Chưa hết bức xúc trước tình trạng chặt chém giá trông giữ xe đầu năm, dư luận những ngày qua lại giật mình khi biết năm 2015 có tới 122 người chết do liên quan đến người đi bộ dưới lòng đường. Dư luận cho rằng, vỉa hè bị lấn chiếm, quản lý lỏng lẻo đang đẩy người đi bộ xuống đường, dẫn đến tai nạn xảy ra.
|
Du khách nước ngoài rất sợ đi bộ dưới lòng đường nhưng cũng không còn cách nào khi vỉa hè đã bị chiếm dụng (ảnh chụp ở phố Đinh Liệt, Hà Nội, ngày 29/2). Ảnh: Ngọc Châu. |
Người đi bộ bị phạt tranh luận với CSGT
Trước tình trạng người đi bộ tràn xuống lòng đường và gây ra nhiều vụ tai nạn nghiêm trọng vừa qua, Phòng CSGT, Công an thành phố Hà Nội đang triển khai kế hoạch xử lý người đi bộ đi dưới lòng đường vi phạm các quy định của Luật Giao thông đường bộ. Sau gần 1 tháng triển khai, Phòng CSGT Hà Nội cho biết, đã xử phạt 542 trường hợp người vi phạm. Có 3 lỗi người đi bộ vi phạm nhiều nhất là sang đường không đúng nơi quy định; mang vác hàng cồng kềnh gây cản trở giao thông; đi không đúng phần đường quy định… Việc Phòng CSGT Hà Nội chủ động xử lý các hành vi là nguyên nhân dẫn đến ùn tắc, tai nạn giao thông được dư luận ủng hộ.
Tuy nhiên, dư luận và ngay cả người đi bộ bị xử phạt cũng cho rằng, nhiều trường hợp người đi bộ không có lỗi. Thực tế cho thấy, phần lớn vỉa hè bị lấn chiếm kéo dài, việc người đi bộ không còn lối đi, phải tràn xuống lòng đường để đi là bất đắc dĩ. Người dân sống trên các tuyến phố như Trần Hưng Đạo, Hai Bà Trưng, Kim Mã, Đồng Xuân - Hàng Giấy… cũng cho hay, hiện nhiều đoạn vỉa hè tại các tuyến phố này đã bị các điểm trông giữ xe ngày đêm và cửa hàng kinh doanh chiếm dụng. Mỗi khi đi bộ, họ chỉ còn biết tràn xuống đường.
Những ngày qua, nhiều người đi bộ dưới lòng đường bị CSGT xử phạt lỗi “Đi không đúng phần đường quy định” đã tỏ ra bức xúc, có người đã hỏi lại CSGT “đi đúng phần đường quy định là đi ở đâu”, CSGT đáp là trên vỉa hè, các khu vực sơn, kẻ cho phép… Tuy nhiên, nhìn lên hai bên vỉa hè đang tràn lan xe máy, ô tô và hàng quán, nhiều người lắc đầu và chấp nhận ký biên bản cho xong. Cũng có người đi bộ cảm thấy mình bị phạt oan đã tranh luận gay gắt với CSGT.
|
Đi bộ dưới lòng đường phố Đinh Liệt (Hà Nội) rất nguy hiểm khi ô tô qua lại. Ảnh: Ngọc Châu. |
Buông lỏng quản lý, vỉa hè thành quán nhậu
Từ lâu, tình trạng vỉa hè bị lấn chiếm vô tội vạ; hàng quán, bãi xe tràn ra lòng đường đã khiến đường dành cho người đi bộ bị biến mất. Tại nhiều nơi, các bãi đỗ xe hầu như choán kín vỉa hè. Điều này đồng nghĩa với việc người đi bộ không còn lựa chọn nào khác ngoài việc "xuống đường" và… vi phạm. Tình trạng này diễn ra khá phổ biến tại tất cả các quận nội thành và khu dân cư đông đúc.
