Nhiều người dân ở xã Long Phước (TP. Bà Rịa) tuy có chợ “sát nách” nhưng hàng ngày lại phải lặn lội 8 cây số ra các chợ Phước Nguyên, Hòa Long để mua sắm. Sở dĩ như vậy vì theo phản ánh của bà con, chợ xã Long Phước đã xuống cấp, hàng hóa không đáp ứng nhu cầu.

 


Có mặt tại chợ Long Phước vào buổi sáng, chúng tôi nhận thấy không khí mua bán tại chợ khá vắng vẻ, chỉ lèo tèo vài khách vào chợ. Một người dân cho hay, buổi sáng trong nhà lồng chợ chỉ có một vài quầy thịt, rau củ quả và một số quầy bán quần áo, tạp hóa. Buổi chiều có thêm vài sạp tôm cá. Còn dãy ki ốt phía bên hông nhà lồng chợ đã đóng cửa từ lâu, các cánh cửa sắt đã bị hoen rỉ; Văn phòng Ban quản lý chợ cũng đóng cửa.

Đã hơn 10 giờ trưa, nhưng sạp thịt của chị Lê Thị Ngọc Hân vẫn còn đầy. Chị Hân cho biết: Chợ vắng vẻ, buôn bán ế ẩm, ngồi cả ngày từ sáng đến chiều, chỉ bán được vài chục ký thịt. Cạnh đó, quầy hàng tạp hóa của chị Trúc Giang cũng vắng tanh. Chị Giang phàn nàn: Trung bình mỗi ngày, chỉ bán được vài trăm ngàn. Tiền vốn bỏ ra thì nhiều, nhưng thu lại chẳng được bao nhiêu. Khách vào chợ chỉ mua những thứ lặt vặt như bột canh, bột ngọt. Khi cần mua hàng với số lượng lớn, họ thường ra các khu chợ lớn.

Bà con tiểu thương trong chợ cho biết, sở dĩ chợ Long Phước ế là do nhiều năm nay, dọc các tuyến đường trong xã, nhiều chợ nhỏ lẻ và các tiệm tạp hóa mọc lên. Trong khi đó, hàng hóa bày bán ở chợ chủ yếu là tự sản tự tiêu, các mặt hàng thiết yếu phục vụ hàng ngày như đồ nhựa, đồ gia dụng không có. Các mặt hàng quần áo, giày dép rất ít…Do đó, người dân đành phải tìm đến khu chợ khác phong phú hàng hóa hơn để mua sắm. Chị Dương Thanh Toàn, nhà ở tổ 16, ấp Phước Hữu cho biết: Mặc dù từ nhà chị ra chợ Long Phước chỉ mất 10 phút đi bộ, nhưng sáng nào chị cũng chạy xe ra tận Phước Nguyên (cách nhà 8 km) để mua sắm. “Tui cũng muốn mua ở đây cho gần mà có gì để mua đâu. Ra chợ Phước Nguyên thứ gì cũng có, tươi roi rói”, chị Toàn so sánh.

Bên cạnh các lý do nêu trên, còn có lý do cơ sở vật chất của chợ Long Phước đã xuống cấp. Hiện nay, hệ thống thoát nước của chợ đã bị hư hỏng. Anh Trình Thanh Tuấn, kinh doanh hàng quần áo trong nhà lồng chợ cho biết, chỉ cần một trận mưa lớn là nước tràn vào nhà lồng chợ, ngập cả lối đi, làm hư hỏng hàng hóa, ảnh hưởng không nhỏ đến hoạt động kinh doanh buôn bán của tiểu thương.

Ông Trần Văn Dũng, Phó Chủ tịch UBND xã Long Phước cho biết: Chợ Long Phước được xây dựng từ năm 1996 với diện tích 0,6ha, tổng vốn đầu tư gần 1 tỷ đồng, bao gồm 86 ô sạp trong nhà lồng, buôn bán các mặt hàng quần áo, nhu yếu phẩm; 25 ô sạp buôn bán các mặt hàng hải sản, thực phẩm tươi sống. Ngoài ra, còn có 36 ki ốt xung quanh nhà lồng chợ. Trải qua gần 20 năm hoạt động, chợ đã 4 lần được nâng cấp với tổng kinh phí hơn 200 triệu đồng, bao gồm các hạng mục: Nhà vệ sinh, nhà giữ xe, nâng nền ki ốt, sơn tường... Ban đầu, chợ cũng thu hút đông đảo bà con tiểu thương đến kinh doanh, tuy nhiên do buôn bán ế ẩm nên số tiểu thương cũng rơi rụng dần. Hiện chợ chỉ hoạt động được khoảng 1/3 công suất. Ông Dũng cho biết, toàn xã hiện có 2.400 hộ dân. Với quy mô chợ như hiện nay thì không thể đáp ứng được nhu cầu mua bán của người dân địa phương. Trong tương lai, chợ Long Phước cũng đã được quy hoạch, xây mới trên diện tích 1,9ha. Việc mở rộng, xây dựng chợ theo ông Dũng, là rất cần thiết, vì chợ không chỉ giải quyết việc làm cho người dân địa phương, đáp ứng nhu cầu lưu thông hàng hóa mà còn thể hiện nét văn hóa văn minh trên địa bàn xã.

Tuy nhiên, để “cứu” chợ truyền thống, theo phản ánh bà con tiểu thương chợ Long Phước, trước hết chính quyền địa phương phải quyết liệt dẹp bỏ các điểm bán hàng rong ở các vỉa hè, vận động bà con vào chợ Long Phước để mua bán, trao đổi hàng hóa. Đồng thời, đầu tư cải thiện hệ thống thoát nước, tránh tình trạng để nước ngập úng trong khu nhà lồng chợ như hiện nay.

 

Theo Báo Bà Rịa - Vũng Tàu

.