(BVPL) - Việc ra đời của phần mềm gọi xe Uber và Grab, đã tạo ra một cuộc cách mạng về công nghệ trong lĩnh vực vận tải thông minh.
|
Cuộc chiến giữa dịch vụ vận tải thông minh và dịch vụ vận tải truyền thống vẫn chưa thể đi đến hồi kết. Hình minh hoạ. Nguồn: Internet |
Những động thái của vụ việc
Đối với xe ôm truyền thống và xe ôm công nghệ, thời gian gần đây liên tục xảy ra nhiều vụ xô xát, thậm chí là hỗn chiến, gây mất trật tự xã hội. Đã có nhiều vụ "ẩu đả" lớn mà công an phải vào cuộc để trấn áp và giải quyết.
Đa phần những vụ xô xát này xuất phát từ việc các xe ôm truyền thống không muốn Grab tiếp cận nguồn khách tại khu vực này vì “đó là mảnh đất mà họ có thể kiếm cơm nuôi gia đình hàng ngày”.
Một tài xế xe ôm già chia sẻ rằng ông không biết chữ nên khi cầm những chiếc smartphone trong tay – ông không hề biết sử dụng. Ông cho biết, mình có đứa cháu cũng chạy GrabBike vì mức thu nhập cũng không đến nỗi nào so với xe ôm truyền thống, và vì xe nó “ngon” hơn, lại có nguồn khách ổn định.
“Tôi chưa bao giờ nghĩ đến chuyện đánh bọn nhỏ vì xem bọn nó như con cháu. Nếu mấy đứa nó cố tình giành khách thì không nói làm gì nhưng nếu người ta đặt nó chở đi thì tại sao lại đánh nó chứ? Làm thế tôi coi không được” – ông thẳng thắn.
Về phía dịch vụ taxi cũng không ngoại lệ, đã có rất nhiều những lá thư khiếu nại từ phía taxi truyền thống được gửi lên Bộ GTVT kiến nghị về việc Grab và Uber trốn thuế. Mặc dù Bộ Giao thông vận tải đã tổ chức cuộc họp với các hãng mới đây, nhưng xem ra những mâu thuẫn này vẫn chưa có hồi kết nếu không có biện pháp quản lý hữu hiệu.
Tranh cãi không có hồi kết
|
Theo các chuyên gia kinh tế, cơ chế quản lý nhà nước cần tạo ra môi trường kinh doanh bình đẳng và thuận lợi hơn cho cả hai loại hình Uber, Grab và taxi truyền thống. Nguồn: Internet |
Đại diện phía bên dịch vụ vận tải truyền thống cho biết, lượng xe “taxi công nghệ” đã và đang phát quá nhanh, gây bất ổn xã hội. Công ty Uber và Grab cũng bị cáo buộc là công ty kinh doanh dịch vụ vận tải trá hình, cạnh tranh không lành mạnh bằng chiêu thức siêu giảm giá, chiến lược giá hủy diệt, trợ giá cho khách hàng nhằm mục đích chiếm lĩnh thị trường.
Những lập luận xoay quanh câu chuyện thất thoát ngân sách quốc gia khi triển khai taxi công nghệ cũng được đưa ra trong đơn khiếu nại mới đây của Hiệp hội Taxi Hà Nội gửi các cơ quan có thẩm quyền. Hiệp hội ước tính theo số liệu họ tự thu thập được, mỗi năm Uber và Grab đã chuyển khoảng 3.600 tỷ đồng ra nước ngoài, bình quân mỗi ngày khoảng 10 tỷ đồng.
Bên phía dịch vụ vận tải thông minh là Uber và Grab lại cho rằng họ luôn tuân thủ pháp luật Việt Nam và thực hiện đầy đủ nghĩa vụ thuế đối với Nhà nước. Số lượng xe ký hợp đồng với đơn vị đã báo cáo Bộ GTVT và các đơn vị liên quan nhưng tại hội nghị này ông không thể công bố vì đó là “bí mật” kinh doanh của doanh nghiệp. Tuy nhiên, họ luôn đảm bảo chu toàn về chất lượng và đặc biệt là đảm bảo quyền lợi cho khách hàng.
Để có được giá cước thấp và những đợt khuyến mãi, giảm giá cho người dùng là nhờ họ đã biết tận dụng công nghệ để nâng cao hiệu suất quản lý và kinh doanh... Hai đơn vị này đều khẳng định rằng họ có đóng thuế đầy đủ cho cơ quan thuế. Bên cạnh đó là thực hiện đầy đủ các nghĩa vụ với khách hàng.
