Trên trang http://youfr....com có rất nhiều hình ảnh con gái Việt Nam được tung lên với lời rao: “Tại sao “cô dâu Việt Nam” luôn luôn là một cơn sốt?”. Họ còn chỉ ra cách để có thể mua theo nhóm.
 
Số phận thật trêu ngươi nhiều cô gái khi những "ông chồng lý tưởng" hóa ra là cụ già nua ốm yếu, những tấm thân bệnh tật, thô lỗ, cộc cằn.... mua "vợ" về chăm sóc, hầu hạ và .... bạo hành. 
 
Đau đớn, nhục nhã hơn, những cô gái ấy trở thành món hàng, kẻ buôn người đưa vào "tổ quỷ", hàng ngày phơi thân xác cho khách làng chơi dày xéo....
 
Trường hợp điển hình khiến dư luận "sốc" và vô cùng xót xa là năm 2007, hơn 118 cô gái Việt Nam sẵn sàng lột trần quần áo trước mặt 8 người đàn ông Hàn Quốc để lựa chọn trong cuộc "tuyển vợ". Tuy nhiên, thực chất đây không phải là chồng chọn vợ, mà đó chính là những kẻ buôn người chọn đưa sang Hàn Quốc.
 
Theo nhận định của các cơ quan chức năng, TP.HCM đang là điểm trung chuyển của các loại tội phạm buôn bán người. Buôn bán người được xem là lĩnh vực “buôn bán truyền thống” của các băng đảng mafia trên thế giới, bên cạnh ma túy và vũ khí. Còn tại Việt Nam, thông tin về việc TP. HCM là điểm trung chuyển của hoạt động buôn người khiến nhiều người không khỏi giật mình và đầy những trăn trở...
 
Trung tâm của “tam giác đen”
 
Lý giải vì sao các loại tội phạm lại chọn TP.HCM để làm đất sinh sống và trung chuyển “hàng” đi các tỉnh thành khác, các quốc gia, vùng lãnh thổ trên thế giới, TS Lê Nguyên Thanh, Trưởng bộ môn Tội phạm học, khoa Luật Hình sự, trường đại học Luật TP.HCM phân tích: TP.HCM có điều kiện kinh tế - xã hội thuận lợi cho tội phạm nói chung phát triển, là “mảnh đất vàng” cho tội phạm có tổ chức tại địa phương hình thành, phát triển và tội phạm băng nhóm nơi khác tìm đến.
 
Với dân số bằng 1/10 dân số cả nước, người dân của hơn 60 tỉnh thành có mặt tại đây nên công tác quản lý dân cư là rất khó đối với TP.HCM. TP.HCM hiện còn nhiều quận, huyện ven thành phố đang trong quá trình đô thị hóa, các khu công nghiệp đang hoạt động với hàng nghìn công nhân tạm trú ở các khu nhà trọ nên cũng khó kiểm tra, kiểm soát con người. Vì vậy, đối tượng có nhân thân xấu, tiền án, tiền sự, trốn lệnh truy nã có điều kiện sống, lẩn trốn ở đây để tiếp tục phạm tội.
 
Là đô thị lớn nhất nước, các loại hình kinh doanh dịch vụ, giải trí phát triển nhanh, đa dạng nên nhiều đối tượng tìm đến đây để phạm tội như một nghề. “Về vị trí địa lý, TP.HCM là địa phương tiếp giáp với các tỉnh miền Đông còn lại (Đồng Nai, Bình Dương, Bà Rịa - Vũng Tàu) tạo thành các “tam giác” tội phạm, và với các khu vực Tây Nam Bộ tạo các “trục tội phạm” xuyên khu vực Nam Bộ. TP.HCM cũng có hệ thống đường bộ, đường hàng không, đường thủy sang các nước thuận lợi nên tội phạm băng nhóm do người nước ngoài có điều kiện du nhập vào Việt Nam để phạm tội”, TS Thanh nói.
 
