(BVPL) - Không được sự hướng dẫn về kỹ thuật, không có người định hướng kế hoạch,… chỉ ăn may vào thời tiết, thế nhưng hàng chục hộ dân ở xã Tây Tựu- Từ Liêm- Hà Nội vẫn đua nhau đầu tư vào trồng hoa ly, thậm chí có hơn 60% người trồng ly đã thế chấp sổ đỏ.
Diện tích trồng hoa ly tăng đột biến
Xã Tây Tựu (Từ Liêm, Hà Nội) từ trước đến nay vốn nổi tiếng về trồng các loại hoa và rau, quả, tuy nhiên vài năm trở lại đây, người dân đưa hoa ly vào trồng thử nghiệm. Thấy năm trước một số hộ thắng lớn, năm nay hàng loạt hộ dân đã mang sổ đỏ thế chấp ngân hàng vay tiền để trồng hoa ly.
Diện tích đất trồng hoa ly tăng lên rõ rệt. Trung bình mỗi nhà đều tăng diện tích trồng hoa lên gấp đôi, gấp ba so với năm trước.
Anh Khanh, chủ một vườn hoa ly có diện tích hơn một mẫu, cho biết: “Năm ngoái, nhà tôi chỉ trồng có 5 sào thôi, năm nay tăng lên gấp đôi. Thấy mọi người ai cũng mướn thêm đất để trồng hoa nên nhà tôi cũng quyết định làm. Tất cả diện tích đất thuê đều được sử dụng vào trồng hoa ly”.
Do đất trồng ở Tây Tựu có phần hạn chế, không đáp ứng đủ nhu cầu trồng hoa mở rộng của người dân nên hầu hết người dân xã Tây Tựu (Từ Liêm- Hà Nội) đã phải thuê đất ở xã Hạ Mỗ (Đan Phượng- Hà Nội). Để tiện cho việc chăm sóc, trông coi, không ít hộ dân phải ở lại vườn.
Cánh đồng hoa Tây Tựu và Hạ Mỗ những ngày gần Tết không nhuộm sắc vàng, đỏ quen thuộc mà thay vào đó là những tấm lưới quây kín thửa ruộng để trồng hoa ly.
|
Vườn ly đang chuẩn bị thu hoạch. |
Dù không chắc chắn được sự đầu tư của mình song vì thấy thành quả từ năm ngoái mà nhiều người dân đã đổ xô vào trồng hoa ly.
“Những người từ trước đến nay vẫn trồng hoa thì nay mở rộng thêm còn những hộ dân từ trước đến nay không trồng cũng thử sức chuyển qua trồng ly với mong muốn, mùa này sẽ thắng lớn như mùa trước”, anh Hoàn (Tây Tựu- Từ Liêm) cho biết.
Theo tính toán chung của người dân thì để trồng một sào hoa ly cần tới 100 triệu đồng tiền hạt giống chưa kể tiền thuê đất, chi phí nhà lưới. Nếu như năm nay, mỗi hộ trồng ly đều mở rộng diện tích lên đến 1 mẫu thì số tiền cần đầu tư phải hơn 1 tỷ đồng. Có người đầu tư 3 đến 5 mẫu, thậm chí là chục mẫu thì số tiền lên tới cả chục tỷ đồng...
Chính bởi yêu cầu đầu tư vốn để trồng hoa ly quá cao nên việc thế chấp sổ đỏ trở thành điều hiển nhiên đối với người dân nơi đây.
Khi nguồn giống cũng… trôi nổi
Đầu tư tiền tỷ vào trồng hoa ly, nhiều người dân vẫn tự nhận định đó là việc làm mạo hiểm, đánh cược gia sản của đời người rồi thấp thỏm trông chờ vào thời tiết.
Tiền tỷ để trồng hoa ly chủ yếu tập trung vào nguồn giống. Củ giống hoa ly tùy theo từng loại đắt, rẻ khác nhau. Loại rẻ nhất có giá là 9 nghìn đồng/củ, đắt nhất là 22 nghìn đồng/củ, thậm chí có lúc lên đến 26 nghìn đồng/củ.
Nguồn giống hầu như người dân đều tự túc và mua theo kiểu truyền miệng hoặc qua mối quen biết. Hầu hết những loại hoa đắt tiền như ly, loa kèn đều sử dụng giống ngoại nhập, chủ yếu từ Hà Lan, Niu- di- lân, Chi- lê,…nhưng không ai có thể kiểm chứng được chính xác về chất lượng cũng như xuất xứ của củ giống.
Anh Liên (Tây Tựu- Từ Liêm) cho biết: “Đến mùa vụ thì tới công ty phân phối củ giống rồi mua tùy theo nhu cầu của mình. Nhưng cũng có khi củ giống mình cần mua lại hết hàng và phải mua đắt hơn ở chỗ khác. Việc phải mua đắt hơn so với mức giá bình thường là trường hợp thường xuyên mắc phải”.
Đặc biệt là việc mua toàn bộ củ giống không rõ nguồn gốc và hiệu quả mang lại như thế nào cho 1 mẫu đất, 5 mẫu, thậm chí là chục mẫu bằng số tiền thế chấp ngân hàng là một bài toán vô cùng khó.
“Không phải cứ củ giống đắt tiền là sẽ cho ra hoa đẹp. Tùy vào củ giống từng nước mình lấy và sự may rủi thôi. Củ giống đắt nhưng khi ly ra hoa cũng không đảm bảo được sẽ đẹp hơn củ giống rẻ. Có nhà đầu tư hẳn củ giống “xịn” nhưng hoa ly cũng chỉ có hai tai. Lỗ vốn trông thấy…”, chị Xuyến, chủ một vườn ly gần một mẫu ở xã Hạ Mỗ, Đan Phượng cho hay.
Ngoài ra, củ giống nếu không đảm bảo chất lượng sẽ khiến hoa ly bị chết ngay từ khi còn bé. Vì thế, việc chọn lựa củ giống rất quan trọng bởi nếu không người dân sẽ dễ dàng mất trắng. Tuy nhiên, trên thực tế vấn đề kiểm soát nguồn củ giống hoa ly vẫn đang bị bỏ ngỏ và người dân chủ yếu dựa vào kinh nghiệm là chính.
Việc trồng hoa ly của người dân xã Tây Tựu- Từ Liêm- Hà Nội hiện nay trong tình trạng manh mún, tự phát thế nên chuyện hứng chịu rủi ro là điều rất dễ xảy ra, đến lúc người dân cần có sự can thiệp, giúp đỡ từ phía chính quyền địa phương để vững vàng và tiếp cận với nguồn giống đảm bảo chất lượng.
Đào Thương