Cẩn trọng khi đánh bắt đẻn biển
Cập nhật lúc 00:24, Chủ nhật, 05/10/2014 (GMT+7)
Thời gian gần đây, trong quá trình hành nghề đánh bắt hải sản trên biển, nhiều ngư dân bị đẻn cắn, gây thương tích và tử vong. Do vậy, bà con ngư dân cần cẩn trọng khi đánh bắt đẻn và có biện pháp xử lý kịp thời khi không may bị loại rắn này cắn. ( thi thể, chết người, đẻn, xác chết, rắn)
Thời gian gần đây, trong quá trình hành nghề đánh bắt hải sản trên biển, nhiều ngư dân bị đẻn cắn, gây thương tích và tử vong. Do vậy, bà con ngư dân cần cẩn trọng khi đánh bắt đẻn và có biện pháp xử lý kịp thời khi không may bị loại rắn này cắn.
Những cái chết thương tâm
Ngày 8-9, ngư dân Sơn Ngọc Thanh (sinh năm 1967, quê quán Sóc Trăng) cùng tàu cá BĐ 96963TS xuất bến Vũng Tàu ra khơi đánh bắt hải sản. Trong khi đang hành nghề tại tọa độ 6o23’N-106o05’E, cách Côn Đảo khoảng 150 hải lý về phía Nam - Tây Nam, ngư dân Sơn Ngọc Thanh bất ngờ bị đẻn cắn. Ngay sau đó, ngư dân Sơn Ngọc Thanh được các thuyền viên trên tàu BĐ 96963TS sơ cứu và băng bó vết thương. Tuy nhiên, do bị nhiễm nọc độc của đẻn, ngư dân này đã tử vong trước khi được đưa vào đất liền để cứu chữa.
Trước đó, ngày 10-8, một vụ tai nạn tương tự cũng xảy ra với ngư dân của tàu cá BĐ 30499TS. Rạng sáng cùng ngày, tàu BĐ 30499TS thả lưới trên vùng biển phía đông nam Vũng Tàu. Khoảng 2 tiếng sau, ngư dân Trần Văn Linh (45 tuổi, quê Cần Giờ, TP. Hồ Chí Minh) tiến hành thu lưới lên tàu thì bị đẻn cắn và tử vong sau đó ít giờ.
Trung tá Nguyễn Hùng Sơn, Đồn trưởng Đồn Biên phòng Bến Đá (thuộc Bộ đội Biên phòng tỉnh), cho biết: Thời gian gần đây, đẻn biển có giá bán khá cao, do vậy, nghề đánh bắt đẻn cũng phát triển mạnh. Trong số các loại đẻn biển mà bà con ngư dân đang đánh bắt, có nhiều loại rất độc, có thể gây tử vong cho người. Từ đầu năm 2014 đến nay, Đồn Biên phòng Bến Đá đã ghi nhận 4 trường hợp bị đẻn biển cắn, gây thương tích nặng. “Từ thực tế này, đề nghị bà con ngư dân phải hết sức cẩn trọng khi đánh bắt đẻn, trang bị đầy đủ bảo hộ lao động khi hành nghề” - Trung tá Nguyễn Hùng Sơn nói.
Cách xử lý khi bị đẻn độc cắn
Theo Trung tá, bác sĩ Nguyễn Thành Lê, Chủ nhiệm Quân y Bộ Chỉ huy Bộ đội Biên phòng tỉnh, khi bị đẻn độc cắn, nạn nhân thường có các dấu hiệu như: thấy đau buốt, phù nề xung quanh vết cắn, sụp mi mắt, giãn đồng tử, khó há miệng, khó nuốt, khó nói, khó thở do liệt cơ hô hấp, liệt chi, nhịp tim nhanh, tăng huyết áp... Do vậy, nguyên tắc sơ cấp cứu nạn nhân bị đẻn độc cắn là làm chậm sự xâm nhập, lan tỏa nọc độc của đẻn đến các bộ phận cơ thể con người và nhanh chóng đưa bệnh nhân đến cơ sở y tế gần nhất để được điều trị kịp thời.
Bác sĩ Nguyễn Thành Lê khuyến cáo: Khi không may bị đẻn độc cắn, việc đầu tiên cần làm là băng ép ở phía trên vết thương để làm chậm sự xâm nhập của nọc độc vào cơ thể. Sau đó, nạn nhân phải được bất động chi bị cắn bằng nẹp (giống như trường hợp bị gãy xương) và không cho nạn nhân tự đi lại để hạn chế sự lan truyền của nọc độc. Tiếp đó, tiến hành rửa sạch vết thương bị đẻn cắn bằng nước sạch, có thể dùng dung dịch thuốc tím 1% hoặc xà phòng; đồng thời khẩn trương đưa người bị nạn đến cơ sở y tế gần nhất. Bác sĩ Nguyễn Thành Lê lưu ý, bà con ngư dân không nên sơ cứu người bị đẻn cắn bằng các biện pháp dân gian như: rạch da tại chỗ bị đẻn cắn, châm, xâm vết cắn… Cách sơ cứu này sẽ khiến bệnh nhân tăng nguy cơ nhiễm khuẩn và tăng sự hấp thu nọc độc.
Theo Báo Bà Rịa - Vũng Tàu
.