(BVPL) - "Hãy bảo vệ thế hệ trẻ khỏi hiểm họa ma túy" là chủ đề của tháng hành động phòng, chống ma tuý năm nay. Nhằm nâng cao hiệu quả tuyên truyền về đổi mới công tác cai nghiện ma túy, cũng như nâng cao nhận thức của cộng đồng về ma tuý và điều trị dựa trên các bằng chứng khoa học, kinh nghiệm quốc tế... Vừa qua, Bộ Lao động Thương binh và Xã hội (LĐ-TB&XH) đã tổ chức Hội thảo “Nâng cao hiệu quả tuyên truyền về đổi mới công tác cai nghiện ma túy” nhằm hưởng ứng Tháng hành động phòng, chống ma tuý, Ngày Quốc tế phòng, chống ma tuý và Ngày toàn dân phòng, chống ma tuý (26/6).

 


Ý thức được tác hại của tệ nạn ma túy đến sức khỏe, kinh tế, văn hóa, xã hội, thời gian qua, Đảng và Nhà nước đã quan tâm chỉ đạo các ngành, các cấp triển khai đồng bộ các giải pháp phòng chống ma túy trên cả 3 lĩnh vực: Giảm cung, giảm cầu và giảm hại, đặc biệt là công tác cai nghiện, phục hồi cho người nghiện ma túy. Mặc dù các cấp, các ngành đã triển khai nhiều biện pháp phòng chống ma túy song chưa mang lại nhiều kết quả như mong muốn.

Trước thực tế này, năm 2013, Chính phủ đã ban hành Quyết định số 2596/QĐ -TTg về việc phê duyệt Đề án "Đổi mới công tác cai nghiện ma túy ở Việt Nam đến năm 2020". Với mục tiêu đổi mới, nâng cao hiệu quả công tác dự phòng và điều trị nghiện nhằm giảm tác hại của nghiện ma túy, kiềm chế sự gia tăng số người nghiện mới, hỗ trợ người nghiện tái hòa nhập cộng đồng.

Triển khai đề án còn lúng túng

Thứ trưởng Bộ LĐ-TB&XH Nguyễn Trọng Đàm cho biết, sau 3 năm triển khai, đến nay đề án về cơ bản các địa phương đã triển khai nhưng một số nơi còn lúng túng dẫn đến các trung tâm không còn học viên, cơ sở vật chất lãng phí, nguồn lực con người chưa được sử dụng hết, các địa phương chưa chú trọng triển khai nhân rộng mô hình điều trị nghiện ma túy dựa vào cộng đồng. Kết quả chưa đạt được chỉ tiêu Đề án đề ra cả về tiến độ chuyển đổi Trung tâm Chữa bệnh - Giáo dục - Lao động xã hội sang cơ sở điều trị nghiện tự nguyện.

Nguyên nhân là do nhận thức của lãnh đạo chính quyền một số ngành, địa phương chưa thực sự đầy đủ về nghiện ma túy, điều trị nghiện ma túy. Do vậy, chưa đồng thuận cao trong việc triển khai Đề án cũng như chưa thực sự quan tâm, chưa chủ động nghiên cứu và đưa ra mô hình chuyển đổi phù hợp. Bên cạnh đó, trong cộng đồng, xã hội còn nhiều quan niệm, ý kiến, mức độ khác nhau về việc điều trị cai nghiện ma túy. Do đó, Thứ trưởng Nguyễn Trong Đoàn cũng đề nghị, trong thời gian tới cần tập trung làm tốt công tác tuyên truyền nâng cao nhận thức của người dân về hiểm họa, tác hại của ma túy; biểu dương những mô hình, con người cụ thể, vượt lên trên ma túy để hòa nhập cộng đồng, bên cạnh đó cần phê phán những địa phương chưa thực sự quan tâm đến vấn đề này, vừa phê phán nhưng cũng chỉ ra hạn chế, tuyên truyền phải đi sâu, đi sát xuống cộng đồng, lắng nghe ý kiến, tiếng nói để tháo ngỡ khó khăn ngay cả về pháp luật.

 Cần tăng cường công tác tuyên truyền với phương châm hướng tuyên truyền để gia đình, cộng đồng, quần chúng nhân dân, nhất là đối với thanh niên, thiếu niên, các đối tượng có nguy cơ cao hiểu rõ tác hại của ma túy; tuyên truyền giúp đỡ những người nghiện ma túy xóa bỏ mặc cảm, quan tâm, bố trí việc làm phù hợp để họ ổn định cuộc sống, hòa nhập cộng đồng; gia đình, cộng đồng, các cấp, các ngành cần có các biện pháp quản lý chặt chẽ những người đã được cai nghiện để tránh cho họ tái nghiện, qua đó góp phần ổn định tình hình an ninh, chính trị và trật tự an toàn xã hội. Tập trung làm tốt công tác truyền thông sẽ là giải pháp quan trọng, hiệu quả để tiếp tục vừa phòng ngừa sự lạm dụng ma túy vừa hỗ trợ những người đã từng lạm dụng ma túy hòa nhập cộng đồng.   
 

 Mai Hòa

.