(BVPL) - Hiện nay, gần như các loại game của các nhà phát hành trong nước như: Võ lâm truyền kỳ, Thuận Thiên Kiếm, Chinh đồ của Vina game; Thần Võ, Tây Du Ký của FPT… đều đã bị làm lậu và “được” tung hành rộng rãi trên thị trường.
 


Theo nhiều ý kiến, những năm gần đây, các nhà phát hành game có quy mô nhỏ mọc lên “như nấm sau mưa”, hầu hết những game do họ cung cấp thường không có giấy phép.

Nguyên nhân được cho là một phần do chính sách hạn chế cấp phép game của Nhà nước. Bởi có những thời điểm gần 2 năm, Bộ Thông tin và Truyền thông dừng hoàn toàn việc thẩm định game và sau đó, chỉ xem xét thẩm định rất hạn chế cho một số game. Trong khi đó, game lậu từ nước ngoài không bị hạn chế bởi các quy định pháp lý vẫn liên tục phát triển mạnh mẽ trên thị trường, lấn át game đã được cấp phép cả về số lượng và chủng loại. Hệ quả là dòng tiền chảy ra nước ngoài rất lớn, Nhà nước thì thất thu về thuế.

Nhiều nhà phát hành game online cũng thừa nhận, các chính sách quản lý dành cho game online hiện nay đang thực sự “trói chân” các doanh nghiệp game chân chính, đồng thời tạo ra khe hở cho các doanh nghiệp bất hợp pháp hoạt động. Đơn cử là tình trạng game không phép hiện nay nhiều gấp mấy lần game được cấp phép.

Để hạn chế tình trạng này, mới đây, Nghị định số 72/2013/NĐ-CP của Chính phủ ban hành về quản lý, cung cấp, sử dụng dịch vụ Internet và thông tin trên mạng đã quy định cụ thể về quản lý trò chơi điện tử trên mạng thông qua các biện pháp cấp phép phê duyệt nội dung và phân loại theo phương thức cung cấp và sử dụng dịch vụ theo độ tuổi, nhằm giúp người chơi lựa chọn trò chơi điện tử phù hợp, trong khi phụ huynh có thể lựa chọn, giám sát con em mình, giúp bảo vệ các em khỏi những tác động tiêu cực của trò chơi…

Về lâu dài, nhằm hướng tới một môi trường cạnh tranh lành mạnh trong hoạt động kinh doanh game online, đòi hỏi phải có sự quản lý chặt chẽ từ các cơ quan chức năng trong lĩnh vực này để game online thực sự là trò chơi giải trí phù hợp với văn hóa, lối sống người Việt.
 

Hà - Mai 

.