16 tổ chức đề nghị nghiêm trị hành vi buôn bán sừng tê giác
“trùm” buôn lậu sừng tê giác
Cập nhật lúc 09:00, Thứ năm, 25/01/2018 (GMT+7)
Ngày 22/1/2018, 16 tổ chức quốc tế và tổ chức xã hội hoạt động trong lĩnh vực bảo tồn tại Việt Nam đã cùng ký tên vào lá thư kêu gọi các cơ quan thực thi pháp luật Việt Nam xét xử nghiêm minh đối tượng Nguyễn Mậu Chiến - bị nghi ngờ là "đầu sỏ" trong đường dây buôn bán sừng tê giác xuyên quốc gia và đã từng dính líu đến nhiều vụ buôn bán, vận chuyển động vật hoang dã (ĐVHD) trái phép.
Trong phiên tòa xét xử dự kiến vào ngày 26/1 sắp tới, Nguyễn Mậu Chiến bị xét xử vì hai tội danh: Vận chuyển hàng cấm và tàng trữ hàng cấm, theo quy định tại Điều 155 Bộ luật Hình sự 1999 (sửa đổi năm 2009).
Nguyễn Mậu Chiến được biết đến là đối tượng cầm đầu đường dây buôn bán ĐVHD xuyên quốc gia từ châu Phi về Việt Nam. Năm 2007, Nguyễn Mậu Chiến đã bị bắt giữ và xử phạt tại Tanzania vì hành vi vận chuyển trái phép ĐVHD. Đối tượng này từ lâu cũng đã bị tình nghi có liên quan tới hàng loạt vụ buôn bán hổ trái phép và “hợp pháp hóa” hổ có nguồn gốc bất hợp pháp qua cơ sở nuôi nhốt của mình tại Thanh Hóa trong những năm gần đây. Đặc biệt, đường dây của Chiến bị nghi ngờ đã mở rộng đáng kể tại châu Phi, tập trung chủ yếu vào sừng tê giác, ngà voi và vảy tê tê trong khoảng 5 năm trở lại đây. Vụ bắt giữ Nguyễn Mậu Chiến vào tháng 4/2017 đánh dấu mốc lần đầu tiên một đối tượng tình nghi cầm đầu đường dây buôn bán ĐVHD xuyên quốc gia sa lưới pháp luật tại Việt Nam và được xem là một bước đột phá của Việt Nam trong việc ngăn chặn hoạt động mua bán, tiêu thụ sản phẩm từ ĐVHD.
Trong thư, 16 tổ chức cũng thể hiện tin tưởng một bản án đúng người, đúng tội, đúng pháp luật sẽ được đưa ra đối với các bị cáo trong phiên xét xử sắp tới tại Tòa án nhân dân quận Hà Đông. Bản án này không chỉ có ý nghĩa răn đe với đối tượng phạm tội và những kẻ đã và đang có ý định làm giàu bất chính từ việc buôn bán, vận chuyển trái phép ĐVHD, mà còn thể hiện ý chí quyết tâm của Việt Nam trong công tác đấu tranh phòng chống loại tội phạm này, từ đó nâng cao vị thế và hình ảnh của Việt Nam trên trường quốc tế.
Trước đó, tại phiên tòa sơ thẩm xét xử Nguyễn Mậu Chiến vào ngày 27/11/2017, Hội đồng xét xử đã trả hồ sơ yêu cầu điều tra bổ sung, làm rõ một số thông tin về nguồn gốc của số tang vật tịch thu và những mâu thuẫn trong lời khai của các bị cáo
Hà Nhân