Tại khu vực phố cổ Hà Nội, vỉa hè gần như đã bị biến thành của riêng của các hộ gia đình để kinh doanh. Người đi bộ qua đây chỉ có lựa chọn duy nhất là đi xuống lòng đường. Các con phố như Tạ Hiện, Hàng Buồm, Lương Ngọc Quyến… luôn trong tình trạng quá tải về giao thông, trong đó nguyên nhân không nhỏ là vỉa hè bị chiếm. Thậm chí nhiều nơi vỉa hè thành chỗ để người dân bán đủ các mặt hàng từ ăn uống đến quần áo, mũ bảo hiểm,…
Mật độ dân cư đông đúc có thể coi là nguyên nhân hàng đầu dẫn đến tình trạng vỉa hè bị “xẻ thịt”. Các cửa hàng, cửa hiệu nếu không bày hàng ra vỉa hè thì cũng dành chỗ để xe vì nếu không có chỗ để xe, thì sẽ bị mất khách. Những đoạn phố không có nhà cửa thì lại được dùng làm chỗ gửi xe hoặc xuất hiện những khu chợ cóc, quán cóc…
Phố Nguyễn Quý Đức, Thanh Xuân Bắc, quận Thanh Xuân ban ngày là một khu chợ cóc nhộn nhịp còn ban đêm lại trở thành thiên đường ăn nhậu. Hàng quán ở đây đặt bàn ghế san sát kéo dài cả trăm mét, chiếm trọn vỉa hè. Lòng đường, vỉa hè nơi đây cũng bị chiếm dụng để dựng xe của khách. Hàng trăm xe máy được dựng thành một dãy dài cùng với những biển quảng cáo sặc sỡ đã biến nơi đây thành điểm ăn nhậu hút khách đến tận 0h đêm nhưng cũng gây phiền toái cho người tham giao thông cũng như cư dân ở đây.
Anh Tuấn, sống tại khu tập thể Thanh Xuân Bắc, cho biết: “Vỉa hè rộng thế này mà bị lấn chiếm hết không còn lối cho đi bộ mà không có ai xử lý, quán nhậu bán đến tận đêm gây mất trật tự, nhiều khi xảy ra đánh nhau. Chúng tôi chỉ biết phản ánh lên khu phố, lên phường nhưng đâu có ai giải quyết cho”.
Con đường bên hồ Tây thuộc quận Tây Hồ vào ban đêm cũng trở thành nơi ăn uống nhộn nhịp của giới trẻ Hà thành. Nắm bắt tâm lý khách hàng muốn không gian đẹp, thoáng mát cạnh hồ nên rất nhiều người đua nhau chiếm dụng vỉa hè, lòng đường để dựng quán nước, hàng ăn.
Nghị định 100 của Chính phủ quy định, với những tuyến phố có vỉa hè tổ chức trông xe phải để 1,5 mét bề rộng cho người đi bộ. Tuy nhiên, hiện nhiều tuyến phố Hà Nội, toàn bộ vỉa hè có bề rộng chỉ từ 1 đến 3 mét cũng bố trí trông giữ xe, thậm chí cho bày bàn ăn, hàng quán phủ kín.
Ngoài các tuyến phố đã nêu ở trên, người dân không lạ gì việc này khi vào các tuyến phố cổ. Phố Hàng Buồm, là một trong các tuyến phố cổ thực hiện thí điểm tuyến phố văn minh đi bộ vào cuối tuần, nhưng do bị các cửa hàng lấn chiếm nên du khách đến đây không thể tiếp cận vỉa hè. Hiện suốt từ đầu đến cuối tuyến phố Hàng Buồm, các mặt hàng tạp hóa bọc kín vỉa hè.
Tại Quảng trường Đông Kinh Nghĩa Thục, nơi được coi là biểu tượng của quận Hoàn Kiếm, vỉa hè đầu phố Cầu Gỗ (đoạn trước Hàm Cá Mập) cũng bị biến thành bãi trông xe, xe máy kín đặc khiến người đi bộ không còn lối đi.
Tương tự ở các phố ven hồ Gươm như Đinh Lễ, Nguyễn Xí cũng bị ken kín xe máy. Thậm chí, ngay trước cổng Chi cục Thuế quận Hai Bà Trưng, đoạn phố nối từ phố Đoàn Trần Nghiệp đến phố Triệu Việt Vương, các hàng xe máy cũng luôn đặc kín vỉa hè.
Phố Hàng Bạc, Hàng Bồ lâu nay người tham gia giao thông quen cảnh vỉa hè bị chiếm dụng để bày bán hàng hoá, đặc biệt đoạn đầu phố Hàng Bồ, hàng may mặc được trải trên thảm để chào mời khách.
