Ở xã Hồ Thầu, huyện Hoàng Su Phì (Hà Giang) nơi có rất nhiều người Dao sinh sống, những người phụ nữ chẳng may đứt chuyện tình duyên không những không bị chê bai gì mà còn có phần "đắt chồng" hơn.
 
Trai tân lấy gái nạ dòng
 
Xã Hồ Thầu với cái mũ chóp màu xanh xám của đỉnh Chiêu Lầu Thi (nằm ở độ cao 2.402 m so với mực nước biển) được coi là "thủ phủ" của người Dao đỏ. Đây cũng chính là nơi khởi nguồn của sông Chảy. Mảnh đất đặc biệt ấy ẩn chứa những câu chuyện thú vị.
 
Ông Triệu Tài Sơn, Trưởng thôn Tân Minh, cho hay trên địa bàn thôn có ít nhất 7 mối tình trai tân - gái nạ dòng đã nên duyên đôi lứa. Trong đó, có những cặp vợ chồng còn rất trẻ, mới cưới nhau được 1-2 năm. Trường hợp của Bàn Tà Phin (SN 1987) với người vợ Đặng Mùi Mùi (SN 1993, ở xã Quảng Nguyên, huyện Xín Mần) là ví dụ điển hình.
 
Mùi kể: Năm 17 tuổi, em đang học cấp 3 thì bố mẹ bắt nghỉ lấy chồng. Em cãi. Bố cầm dao ra vườn chặt cành trúc vụt em lằn lưng. Em quỳ xuống khóc lóc cầu xin nhưng bố nhất quyết không đổi ý vì đã cầm 20 đồng bạc của nhà người ta. Phận làm con đành cắn răng chịu đựng. Lấy chồng gần một năm thì em có bầu. Suốt ngày nó (chồng cũ của Mùi) tụ tập bạn bè uống rượu, say lại rủ nhau đi tán gái. Cuối cùng, em với nó ly dị. Khi sinh con, em để con mang họ Đặng, cắt hết tình nghĩa với bố nó.

 

Gia đình của Bàn Tà Phin và Triệu Mùi Mùi sống rất hạnh phúc
Gia đình của Bàn Tà Phin và Triệu Mùi Mùi sống rất hạnh phúc
 
Khi cánh cửa hạnh phúc của Mùi gần như khép lại thì Phin đã tới. Tình cờ quen nhau tại chợ phiên Nậm Dịch năm 2011, ánh mắt của Phin đã đắm đuối lắm rồi. Phin hỏi Mùi đã có người yêu chưa? Mùi bảo: Có chồng rồi nhưng cũng bỏ rồi. Giờ ở mình nuôi con thôi. Thế Mùi có muốn lấy chồng nữa không? Có nhưng không ai dám lấy, mà lấy thì họ cũng chẳng thương con mình.
 
Dù không chung lối, nhưng sẵn có xe máy xăng đầy bình, cuối phiên chợ Phin tình nguyện xin chở người bạn mới quen về tận nhà.
 
Từ ấy, chàng trai tân và cô gái nạ dòng vấn vít bên nhau như hình với bóng. Gia đình, bạn bè Phin không những không phản đối mà nhiệt tình vun vén, tác thành cho hai người.
 
Tôi hỏi Phin có thấy buồn vì đứa con của Mùi không cùng giọt máu với mình không? Phin thản nhiên trả lời: Ồ, không buồn đâu, coi như trời ban phúc cho gia đình mình. Lấy Mùi rồi thì mình coi đứa trẻ như con đẻ luôn, càng đông con càng vui. Vừa rồi vợ chồng mình đổi họ cho nó là Bàn Thanh Phúc. Nó cũng biết gọi mình là bố rồi đấy!
 
Trong căn nhà sàn ở cuối thôn Tân Minh, tôi đã cảm nhận được một mái ấm theo đúng nghĩa, khi thấy cảnh chị Mùi ngồi bên chiếc thảm tre nhặt những bông nếp nương đã phơi khô chắp thành bó, anh Phin đỡ lấy cắt rơm thừa. Bé Phúc cầm một nhánh lúa, cười hớn hở bên bố mẹ. Chung sống với nhau hơn một năm qua, đôi vợ chồng trẻ chưa từng nặng lời với nhau nửa tiếng.
 
Gái nạ dòng càng có giá
 
Ông Triệu Chòi Phú, Chủ tịch UBND xã Hồ Thầu, chia sẻ: Người Dao đỏ sống ở khắp các tỉnh miền núi phía Bắc, nhưng, chỉ có Hồ Thầu mới có nhiều cặp đôi trai tân - gái nạ dòng như vậy. Từ xửa từ xưa, những thế hệ đi trước đã quan niệm rất thoáng về chuyện hôn nhân.
 
Khi đã đem lòng yêu một người con gái, họ không xoáy sâu vào quá khứ của người đó, cũng chẳng đặt
Chủ tịch xã Triệu Chòi Phú bảo: Chuyện trai tân lấy gái nạ dòng phản ánh một quan điểm tiến bộ trong hôn nhân: nam nữ bình đẳng. Chúng tôi coi đó là một nét văn hoá riêng.

nặng vấn đề trinh tiết. Thế nên, đối với những người phụ nữ đã có con, trai tân sẵn sàng nhận làm cha đứa trẻ không cùng huyết thống với mình. Thế hệ trẻ bây giờ vẫn duy trì tư tưởng đó.

