Nhiều kỹ nữ đã phải dùng chiêu trò để giữ mình trong cái nghề luôn ở giữa lằn ranh văn nghệ và thể xác.

 


Sau khi đoạt nhiều giải ca hát, T. quyết định rời quê nhà lên Sài Gòn tìm cơ hội. Thiếu người đỡ đầu, cô chỉ có được những buổi hát lót trên sân khấu nhỏ với tiền cát sê còm cõi. Không trụ được ở Sài thành, T. quay qua đầu quân cho các đoàn tạp kỹ, rong ruổi ở các tỉnh lẻ. Lúc “đói” cũng hát cho các đám hội chợ, lô tô. Chẳng khá hơn, cô lại đến Cần Thơ “lập nghiệp” với nghề hát phục vụ tiệc tùng, cưới hỏi, đêm đêm theo chị em ca kỹ kiếm sống. T. là kỹ nữ đắt show, từ đó mộng sân khấu của cô cũng dần xếp lại.

B.V có gương mặt bầu bĩnh, khả ái. Là con nhà nòi trong gia đình nhiều thế hệ nổi tiếng trong phong trào đờn ca tài tử ở địa phương. Cô vừa học giỏi, lại hát hay nên rất được gia đình thương yêu, chăm chút. Bốn năm trước, xa nhà lên Cần Thơ trọ học đại học. Nhiều người biết đến cô đã liên tục rủ đi đờn hát tài tử giao lưu. Vì con nhà nòi, tỏ ra hơn hẳn những tài tử đi trước cả về chất giọng lẫn bài bản, lớp lang, V. nhanh chóng nổi tiếng trong giới đờn ca tài tử ở Cần Thơ. Từ những buổi hát giao lưu, cô được rủ rê ca hát kiếm tiền. Trẻ đẹp, lại hát có nghề, V. được nhiều người yêu thích đờn ca vọng cổ mến mộ, kể cả những khách khó tính nhất. Số điện thoại của cô trở nên ưa thích của các chủ quán hạng sang. Mê hát ca, cô dần xa chuyện học. B.V non nớt thay đổi nhanh chóng bằng những đêm “đối phó” mà bản năng của cô gái trẻ mới xa gia đình đã không cho cô nhiều “chiêu trò” của một kỹ nữ cần có. “Tri kỷ tri âm” và những mối tình ướt át đã cho cô nhiều nếm trải mà những người biết cô trước đó đã không khỏi lắc đầu tiếc nuối.

“Ca kỹ như tụi em là đi giữa văn nghệ và thân xác”, kỹ nữ tên K. (quê H.Tiểu Cần, Trà Vinh), đầu quân cho quán rượu của đôi vợ chồng nghệ sĩ ở TP.Sóc Trăng nói. Cô được yêu cầu nhiều vì hát nghe cũng được và biết nhiều chiêu trò tung hứng với khách. Tại quán nghệ sĩ này, ngoài K. còn có các cô gái quê ở Nha Mân (Đồng Tháp) cũng đều được nữ nghệ sĩ chủ quán luyện cho cả nghệ thuật hát và “diễn” với khách. Những kỹ nữ “lành nghề” gồm hát và “diễn” luôn làm khách hài lòng trên bàn rượu, cảm thấy thất vọng khi đòi “diễn bên ngoài”. Các em thường viện lý do là có khách yêu cầu hát, hoặc có chuyện đột xuất, họa lắm thì cứ bảo là uống say rồi..., hẹn hôm khác “văn nghệ tới bến”.

Giữa làn ranh

Kỹ nữ H.T được giới phong lưu biết đến với nét đẹp kiêu sa, mời gọi. Ngón guitar tuy không phài là điêu luyện, nhưng kết hợp giọng khàn, u uất với dòng “nhạc sang” đã làm nhiều người thổn thức. Lắm người xem H.T là tri kỷ, tri âm với những “đêm thâu bia bọt với sự đời”. Đó là khoảng thời gian cô có một quán nhỏ nằm trong con hẻm sâu ở Cần Thơ, nơi khách tri âm sớm khuya lui tới, được H.T đón tiếp ân cần. Với cây đàn guitar và những bản nhạc buồn, H.T từng làm đắm lòng bao khách đa tình.

Nhưng rồi, có giai đoạn H.T dẹp quán để lấy chồng, sinh con. Nhiều người biết chuyện cũng mừng cho cô, vì đời kỹ nữ xuân sắc cho bấy lâu. Bẵng đi một thời gian, người ta lại thấy H.T ôm đàn guitar xuất hiện ở các quán nhậu. Đôi môi cong thường trực điếu thuốc lá trong dáng vẻ bất cần đời đã làm hình tượng một kỹ nữ sang trọng và khép kín ngày nào có phần thay đổi. Thay vào đó là một người xô bồ, “tới bến”. Hình ảnh mới đã làm H.T mất dần “bạn tri âm”, những người vốn tới với H.T đơn thuần qua ngón đàn, lời ca. Thay vào đó là những khách phong lưu, vốn được cô “chiều tới bến”. Một lần, H.T tâm sự rằng gia đình tan vỡ, cô phải một mình nuôi con. Biết đời xuân không còn bao lâu nữa, nên cô phải nhanh chóng tích cóp để mở lại cái quán nhỏ như ngày nào. Có điều, bạn bè cô cảm thấy “tiếc” vì H.T không còn chỉ bán lời ca tiếng nhạc, buôn chuyện canh thâu nữa.

“Trước đây em không hề đi khách, nhưng bị dụ một lần nên đành cho số phận”, K.N, một kỹ nữ lưu lạc từ Thái Nguyên vào Cần Thơ kể rằng khi ngồi với khách, cô cứ dặn lòng là “cố gắng giữ mình”. Xinh đẹp và hát hay, K.N nhận được nhiều lời khen tặng. Vẻ lịch thiệp của K.N khiến nhiều khách quý mến. Trong số đó, có một khách trẻ lịch thiệp, hát hay và bồi dưỡng hậu cho cô sau mỗi tiệc. Tiệc tùng ở quán nào, vị khách này cũng gọi K.N tới giới thiệu là “bạn gái”. Lâu ngày, K.N cũng nghĩ mình là “bạn gái” của vị khách lịch thiệp nọ cho đến khi cô chấp nhận theo khách về khách sạn. Sáng lại, thất vọng với số tiền lạnh tanh mà “bạn trai” khéo đút vào túi áo. Tối sau, K.N lại nhận cuộc gọi từ số điện thoại của một vị khách thường ngồi chung với “bạn trai” đề nghị đi “tới bến”. Kỹ nữ bật khóc. Tối đó, trong cơn say, cô lại gật đầu đi với khách... cho đến tận bây giờ.

Một kỹ nữ nhiều năm trong nghề buồn bã: “Nghề kỹ nữ đi giữa làn ranh văn nghệ và thân xác. Nhiều cô gái chỉ bán nghề ca hát để kiếm sống, để thỏa đam mê. Nhưng cũng không ít người bán luôn... cả hai thứ. Đời kỹ nữ xưa nay là thế”.
 

Theo Thanh niên

.