Tình trạng vỉa hè thành “sân” các nhà hàng, quán giải khát cũng diễn ra với nhiều tuyến phố lớn khác của Hà Nội. Dọc hai bên vỉa hè phố Nguyễn Hữu Huân trưa 1/3, ngoài để xe hơn chục quán café tự do đặt ghế đẩu, ghế gỗ ra vỉa hè để khách ngồi.
|
Có bảng niêm yết thu 3.000 nghìn đồng lượt xe máy, nhưng điểm trông giữ xe của Cty Cổ phần 901 do UBND quận Hoàn Kiếm cấp phép hôm qua đã thu 10.000 đồng/lượt. Ảnh: Anh Trọng. |
Quản lý lỏng lẻo, hậu quả ai chịu?
Tình trạng lấn chiếm, loạn giá trông xe trên vỉa hè không chỉ xảy ra với các điểm trông giữ xe nhỏ lẻ mà nhiều điểm trông giữ xe được cấp phép trên nhiều tuyến phố Hà Nội cũng xảy ra tình trạng trên. Được cắm biển thông báo là điểm trông xe được UBND quận Hoàn Kiếm cấp phép, niêm yết giá vé 3.000 đồng/lượt xe máy, nhưng trưa qua, điểm trông xe mang tên Cty Cổ phần 901 quây kín vỉa hè phố Trần Hưng Đạo đoạn trước Bệnh viện Tim Hà Nội và thu giá 10.000 đồng/lượt. Điều này cũng xảy ra với các điểm trông giữ xe mang tên Cty Cổ phần 901 trên tuyến phố Hai Bà Trưng, đoạn trước Bệnh viện Phụ Sản Trung ương… Do bị các điểm trông giữ xe và hàng quán kinh doanh quây kín, người đi bộ tại các tuyến phố trên chỉ còn biết đi xuống lòng đường.
Đề cập đến sự việc này, hầu hết lãnh đạo các quận, phường có các tuyến phố được phản ánh đều cho rằng, họ đã liên tục ra quân và xử lý vi phạm quyết liệt. Ông Nguyễn Tiến Nông, Trưởng Công an phường Phan Chu Trinh, quận Hoàn Kiếm thông tin, lực lượng công an đã phối hợp với các cơ quan chức năng quận và thành phố để kiểm tra, xử lý các hàng quán lấn chiếm vỉa hè gần như “kịch khung”. Tuy nhiên, vì lợi nhuận, một số tiếp tục tái phạm. Còn ông Phạm Tuấn Long, Phó Chủ tịch UBND quận Hoàn Kiếm cho biết, trong chiều 1/3, UBND quận đã có buổi họp với toàn bộ 18 phường trên địa bàn về quán triệt xử lý dứt điểm các tụ điểm lâu năm về gửi xe, kinh doanh chiếm hè phố.
Nghị định 167/2013/NĐ-CP quy định: “Phạt cảnh cáo hoặc phạt tiền từ 100.000 đến 300.000 đồng đối với những hành vi: Gây tiếng động lớn, làm ồn ào, huyên náo tại khu đông dân cư, nơi công cộng trong thời gian từ 22h ngày hôm trước đến 6 giờ ngày hôm sau; bán hàng ăn uống, giải khát quá giờ quy định của UBND tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương”. Nghị định 171/2013/NĐ-CP:“Phạt tiền từ 2 đến 3 triệu đồng đối với cá nhân, từ 4 đến 6 triệu đồng đối với tổ chức về hành vi: Họp chợ, kinh doanh ăn uống, bày bán hàng hoá, sửa chữa xe, rửa xe, đặt, treo biển hiệu, biển quảng cáo, làm mái che trên lòng đường đô thị, hè phố gây cản trở giao thông”.
Thành ủy Hà Nội vừa có văn bản về việc kiểm tra, xử lý tình trạng trông giữ xe không đúng quy định mà báo Tiền Phong đã nêu. Cụ thể, ở các quận Hoàn Kiếm, Tây Hồ, Hai Bà Trưng mặc dù đã bị cơ quan chức năng xử phạt nhưng vẫn cố tình vi phạm (nâng giá vé, lấn chiếm lòng đường…). Bí thư Thành ủy Hà Nội yêu cầu Ban Cán sự Đảng UBND thành phố chỉ đạo, kiểm tra, xử lý dứt điểm các vi phạm, rút giấy phép nếu tái phạm, báo cáo Thành ủy trước 15/3/2016. |
Theo Tiền phong