Đã có một học sinh trượt chân rơi xuống cầu bị nước cuốn trôi sau 4 ngày mới tìm thấy xác, còn các trường hợp té ngã gãy tay chân, hư hỏng xe cộ xảy ra thường xuyên từ nhiều năm qua với người dân qua lại trên hai chiếc cầu tạm tại thôn Sông Cầu, xã Nghĩa Thành, huyện Châu Đức. Đặc biệt, hiểm nguy luôn rình rập từng bước chân các em nhỏ, người già yếu khi đi qua hai cây cầu này.
Mấy ngày qua, do ảnh hưởng hoàn lưu của hai cơn bão liên tiếp trên biển Đông, nhiều cơn mưa lớn đã trút nước xuống khắp vùng trong tỉnh. Mặc dù vậy, từ thông tin phản ảnh của người dân ở tổ 26, thôn Sông Cầu (xã Nghĩa Thành), chúng tôi đã dầm mưa để thực hiện chuyến khảo sát những cây cầu tạm nơi đây. Từ quốc lộ 56, ngồi trên xe máy của người dân “thổ địa” điều khiển trên con đường dẫn vào tổ 26 lầy lội, chúng tôi khá căng thẳng vì sợ ngã mỗi khi qua những ổ voi, ổ trâu dày đặc và ngập nước.
Sau gần 30 phút vòng vèo qua những cung đường đất nhão nhoẹt trơn trượt, chúng tôi đến được chiếc cầu tạm bắc qua sông Ca - một nhánh sông đầu nguồn của con Sông Dinh chảy qua địa phận TP. Bà Rịa trước khi đổ ra biển. Thực tế cho thấy, do mưa liên tục mấy ngày qua khiến lưu lượng nước đổ về nhiều, làm cho mực nước dâng cao mấp mé mặt chiếc cầu bằng thép dài 28m, rộng 1,2m, dòng nước chảy xiết tạo áp lực cuồn cuộn làm cho cây cầu rung lắc. Lúc này, những người đi qua cầu đều phải trông chừng để nhường nhau, hễ bên này có người qua thì đầu bên kia phải dừng lại chờ đợi, bởi nhiều người đi qua cùng lúc sẽ dễ xảy ra rủi ro do tăng tải trọng trên cầu.
Ông Đặng Văn Lĩnh (51 tuổi) một người dân sống ở đây cho biết, cây cầu này trước đây do người dân tự làm bằng gỗ. Sau nhiều năm sử dụng, cầu xuống cấp trầm trọng, gỗ mục nát, mặt cầu lại nhỏ hẹp, không có lan can, nên đã có nhiều trường hợp người dân đi qua cầu bị té rơi xuống sông. Người may mắn thì xây xát nhẹ, chấn thương phần mềm, nặng hơn thì gãy tay chân, hư hỏng tài sản. “Trường hợp thương tâm nhất là một học sinh tiểu học trên đường đi học về qua cầu, gặp lúc trời mưa lớn nước tràn qua mặt cầu nên trượt chân rơi xuống và bị nước cuốn trôi mất, 4 ngày sau mới tìm thấy xác dưới hạ lưu”, ông Lĩnh bùi ngùi nói.
Từ những mối hiểm nguy trên, đầu mùa mưa năm nay, huyện Châu Đức đã bố trí kinh phí sửa chữa, thay thế toàn bộ gỗ mặt cầu bằng vật liệu thép tấm lá, làm lan can hai bên, gia cố mố cầu bằng bê tông, cắm cọc tiêu, biển báo... Tuy nhiên, theo ông Hoàng Quốc Thái, Chủ tịch UBND xã Nghĩa Thành, cây cầu đã được gia cố nhưng vẫn còn tạm bợ, đây mới chỉ là giải pháp tạm thời. Bởi, lòng sông bên dưới sâu hơn 5m so với mặt cầu và nhiều đá lởm chởm vào mùa khô, còn vào mùa mưa lũ thì nước sông thường xuyên dâng cao và chảy xiết làm cầu rung lắc, luôn tiềm ẩn nguy cơ tai nạn cho người qua lại. “Cây cầu này nằm trên con đường duy nhất kết nối 15 hộ gia đình với khoảng 60 nhân khẩu đang sinh sống phía trong với bên ngoài. Những hộ dân sinh sống ở đây hầu hết đều sản xuất nông nghiệp. Vì vậy, để thuận tiện cho bà con đi lại an toàn, vận chuyển nông sản thuận lợi, cấp thẩm quyền cần quan tâm đầu tư xây dựng cây cầu khác bằng bê tông kiên cố, thay thế cho cây cầu tạm có nhiều hiểm nguy cho người qua lại”, ông Thái kiến nghị.
Nằm trên địa bàn tổ 26 còn có một chiếc cầu tạm nối cánh đồng Gò Rùa khoảng 250ha với xã Hòa Long - TP.Bà Rịa. Theo ông Nguyễn Văn Trung, chuyên viên phụ trách giao thông-thủy lợi UBND xã Nghĩa Thành, đây là cầu máng do Chi cục Thủy nông - Sở NN-PTNT quản lý, làm nhiệm vụ dẫn nước từ kênh N1 xã Nghĩa Thành về ấp Bắc, xã Hòa Long. Chiếc cầu này có chiều dài 32m, rộng 1,7m, chiều cao dạ cầu so với mặt nước là 3,7m được tận dụng để người dân xã Nghĩa Thành và xã Hòa Long qua lại đi làm đồng. Tuy nhiên, đây là cầu máng dẫn nước nên chỉ cho phép xe thô sơ và người lưu thông, còn đối với xe cơ giới vận chuyển nông sản, vật tư nông nghiệp của người dân thì không được qua cầu.
Ông Nguyễn Công Vinh, Chủ tịch UBND huyện Châu Đức cho biết, theo phản ảnh của người dân ở tổ 26 - thôn Sông Cầu, huyện đã cử cán bộ trực tiếp xuống kiểm tra thực trạng hai cây cầu nêu trên. Theo đó, huyện đã có tờ trình gửi UBND tỉnh, Sở GT-VT và các sở, ngành liên quan xem xét chấp thuận chủ trương đầu tư xây dựng 2 cây cầu bê tông thay thế hai cây cầu tạm để bảo đảm an toàn cho người dân trong việc đi lại, vận chuyển hàng hóa, nông sản.
Được biết, UBND tỉnh đã giao Sở KH-ĐT chủ trì, phối hợp với Sở GT-VT, Sở Tài chính, UBND huyện Châu Đức và các cơ quan có liên quan nghiên cứu, đề xuất chủ trương và nguồn vốn xây dựng mới hai cây cầu trên, báo cáo lãnh đạo tỉnh xem xét, quyết định việc đầu tư.
Theo Báo Bà Rịa - Vũng Tàu