ đầu năm đến nay, có 53 hộ dân, đơn vị đem đồng hồ nước đến Chi cục để kiểm định. Qua kiểm định, phần lớn những đồng hồ này đều có sai số, dẫn tới hóa đơn tiền nước tăng” – ông Bùi Phong An cho biết.

leftcenterrightdel
 Ông Bùi Phong An phát biểu tại cuộc tập huấn chuyển đổi hệ thống quản lý chất lượng (Ảnh: Web Sở LĐTBXH Hà Tĩnh).

Theo ông An, những trường hợp đem đồng hồ đến Chi cục kiểm định, là do các hộ dân, đơn vị nghi ngờ đồng hồ bị hỏng, chất lượng vận hành không đảm bảo nên chủ động báo với Trung tâm kỹ thuật tiêu chuẩn đo lường chất lượng yêu cầu kiểm định, chứ không phải do phía công ty cấp nước chủ động.

“Ngoài lỗi do thiết bị không chính xác, còn có lỗi của công ty cấp nước khi lắp đặt đồng hồ cho người dân, do lỗi kỹ thuật lắp không đảm bảo, lắp đặt bị lệch dẫn tới đồng hồ chạy sai số” – ông An cho biết thêm.

Cũng theo ông An, có tình trạng công ty cấp nước lắp đặt thiết bị cũ, đồng hồ cũ, không đảm bảo dẫn tới phản ánh không chính xác lượng nước tiêu thụ của các hộ dân.

“Bắt buộc các đồng hồ trước khi lắp đặt phải là đồng hồ mới, được kiểm định kỹ. Tuy nhiên, do trước đó vẫn còn đồng hồ cũ, chưa thay thế kịp, nên việc công ty cấp nước lắp đặt đồng hồ cũ là có, dẫu không nhiều” – ông An nói.

Lỗi do người đọc sai số

Theo Chi cục trưởng Chi cục tiêu chuẩn đo lường chất lượng Hà Tĩnh, dẫu quy định 5 năm kiểm định một lần, nhưng mỗi năm Chi cục vẫn lên kế hoạch kiểm tra 1 lần đối với các chi nhánh của Công ty cổ phần cấp nước Hà Tĩnh.

“Mình kiểm tra là theo kế hoạch, mục đích kiểm tra hồ sơ, hệ thống. Phải kiểm tra đồng hồ đảm bảo niêm phong kẹp chì, hỏng hóc hay quá hạn hay không? Đồng hồ đo nước chạy chậm hay chạy nhanh, từ đó kiến nghị Công ty cấp nước có kế hoạch thay thế, bảo dưỡng và khắc phục” – Ông Bùi Phong An thông tin.

leftcenterrightdel
 Hóa đơn nước "nhảy múa" có lỗi từ người đọc đồng hồ sai số?

Cũng theo ông An, ngoài việc kiểm tra theo kế hoạch hàng năm, nếu Chi cục phát hiện bất thường thì sẽ vào kiểm tra đột xuất.

“Mình chỉ kiểm tra hồ sơ, thấy bất thường mới yêu cầu xử lý, chứ công ty cấp nước không bao giờ chủ động cung cấp những bất thường. Nên khi kiểm tra, qua hồ sơ mới phát hiện sai sót. Ngoài phát hiện đồng hồ sai số, thì chủ yếu lỗi do người đọc đồng hồ đọc sai số” – Ông An cho biết

Ông An phân tích: “Ngoài lỗi thiết bị, lắp đặt vận hành không đảm bảo, thì có trường hợp đọc nhầm số, đọc sai số. Có tình trạng tháng này đọc cao, tháng sau đọc giảm, nhưng không nhiều. Tiền nước giờ tính theo mức thang tiêu thụ, 10 khối một, mỗi mức thang có 1 giá tính khác nhau, nên nếu tiêu thụ khối nước trong tháng càng nhiều, vượt các mức thang thì hóa đơn tiền nước sẽ tăng đột biến”.

leftcenterrightdel
 Không có chuyện đồng hồ nghẹt dẫn tới nhảy chỉ số cao như ông Võ Văn Huấn - Giám đốc Chi nhánh cấp nước TP Hà Tĩnh giải thích.

Riêng đồng hồ bị nghẹt cát, dẫn tới nhảy chỉ số cao… Theo ông An là không thể xảy ra, vì đồng hồ đo nước bây giờ rất hiện đại, hệ thống nước rò rỉ, nhỏ giọt đồng hồ cũng quay, nhưng nghẹt cát thì không thể.

“Nếu nghẹt cát thì đồng hồ dừng chứ không thể chạy được, vì đồng hồ bây giờ rất nhạy, nghẹt là không chạy hoặc chạy chậm chứ không thể tăng được. Cần theo dõi 2 tháng liên tục, nếu tăng thì phải kiểm tra đồng hồ, hai là kiểm tra người đọc chỉ số, có thể tại thời điểm đọc chỉ số họ sẽ đẩy cao lên vượt mức. Chứ chỉ số tháng nào cũng bằng nhau, hoặc tăng giảm đột ngột là vô lý” – Ông An nói. 

leftcenterrightdel
 Nếu hóa đơn nước "nhảy múa" bất thường, người dân nên kiểm định đồng hồ tại Chi cục tiêu chuẩn đo lường chất lượng Hà Tĩnh ở 39 - Vũ Quang - TP Hà Tĩnh để phát hiện sai sót.

Chi cục trưởng Chi cục tiêu chuẩn đo lường chất lượng Hà Tĩnh khuyến cáo:

Ông Bùi Phong An cho biết, hiện nay đồng hồ đo nước, hóa đơn tiền nước được quản lý theo hệ thống, theo dõi bằng phần mềm.

“Họ có phần mềm, hệ thống kiểm tra giám sát, quản lý, nếu vượt ngưởng là báo đỏ, ví dụ cho sai số 10%, vượt ngưởng này thì báo đỏ ngay. Nhưng việc họ có kiểm tra những trường hợp vượt ngưỡng hay không là một vấn đề” – ông An cho biết. Do đó, Chi cục trưởng Chi cục tiêu chuẩn đo lường chất lượng Hà Tĩnh khuyến cáo người dân, nếu có sự tăng đột biến tiền nước trên hóa đơn, người dân nên đưa đồng hồ đi kiểm tra để phát hiện đồng hồ đúng chuẩn hay không.

“Hàng năm, Chi cục đi kiểm tra định kỳ theo kế hoạch. Quá trình kiểm ra Chi cục yêu cầu cung cấp dữ liệu từng phường, từng xã, sẽ kiểm tra, rà soát những hộ có tăng, giảm bất thường. Nhưng mỗi năm chỉ kiểm tra một lần, nên tháng nào hóa đơn tiền nước tăng bất thường, các hộ dân nên đưa đồng hồ đi kiểm định. Ví dụ tháng này 130 nghìn, tháng kế tiếp tăng lên 200 nghìn thì cần phải kiểm tra đồng hồ, hệ thống sử dụng nước”- Ông An khuyến cáo.

 

Bùi Tiến