Trên số báo trước, chủ quán bar MTM (Đồng Nai) khẳng định với chúng tôi: “Không có quán bar nào “sạch” cả!”. Để hút khách, các quán luôn có màn múa cột, cắn thuốc lắc, say rượu và đánh nhau… (xem bài “Sẽ đề nghị rút giấy phép quán bar vi phạm”).
 
Các quán bar ở Bình Dương cũng không là ngoại lệ nhưng còn có thêm chuyện các cô phục vụ sẵn sàng đi khách sạn với khách…
 
Trong những ngày thâm nhập các quán bar, chúng tôi thấy gần chục quán bar như Roma, Thuận Thiên, Đêm Màu Hồng, 106, D1… công khai trong việc cho vũ công múa cột để thu hút khách.
 
Tuyến, một đại gia buôn bán phế liệu ở huyện Tân Uyên, cho biết trừ một bar ở Thủ Dầu Một tương đối kén khách, số còn lại rất xô bồ. Khách vào quán bar phần nhiều là công nhân và những tay giang hồ. “Mại dâm, ma túy, đánh đấm thường xảy ra sau khi đám dân chơi vào các quán bar”. Về màn múa cột trong các quán bar, Tuyến buông chắc nịch: “Cái đó gần như công khai và theo định kỳ các ngày trong tuần”.
 
Múa cột trong bar D1 ở Bình Dương. Ảnh: DĐ
Múa cột trong bar D1 ở Bình Dương. Ảnh: DĐ
 
Theo chân Tuyến, đêm 6-7, chúng tôi đến bar D1 ở phường Bình Hòa, thị xã Thuận An (Bình Dương). Gần 22 giờ nhưng quán chật cứng khách, chủ quán đã phải tận dụng luôn lòng lề đường để làm chỗ đậu xe. Theo Tuyến, bar D1 tổ chức múa cột tương đối sớm vì hầu hết khách đến bar này là công nhân, một số chuyên gia người Hàn Quốc, Đài Loan làm việc ở các công ty trên địa bàn và họ thường rời quán sớm để hôm sau đi làm.
 
Tại quán này, chỉ hơn 22 giờ nhưng các dancer đã trình diễn tiết mục múa cột thứ hai. Hai dancer mặc đồ thiếu vải lắc lư những động tác khiêu dâm trong tiếng hò reo của hàng trăm thanh niên. Sau khi nhét những đồng tiền bo từ khách vào đồ lót, hai dancer càng diễn bạo hơn, uốn éo những động tác không thể tục tĩu hơn…
 
Một anh bạn đi cùng lấy điện thoại định ghi hình liền bị bảo vệ hét vào tai: “Ông chụp ảnh là bị “vòng trong” đập máy đó”.
 
Tiếp tục lắc lư với chiếc cột bóng loáng được khoảng 15 phút thì hai dancer này rời cột, xuống tận từng bàn uống rượu và nhảy múa cùng khách. Cứ nhảy chán thì các vũ công lại xuống “giao lưu” với khách, sau đó lại lên cột uốn éo…
 
Sau nhiều ngày thâm nhập, chúng tôi thấy nhiều thanh niên non choẹt vào bar uống rượu, nhảy nhót. Nhiều người không ngại hút bồ đà, cắn thuốc lắc để tăng độ “phê”.
 
Sau khi uống hết hai thùng bia, Tuyến cho biết: Khách tìm đến các quán bar còn vì cái vụ kia. Sau khi tắt nhạc, những em phục vụ sẵn sàng tới bến với khách.
 
Để chứng minh, Tuyến dùng điện thoại viết: “Off nhạc, ăn tối với bọn anh nhé” rồi đưa điện thoại cho một phục vụ tên Th. xem. Đọc xong, cô này viết lại: “Tới sáng luôn hả anh, cho em 7 xị nha?” rồi chuyển cho Tuyến.
 
Sau khi ra dấu OK, Tuyến yêu cầu Th. rủ thêm ba cô và địa điểm gặp nhau là một khách sạn ở Lái Thiêu. Chúng tôi tính tiền, bước ra khỏi quán, đồng hồ lúc này gần 1 giờ sáng.
 
Theo ThS Lê Minh Công, giảng viên khoa Tâm lý Trường ĐH KHXH&NV TP.HCM, quán bar không phải xấu, rất phổ biến ở các nước phương Tây. Tuy nhiên, khi du nhập vào Việt Nam nó bị biến tướng, trở thành điểm tụ tập của nhiều thanh niên hư hỏng và gây nhiều hệ lụy xấu đến một bộ phận thanh thiếu niên khác.
 
Tám năm trước, Chính phủ chỉ đạo tạm ngưng cấp mới giấy đăng ký kinh doanh quán bar, nhà hàng karaoke, vũ trường để rà soát, đánh giá. Lúc đó, Chính phủ nhận định: Các vi phạm ở quán bar, nhà hàng karaoke, vũ trường ngày càng nghiêm trọng như sử dụng băng đĩa ca nhạc có nội dung cấm phổ biến; tổ chức múa khỏa thân, khiêu dâm; sử dụng heroin, thuốc lắc; biến địa điểm kinh doanh thành nơi ăn chơi sa đọa; hoạt động mại dâm hoặc môi giới mại dâm; sử dụng hung khí hoặc thuê bảo kê giết người…
 
Sau tám năm, nhận định của Chính phủ vẫn còn nguyên giá trị.

 

Theo Pháp Luật TP HCM