Trên thực tế, thời gian qua, các tội phạm buôn bán người vẫn “hiên ngang” chọn TP.HCM là điểm để hoạt động, trung chuyển. Nổi bật nhất vẫn là buôn bán phụ nữ. T.L., một tay giang hồ từng nhiều năm làm chân rết cho một đường dây mua bán phụ nữ từ Việt Nam sang Trung Quốc, có thâm niên bóc lịch trong nhà đá, nay đã “nghỉ hưu” cho biết, thông thường bọn tội phạm rất liều lĩnh, manh động vì các đường đi nước bước đã được vạch sẵn, cho nên, mọi thứ cứ thế mà tiến hành.
 
Một khách sạn tại Q.5 từng được các đối tượng mua bán người chọn làm nơi để xem mặt các cô gái Việt.
Một khách sạn tại Q.5 từng được các đối tượng mua bán người chọn làm nơi để xem mặt các cô gái Việt.
 
Thêm vào đó, bọn chúng cho rằng, ở nơi nguy hiểm nhất chính lại là nơi an toàn. L. kể một phi vụ lừa bán một cô gái ở An Giang sang Trung Quốc với chiêu xưa nay vẫn được bọn chúng thực hiện: Lúc đầu, theo yêu của đối tác ở Trung Quốc là tìm một cô gái từ 18 – 22 tuổi, chưa chồng, còn trinh với giá 250 triệu đồng. Ngay ngày đầu tiên, xuất hiện một cô gái ở An Giang có ý định lấy chồng ngoại. Sau vài đường cơ bản, cô gái xiêu lòng với giá 70 triệu đồng cùng lời hứa có chồng đẹp trai, giàu có ở tỉnh Quảng Đông (Trung Quốc). Khi mọi thỏa thuận xong xuôi, tụi này đưa cho một đối tượng người Trung Quốc, có tên tiếng Việt là Mao tại cửa khẩu Hữu Nghị (tỉnh Lạng Sơn). Theo lời giới thiệu của L., PV tiếp cận được một cò môi giới tên Li Li, người Trung Quốc đang lang bạt ở khu vực Chợ Lớn. Khi biết được nơi trú ngụ của Li, PV ngỏ ý muốn hợp tác với Li trong chuyện làm ăn này. Qua Li, PV biết được tại Trung Quốc đang có rất nhiều đàn ông có nhu cầu tìm gái Việt để hưởng thụ.
 
Những con số “thần chết”
 
Tại một cuộc hội thảo về phòng chống tội phạm mua bán người tổ chức tại Tiền Giang mới đây, Tổng cục Phòng chống tội phạm cho biết, tính từ năm 2008 đến hết tháng 6/2014, cả nước đã xảy ra 3.000 vụ mua bán người với trên 4,7 ngàn đối tượng lừa bán gần 6.000 nạn nhân.
 
Đặc biệt, trong số người bị bán ra nước ngoài thì có tới 90% bị bán sang Trung Quốc. Riêng tại Tây Ninh từ đầu năm tới nay đã xảy ra năm vụ. Công an tỉnh Tây Ninh cho biết, đã phá năm vụ môi giới hôn nhân với người nước ngoài trái phép, bắt 34 đối tượng, giải cứu 21 nạn nhân bị bán làm vợ, chủ yếu là sang Trung Quốc.
 
Vụ việc mới đây nhất chính là lực lượng Công an Tây Ninh phối hợp với Bộ Công an bắt các đối tượng Ka Thùy Linh, Dai Chang Sheng và Yang Yue Kun tại sân bay Tân Sơn Nhất khi đang làm thủ tục cho ba phụ nữ Việt Nam xuất cảnh sang Trung Quốc trên danh nghĩa du lịch.
 
Thực chất, các đối tượng này đã tổ chức một đường dây và móc nối cùng các đối tượng người Việt là Trần Đình Nhân, Phạm Thị Tuyết (ngụ TP.HCM) để lừa bán các cô gái Việt Nam sang Trung Quốc. Mỗi người đàn ông Trung Quốc muốn có vợ Việt Nam và thông qua đường dây này thì phải trả từ 150 – 250 triệu đồng, tùy theo đẹp hay bình thường và độ tuổi.
 
Là những chân rết tại Việt Nam, mỗi khi giao dịch thành công, các đối tượng Nhân, Tuyết được chia một nửa số tiền nói trên. Về phần các cô gái, nghe các đối tượng dụ dỗ sang Trung Quốc để lấy chồng giàu có, trẻ đẹp nên ai cũng ham.
 
