Một kilôgam gà Đông Tảo có giá tiền triệu, thậm chí những con gà thuần chủng, dáng “độc”, giá bán có thể lên tới 40 - 50 triệu đồng/con. Tuy nhiên, để tạo ra được những con gà “dát vàng” này, chủ nhân của chúng phải trải qua quá trình chăm sóc vất vả, cầu kì, hao tiền, tốn của. Thậm chí, tại những trại gà có tiếng ở Đông Tảo (Khoái Châu, Hưng Yên), những chú gà thuần chủng được cưng nựng không khác... đế vương.

 

Con gà có đôi “chân rồng” được anh Trưởng bán cho khách hàng với giá 50 triệu đồng.
Con gà có đôi “chân rồng” được anh Trưởng bán cho khách hàng với giá 50 triệu đồng.

 


Phát sốt khi... gà ốm

Đầu tư nhiều công chăm sóc cũng như những kỹ thuật chăm sóc cầu kì, nhiều chủ hàng đã thu được kết quả lớn khi trao những “đế vương” đến tay khách. Theo ước tính, để chăm lớn được một chú gà Đông Tảo thuần chủng, chi phí cũng không dưới 5 triệu đồng/con. Do vậy, lỡ rủi ro xảy ra, thiệt hại là không hề nhỏ. Thậm chí, nhiều trường hợp đã phải bán cả ruộng vườn vì đam mê nuôi “đế vương” hay đơn giản là phát sốt khi thấy gà bị ốm.

Anh Nguyễn Văn Thao vẫn còn nhớ như in dịch cúm gia cầm năm 2012 đã càn quét một cách thảm hại “làng” gà Đông Tảo, khiến không ít gia đình điêu đứng, vỡ nợ. “Năm đó, nhà tôi bị thiệt hại gần 2 tỉ đồng, vì nuôi gà gần đến ngày xuất chuồng thì dịch cúm kéo đến, gà chết hoặc bán không ai dám mua”, anh Thao nhớ lại.

Cũng sau bận đó, vì lo lắng mà anh trở bệnh nặng, gia đình điêu đứng. “Nhưng giờ thì qua rồi. Gia đình hiện có gần 60 con gà Đông Tảo thuần chủng, chuẩn bị bán ra đợt tết. Nhiều khách hàng đã đến đặt tiền và chọn gà từ vài tuần trước”, anh Thao phấn khởi cho hay.

Theo anh Thao, gà Đông Cảo thuần chủng năng suất thấp, chỉ đẻ mỗi lứa trên dưới 10 quả trứng, ăn rất khỏe, chi phí nuôi tốn kém. Chính vì thế, hiện nay phần nhiều gà Đông Cảo được lai giữa gà ri với gà Đông Cảo cho giống khỏe hơn, đẻ nhiều hơn và kháng bệnh cũng tốt hơn. Gà Đông Cảo thì đẻ ít và chậm, 2 ngày chỉ đẻ 1 trứng, gà trống đạp cồ thì vô cùng khổ sở do đôi chân quá to và thô kệch, trọng lượng cơ thể lại quá nặng nề nên khó mà kiểm soát được cơ thể khi đạp mái, tỉ lệ đậu cũng rất ít. Một con gà mái thuần chủng thường chỉ đẻ 7-10 quả mỗi lứa, tỉ lệ nở con chỉ được khoảng 30%.

Còn theo ông Vết, chăm gà này như chăm đứa trẻ, lúc mưa gió phải che chắn cẩn thận, tiêm thuốc theo định kỳ, dọn chuồng mỗi ngày. Ngoài các loại thuốc phòng bệnh thông thường, người nuôi còn phải sử dụng những bài thuốc dân gian để phòng bệnh cho gà cũng như tạo cho gà có thêm sự hấp dẫn, như: Dùng nước lá trầu không cọ rửa chân cho gà, đun nước lá để xông hơi cho gà... “Không ai nói trước được điều gì, vì giống gà này rất nhạy cảm. Chỉ cần đồ ăn, thức uống không được vệ sinh cũng dễ làm cho gà mắc bệnh và chết. Người có kinh nghiệm chăm thì đỡ lo hơn, chứ cũng không thể chắc bụng được”, ông Vết nói thêm.

 

Theo Lao động

.