 
Còn theo lý giải của ông Triệu Chòi Hín, Chủ tịch Hội Người cao tuổi kiêm Chủ tịch Hội Nghệ nhân dân gian xã Hồ Thầu: Nhiều gia đình người Dao dù đông con nhưng vẫn cất công đi khắp nơi tìm thêm đứa con nuôi. Bởi họ quan niệm nếu mang một đứa trẻ ngoài dòng tộc về sẽ gặp nhiều may mắn, giống như lộc trời ban. Do đó, kể cả con gái chửa hoang, nếu xem số hợp tuổi thì con trai vẫn lấy bình thường. Thậm chí ngày trước, nhiều chàng trai còn thích lấy gái nạ dòng làm vợ. Nhà trai phải trả thêm cho nhà gái 5 đồng bạc trắng.

 

Chị Phượng Mùi Chản kể chuyện kết hôn lần thứ hai
Chị Phượng Mùi Chản kể chuyện kết hôn lần thứ hai
 
Ngay bản thân ông Hín cũng đã vui vẻ cho con trai của mình là Triệu Lao Lủ (thôn Tân Phong) lấy chị Mùi Nhíp (ở xã Tân Lập, huyện Bắc Quang, Hà Giang) khi chị đang mang trong bụng cái thai của một người đàn ông khác.
 
Ở Hồ Thầu, nhiều cặp đôi trai tân - gái nạ dòng gần đến ngày cưới mới nhìn thấy mặt nhau. Điển hình như trường hợp của anh Triệu Chòi Chìu (SN 1980) và và người vợ Phượng Mùi Chản (SN 1984) ở thôn Trung Thành. Chị Chản sinh được 2 người con, đứa lớn tên Triệu Chàn Ton (10 tuổi), đứa nhỏ tên Triệu Mùi Mùi (8 tuổi) nhưng chỉ có bé Mùi cùng chung huyết thống với anh Chìu.
 
Ngồi bên bếp lửa bập bùng, tôi hỏi chị Chản: Anh chị quen nhau trong hoàn cảnh nào? - Bố mẹ anh Chìu đến hỏi mới biết, chứ em đang mang bầu hoang xấu hổ lắm, chỉ loanh quanh ở nhà. - Vậy bao lâu sau thì hai người tổ chức đám cưới? - Khoảng 2 tháng. - Khi ấy anh Chìu biết chị đã có bầu chưa? - Biết rồi chứ, mới gặp đã thấy bụng to rồi. - Vậy anh Chìu có ưng chị không? - Không ưng thì làm sao hạnh phúc được đến bây giờ (chị cười lớn). - Anh ấy có quý con riêng của chị không? - Có, rất yêu quý, bao giờ đi làm có tiền lại dẫn nó xuống chợ mua quần áo, mua kẹo.

 

Anh Triệu Chàn Ton yêu quý đứa con riêng của vợ như con đẻ
Anh Triệu Chàn Ton yêu quý đứa con riêng của vợ như con đẻ
 
Giải thích lí do vì sao lại chọn người con gái đang mang bầu hoang để hỏi vợ cho con mình, bà Vàn Mùi Pham (63 tuổi), mẹ anh Chìu, nói lấp lửng: “Người Dao có câu: Cây nhãn năm nay sai quả thì năm sau vẫn sai mà”.
 
Bí thư Chi bộ thôn Trung Thành Triệu Chòi Vảng đếm được trong thôn mình có ít nhất 3 cặp vợ chồng như anh Chìu - chị Chản. Trong đó, có cả công an viên Triệu Chàn Ton (SN 1985), từng tốt nghiệp Trung cấp Nông lâm Hà Giang. 19 tuổi, Ton yêu cô gái ở đầu thôn Triệu Mùi Ghín.
 
“Lúc đầu cô ấy bảo là không có người yêu, nhưng thực ra đã có thai rồi, bụng vẫn bé nên mình chưa phát hiện. Khi ấy mình đang học ngoài TX. Hà Giang, thỉnh thoảng mới về thăm người yêu được. Mới quen nhau hơn 2 tháng thì gia đình Ghín sang bắt vạ bố mẹ mình, rằng: “Con trai ông đi qua đây khoảng 3 tuần, con gái tôi không ăn được cơm nếp nữa. Thế thì hai bên gia đình mình làm thông gia có được không?". Bạn bè, gia đình thấy vậy cũng xúm vào động viên: Ông không đi qua đoạn đường này, đoạn đường này không lở. Ông đi qua đoạn đường này, đoạn đường này đã lở. Ông phải kè lên, không kè lên không được. Mình nghĩ, mình yêu nó quá. Nó cũng biết lỗi rồi. Thôi thì cứ coi con của nó là do mình tạo ra vậy", Ton nói.
 
Theo NNVN