Một kỹ nữ đã qua thời xuân sắc tâm sự rằng: “Nhiều chị em không dám lập gia đình dù đó là ước mơ khi họ đến ngày rũ áo, lau son phấn”.

 


Kiều Diễm quê Trà Vinh, 28 tuổi, đã 10 năm “lưu lạc chốn phong trần”. Cô nói đã một lần yêu, từng đem tất cả cho một người đàn ông mê ca hát. Kết quả của “tình văn nghệ” ấy là một bé gái mà cô phải gửi bà ngoại nuôi nấng, để tiếp tục một mình trở lại với đời ca kỹ. Diễm nói, thỉnh thoảng vài chị em đồng cảnh ngộ ngồi lại với nhau, không có đàn ông, người đờn người hát đến chếnh choáng say. Trong những phút trải lòng đó, “thì ra ai cũng có nỗi buồn nặng trĩu”.

“Năm trước em cũng định làm đám cưới với một giáo viên ở Kiên Giang. Tìm hiểu nhau mấy năm rồi chứ ít đâu. Tuy xa xôi cả trăm cây số, nhưng sớm hôm gì ảnh cũng chạy qua, có khi chỉ để nghe em đờn hát một vài bài. Nhưng khi tính đến chuyện cưới thì anh ấy bắt đầu… ghen. Mỗi khi có khách, em cũng phải “trình” với ảnh khách là ai, ở đâu, chừng nào về. Nhiều lúc đang đờn hát, ảnh cứ gọi vồn vã. Em không nghe máy thì đâm hục hặc… Chán, em chia tay luôn”, một kỹ nữ nổi danh ở Bạc Liêu tâm sự vì sao tuổi ngoài 30 mà chưa có người đàn ông bên cạnh, mặc dù quanh cô sớm hôm đều lắm kẻ si tình. “Thật ra với em để tìm một người đàn ông thì không khó. Trong những người khách tìm đến em, lắm người giàu có, họ nói thẳng là nếu em đồng ý thì có ngay nhà lầu, xe hơi… nhưng những lời đề nghị như thế em từ chối ngay, không nghĩ ngợi. Em đã “văn nghệ” mười mấy năm rồi, vui cũng lắm, buồn cũng nhiều, nhưng tuyệt đối không hề có tiếng nhơ. Cái em cần là sự chân tình. Sống nghèo cũng được. Và quan trọng là đừng bắt em phải bỏ nghề…”, kỹ nữ nổi tiếng này nói rằng niềm đam mê vọng cổ đã đưa cô vào nghề.

Đã trải nghiệm gần như tất cả những vinh quang của nghiệp cầm ca, khách yêu cổ nhạc luôn xem cô là một sự khác biệt so với các kỹ nữ. Hát hay, đờn giỏi, lại có nhan sắc, nhưng cô khéo “đưa” những người khách tìm đến mình đơn thuần là thưởng thức lời ca tiếng đờn. Cô cũng rất ít khi ngồi chung với khách, mà chỉ nép mình một bên để làm bổn phận xướng ca. Thế nhưng, cô luôn được khách bồi dưỡng rất cao. Lắm khi cô “thấy ngại”, phải chia sẻ với các chị em khác. So với nhiều kỹ nữ, cô có một cuộc sống chu toàn. Thế nhưng, trong một lần cà phê, người kỹ nữ này thổ lộ: “Đôi khi về tới nhà là trời đã gần sáng. Một thân một mình, không hiểu sao nước mắt em cứ rơi”. Cô nói, thấy nhiều chị em đi trước hôn nhân trắc trở, cô lại… không dám lập gia đình. “Có lúc em nghĩ mình chỉ cần làm người mẹ đơn thân thôi”, cô lại nói về những ước mơ giản dị nhất mà một người phụ nữ “không dám” hướng tới.

Kỹ nữ và nhà thơ

Thế nhưng, không phải kỹ nữ nào cũng có một kết cuộc buồn như thế. Nhiều kỹ nữ ở Cà Mau vẫn còn nhắc đến “chuyện cổ tích” về một kỹ nữ tên K. với một nhà thơ nổi tiếng ở đồng bằng. Một lần tình cờ trên tiệc rượu, nhà thơ này hỏi thăm chuyện đời của người phụ nữ đằm thắm bên cạnh. Kỹ nữ nói thật rằng mình gãy gánh gia đình, từ Trà Vinh phải xuống tới miệt Cà Mau vừa để tránh anh chồng cũ thỉnh thoảng lại nổi cơn ghen, vừa kiếm tiền nuôi con ăn học. “Nếu sau này con em lớn, nó biết chuyện, em không sợ nó khinh em làm nghề này sao?”. “Nếu nó biết, hiểu thì em mừng. Còn không thông cảm thì em cũng cam. Dù sao em cũng đã chu toàn được cho con…”.

Sau buổi chuyện đến canh thâu, vị nhà thơ xin việc làm cho người phụ nữ này tại một xưởng may của người quen. Quyết chí, chẳng lâu sau, chị trở thành một thợ may giỏi, ra mở tiệm riêng, khách đông nườm nượp. Không muốn tiếp tục sống cảnh xa quê, chị trở về Trà Vinh, cất nhà, mở tiệm may bên con đường nhỏ gần thị trấn để gần gũi nuôi dạy con ăn học tới nơi tới chốn. Mối tình đẹp giữa nhà thơ và kỹ nữ, đẹp cả trong thơ lẫn ngoài đời, khiến những người biết tới không khỏi xúc động. Thỉnh thoảng, trong hơi men, bạn hữu lại đọc những câu thơ viết về kỹ nữ của nhà thơ này và phán “ông ấy mới xứng đáng làm thơ về đời kỹ nữ”.

Đời kỹ nữ, đời lây lất phong trần, lấy phấn son làm đẹp, lấy ca kỹ làm vui, quen nhiều tao nhân - mặc khách, biết nhiều quân tử - tiểu nhân, có không ít kẻ si tình, được không ít người ngưỡng mộ. Nhưng là đời của những thị phi bất nhân, lắm tay ôm ấp nhưng thiếu người lau nước mắt cảm thông. Là mong mỏi một gia đình lúc phai son nhạt phấn. Là những vui buồn vốn dĩ xưa nay.
 

Theo Thanh niên