Người dân nói gì?
|
Có nhiều ý kiến trái chiều xoay quanh cách hành xử của hai bên dịch vụ vận tải truyền thống và công nghệ. Hình minh hoạ. Nguồn: Internet |
Chị Nguyễn Thị Thư, Hà Nội chia sẻ: "Hình ảnh xe ôm đối với mình đã không mấy thiện cảm rồi, thái độ họ khá là hung hăng. Thời buổi hiện nay đã khác với ngày xưa, xã hội cần sự phát triển văn minh, các chú xe ôm cũng nên thay đổi hình ảnh của mình, phục vụ khách hàng một cách lịch sử, thái độ từ tốn, giá cả rõ ràng, thì mọi người sẽ ủng hộ các chú. Còn nếu cứ tiếp tục những hình ảnh này thì dù mấy chú có đuổi được vài xe Grab đi nữa thì cũng không ai dám đi xe của mấy chú nữa đâu".
Cũng có người lại cho rằng xe ôm truyền thống cũng rất đáng thương. Các chú làm vậy cũng chỉ vì miếng cơm manh áo để nuôi gia đình. Ông Trần Vũ Đào, một người làm xe ôm lâu năm tại ga Hà Nội chia sẻ: "Nói thật, anh em làm xe ôm ở đây cũng đã tính tới chuyện vừa hoạt động xe ôm truyền thống vừa đăng ký Grab, Uber để có thêm thu nhập. Tuy nhiên, chúng tôi không thể đăng ký được, bởi có nhiều người không biết chữ, người thì không biết sử dụng điện thoại công nghệ cao, một số khác đã hơn 60 tuổi cũng không nằm trong diện có thể đăng ký làm xe ôm công nghệ".
Những đáp trả của dịch vụ vận tải truyền thống
|
Hình ảnh về những chiếc taxi truyền thống di chuyển trên đường phố với khẩu hiệu nhằm "phản pháo" taxi công nghệ ở đuôi xe đã không còn xa lạ với người dân Hà Nội. Nguồn: Internet |
Những khẩu hiệu của Taxi Sao Thủ đô như: "Đi taxi truyền thống là bảo vệ nguồn tài chính quốc gia" hay thông điệp mà Taxi Mỹ Đình đưa ra là: "50.000 xe thí điểm theo QĐ 24 của Bộ GTVT có doanh thu 18.000 tỷ đồng nhưng chỉ nộp thuế 15,8 tỷ. Vậy ngân sách thất thu ở đâu?". Một số hãng taxi khác cũng đang có động thái tương tự trước sự lấn át ngày một mạnh mẽ từ Uber và Grab.
Bên cạnh những cách thức như dán khẩu hiệu trên mỗi chuyến xe, nhiều hãng mới đây cũng tìm cách truyền thông tới từng khách hàng thông qua những tài xế về ưu điểm của taxi truyền thống và nhược điểm của loại hình kiểu Uber, Grab. Thay vì chỉ đón và vận chuyển khách, không ít tài xế truyền thống hiện cũng chủ động giải thích cho khách hàng về chính sách cước mới của hãng.
Được biết, vài tháng gần đây, các hãng taxi truyền thống như Vinasun, Mai Linh, Taxi Group, Thành Công...cũng đua nhau ra mắt ứng dụng đặt xe trên điện thoại, nhằm nâng cao hiệu hoạt động và minh bạch giá cước, quãng đường.
Để khuyến khích khách đặt xe qua ứng dụng, nhiều hãng còn áp dụng thêm mã khuyến mại từ 20.000-30.000 đồng, tương tự như các đối thủ Uber hay Grab. Thậm chí, có hãng còn chấp nhận cho khách hàng thanh toán bằng smartphone, không cần tiền mặt, thông qua ví điện tử.
Bên cạnh việc triển khai công nghệ, công ty Vinasun trước đó còn cho tài xế bán bưởi trên xe. Đây là động thái nhằm tăng thu nhập, để giữ chân tài xế của "ông lớn" taxi Sài Gòn trong bối cảnh 8.000 nhân viên nghỉ việc trong 6 tháng đầu năm nay.
Thậm chí, Công ty cổ phần Mai Linh Miền Bắc đang có kế hoạch triển khai thêm dịch vụ xe ôm trong tháng sau. Trước đó, Vinasun cũng cho biết đang nghiên cứu thị trường, cân nhắc lợi ích để phát triển dịch vụ gọi xe ôm trực tuyến.
Thùy Hương (t/h)