(BVPL) - Để được ăn rau sạch, nhiều người dân ở Hà Nội đã tự trồng rau ở ban công hoặc trên sân thượng của gia đình mình. Muốn cho rau lớn nhanh, nhiều người dân ở Hà Nội đã nghĩ ra cách đó là tích trữ cơm thừa, canh cặn, cọng rau bỏ đi, vỏ hoa quả, thậm chí ra chợ mua rác về nhà để ủ thành phân hữu cơ bón cho rau.

 


Chị Phương Bình (nhà ở Cầu Giấy, Hà Nội) cho biết, từ hơn một năm nay gia đình chị hầu như không phải mua bán bất cứ loại rau gì ở chợ. Được biết, nhà chị Bình có một vườn rau trên sân thượng rộng hơn 40m2. Mùa nào thức ấy, hầu như chị rất ít khi phải mua rau, quả ở chợ. Trên sân thượng nhà chị có khá nhiều loại rau, quả. Chị Bình cho biết, từ ngày trồng rau sạch trên sân thượng thì một cọng rác trong nhà cũng được giữ lại bỏ vào 2 chiếc thùng phi cạnh vườn rau để ủ thành phân bón rau.

Chị chia sẻ, tất cả những đồ thừa như: cơm thừa, canh cặn, thức ăn, nước vo gạo, vỏ hoa quả, cọng rau… đều được chị giữ lại sau đó mang lên  gác đổ vào thùng phi. Cách ủ phân này chị học từ, các cụ, các bà ngày xưa ủ phân trồng lúa ở quê. Chị có 2 chiếc thùng phi trên gác. Hàng ngày, tất cả thức ăn thừa từ cơm thừa, canh cặn đến vỏ chuối... đều được chị gom lại và đổ hết vào thùng. Chị thường ủ khoảng 2 tuần để các loại thức ăn đó phân hủy sau đó chắt nước sang một cái thùng phi để bên cạnh tích trữ làm phân tưới rau dần. Mỗi lần tưới, chị múc một ít “nước cốt” sau đó pha với nước sạch để tưới.

Theo chị Bình thì loại phân hữu cơ tự ủ tưới cho rau cực kỳ tốt, rau xanh non mỡ màng. Tuy nhiên, phân cũng có mùi hôi do rác phân hủy, thậm chí thùng ủ phân nhiều khi còn có giòi, bọ… Chị Bình cũng chia sẻ, mỗi lần tưới rau trên sân thượng chị thường phải tưới vào buổi đêm, chờ cho hàng xóm ngủ hết, lúc đấy chị mới lên sân thượng để múc phân hữu cơ này ra tưới rau. Sở dĩ chị làm thế bởi vì loại phân này có mùi rất khó chịu, đôi khi bị hàng xóm phản ánh, kêu ca chị cũng ngại, nhưng vì chất lượng bữa ăn cho gia đình nên chị cố gắng khắc phục bằng mọi cách.

Khác với chị Bình, bà Hòa (Hà Đông, Hà Nội) cho biết, bà không ủ phân bằng thùng phi như cách nói trên mà bà ủ luôn với đất trước khi trồng rau khoảng nửa tháng. Cách này vừa làm cho đất tơi xốp và có nhiều chất dinh dưỡng hơn, khoảng thời gian ủ đất cũng chính là quãng thời gian để đất nghỉ ngơi trước khi vào vụ rau mới. Bà Hòa cũng cho biết, cách ủ phân lẫn vào đất kiểu này sẽ không bị bốc mùi gây ảnh hưởng đến hàng xóm, láng giềng. Trước khi ủ đất, bà thường gom tất cả thức ăn thừa của gia đình và ra chợ mua thêm ít vỏ hoa quả, cọng rau, ruột cá… về nhà sau đó cứ rải một lớp đất lại một lớp rác thải này. Sau khoảng 15 ngày thì bà xới lên, lúc đó rác ngấm vào đất giúp đất tơi xốp mà không bị bốc mùi khó chịu.

Ủ phân phải có khoa học

Trước tình trạng nhiều gia đình tự gom rác ủ phân hữu cơ để trồng rau sạch như hiện nay, ông Trần Đình Long, Chủ tịch Hội Giống cây trồng Việt Nam cho biết: việc trồng rau trên sân thượng là tốt, việc sử dụng rác thải hữu cơ cũng tốt cần khuyến khích và nhân rộng trong cộng đồng. Tuy nhiên, mỗi cá nhân cũng cần có ý thức để không ảnh hưởng đến môi trường sống xung quanh.

Cũng theo ông Long thì không phải ai cũng biết cách ủ phân hữu cơ. Thực ra, việc nhiều gia đình cố nhồi nhét hết các phế phẩm của gia đình mình đồng thời còn gom thêm rác ở chợ về để ủ thành phân hữu cơ là hoàn toàn không đủ căn cứ khoa học.

Thực tế, rất nhiều gia đình ủ phân để trồng rau cho thấy, rau thì có tốt thật nhưng không khí lại bị ô nhiễm, trong nhà có nhiều giòi, bọ, muỗi, chuột. Chị Hường (Nguyễn Trãi, Thanh Xuân, Hà Nội) ở trong một căn hộ chung cư. Nghe theo lời tư vấn của bạn bè, chị cũng gọi thợ đến thiết kế một vườn rau ngoài ban công để trồng rau sạch. Mỗi tuần, chị thường ra chợ mua lại ít vỏ hoa quả, ruột cá kết hợp với ít cơm thừa của gia đình rồi bỏ vào một cái thùng sơn ngoài ban công có nắp đậy để ủ thành phân tưới rau. Tuy nhiên, rau thì chưa được ăn thì đã rước bệnh cho hai cô con gái nhỏ. Thùng rác thải chị ủ ngoài ban công bốc mùi hôi thối nồng nặc cả vào trong nhà, thậm chí có lần chị phát hiện quần áo phơi ngoài ban công toàn rệp, rồi việc 2 con của chị đêm nào ngủ cũng gãi, da nổi mẩn khắp người.

Sau khi phát hiện, ngay lập tức chị Hường gọi thợ đến dọn dẹp sạch sẽ ban công để lấy lại không khí trong sạch cho gia đình. Thế mới biết, việc trồng rau sạch nên nhân rộng, nhưng không phải bất kỳ chỗ nào cũng có thể trồng rau, bất kỳ chỗ nào cũng có thể ủ phân một cách phản khoa học như rất nhiều gia đình ở Hà Nội vẫn đang sử dụng hiện nay. Và việc ăn rau sạch nhưng lại phải hít không khí bẩn thì là điều không nên.
 

Hữu Bắc

.