Mỗi lần về quê hương Bình Định, chúng tôi lại có dịp quây quần cùng anh em, họ hàng thưởng thức bữa sáng đạm bạc chất quê bánh tráng ướt, bánh tráng nướng chấm nước mắm.
 
 
Nghề truyền thống
 
Gia đình có 4 đời làm nghề bánh tráng, lão nông Lê Hai (82 tuổi, ngụ thôn Kim Tây) cho biết bao đời nay món bánh tráng đã trở thành món ăn dân dã của người dân quê Bình Định và nó trở thành món ăn không thể thiếu trong các đám tiệc, giỗ, tết. Trong mâm cỗ làng quê ở Bình Định, dù có đầy đủ thịt, cá, nhưng trên mâm vẫn phải có món bánh tráng nướng, bánh tráng nhúng thường ngày vì đó là món quen miệng của người dân quê Bình Định. Thiếu nó thì đám cỗ đó là đám cỗ của người thị thành hoặc người xứ khác chứ không phải người dân quê Bình Định của ông.
 
Bà Lê Thị Ngọc (ngụ thôn Kim Tây) cho biết mấy chục năm về trước, thôn Kim Tây của bà có vài trăm hộ sản xuất bánh tráng. Nguồn nguyên liệu làm bánh tráng gồm gạo và bột mì tự sản xuất, chất đốt tận dụng từ nguồn phụ phẩm nông nghiệp, như: trấu, mùn cưa... nên chi phí làm bánh tráng khá thấp, người dân ở đây có thể lấy công làm lời và nhiều gia đình sống được với nghề này. Nhờ có truyền thống lâu đời nghề làm bánh tráng, cộng với những tìm tòi sáng tạo trong chế biến, theo thời gian, bánh tráng Kim Tây thơm dẻo nổi tiếng và được nhiều người biết đến.
 
Còn bà Đặng Thị Kiều kể rằng, thôn Kỳ Sơn trước đây có rất nhiều người làm bánh tráng. Cứ vài nóc nhà lại có 1 nhà làm bánh tráng. Bánh tráng làm ra, nếu có người đặt mua thì không có gì phải lo; không có ai mua thì đem ra chợ phiên của thôn, xã ngồi bán. Bánh tráng làm ra nếu gặp mưa phơi không được, bị sượng thì cả nhà phải ăn bánh tráng thay cơm.
 
Nghề làm bánh tráng ở thôn Kỳ Sơn quê bà Kiều cũng là nghề truyền thống, nhưng không nổi danh bằng thôn Kim Tây quê chồng bà. Lý do là những người làm bánh tráng trong thôn chỉ tranh thủ làm lúc nông nhàn hoặc hàng xóm đem gạo, trấu, công đến phụ đúc để lấy tiền công. Riêng những người làm bánh tráng theo kiểu gia truyền trong thôn cũng có gần 20 người, như: Nguyễn Thị Yến, Nguyễn Thị Thanh Thúy, Ngô Thị Mỹ Nga…
 
Theo những bậc cao niên làng Kim Tây, bánh tráng Kim Tây nổi danh là nhờ thương hiệu, cách tổ chức sản xuất của người trong thôn và chính quyền. Về chất lượng bánh tráng Kim Tây và các thôn khác trong xã, huyện, tỉnh Bình Định đều như nhau vì công thức làm giống nhau và đều được làm từ bột gạo. Đặc biệt, bánh tráng bột gạo chế biến theo truyền thống có chất lượng, hương vị luôn khác biệt với bánh tráng bột gạo sản xuất theo kiểu công nghiệp. Đó cũng là lý do bánh tráng truyền thống tồn tại, được người dân quê Bình Định và những người xa xứ ưa chuộng.
 
Bên những líp bánh tráng nổ ti tách dưới nắng trưa, bà Ngô Thị Mỹ (ngụ thôn Kim Tây) thổ lộ nghề làm bánh tráng thu nhập chỉ hơn 100 ngàn đồng/ngày nên thôn nữ bỏ nghề tìm công việc khác có thu nhập cao hơn (làm công nhân, buôn bán). Trước đây, nhà nào trong thôn cũng có 1-2 lò tráng bánh. Từ sáng đến chiều, khói từ các lò tráng bánh lan tỏa khắp làng...
 
Theo Đoàn Phú (Báo Đồng Nai)
.