Chính vì thế, từ đầu năm 2013 đến khi bị bắt, các đối tượng này đã bán được bảy phụ nữ sang Trung Quốc. Điều đáng nói là sau khi tuyển chọn và tập kết tại Tây Ninh thì chúng đưa “hàng” xuống TP.HCM rồi “xuất ngoại” sang Trung Quốc bằng đường hàng không.
 
Các cô gái Việt được đưa lên các trang mạng của Trung Quốc để “rao bán”.
Các cô gái Việt được đưa lên các trang mạng của Trung Quốc để “rao bán”.
 
Thực tế, theo tìm hiểu của PV báo Đời sống và Pháp luật, tại Trung Quốc đang có một phong trào lấy vợ Việt Nam. Li cho biết, trên trang: http://vietnamvilla....blogspot.com có quảng cáo cách lấy vợ Việt Nam như thế nào. Trang này sử dụng ngôn ngữ là tiếng Anh và chúng tôi không khó để biết được họ đang nói gì về người con gái Việt Nam. “Bạn có ghen tị với tôi khi có một cô vợ trẻ người Việt Nam? Bạn có thể giống như tôi, có một người vợ Việt xinh đẹp và vui vẻ. Nếu bạn muốn được như tôi thì đừng chần chừ! Hãy hành động ngay bây giờ, bằng cách tham gia dịch vụ mai mối của tôi, để bắt đầu cuộc hành trình của bạn sẽ được như tôi. Giá của tôi không phải là rẻ, nhưng rất hợp lý, bởi vì tôi có một số lượng lớn cô gái để bạn lựa chọn...”.
 
Hay trên trang http://youfr....com có rất nhiều hình ảnh con gái Việt Nam được tung lên với lời rao: “Tại sao “cô dâu Việt Nam” luôn luôn là một cơn sốt?”. Họ còn chỉ ra cách để có thể mua theo nhóm. “Gần đây, ở thành phố Dư Diêu, tỉnh Chiết Giang, để sở hữu một cô dâu Việt theo nhóm thì chỉ phải trả 30 ngàn nhân dân tệ”. Theo thông tin trên trang này thì các cô gái chủ yếu đến từ Hà Nội và TP.HCM. Họ cũng bao luôn “đám cưới và xử lý các thủ tục khác nhau cho người phụ nữ đến Trung Quốc. Ngôn ngữ hoàn toàn không có vấn đề!”. Li cho biết, thực sự đó là những cách buôn bán người bất hợp pháp đang hiện diện tại Trung Quốc.
 
Cô dâu chỉ nhận được  khoảng 1/10 số tiền 
 
TS Nguyễn Văn Nam, chuyên gia nghiên cứu Xã hội học tại TP.HCM cho biết: “Theo thông tin mà tôi có được (có thể mức giá này đã lạc hậu) cách đây vài năm thì giá tối thiểu để cho một người đàn ông Đài Loan lấy một cô dâu Việt Nam dao động từ 20 – 25 ngàn USD. Tuy nhiên, 1/2 trong số này đã bị các đường dây, cò mồi lấy hết. Số còn lại dành cho các khoản chi phí: Di chuyển, xem mặt, ăn uống, mối lái bên dưới... Đến tay cô dâu còn khoảng ba ngàn USD. Nhưng cũng tùy, đó là giá cho người đẹp nhất. Còn người bị hô, gãy răng, da xấu... chỉ còn khoảng 2 – 2,5 ngàn USD mà thôi”.
 
Xóa sổ buôn bán lao động: Phải... chờ
 
Ông Huỳnh Thanh Khiết, Phó Giám đốc sở LĐ-TB&XH TP.HCM cho hay: “Việc hình thành một văn phòng, trung tâm GTVL lừa đảo là rất đơn giản, cho nên các đối tượng này dễ dàng tẩu tán, tẩu thoát. Do đó, muốn dẹp cái này thì phải dựa chủ yếu vào chính quyền quản lý địa bàn. Họ phải liên hệ với các lực lượng trên địa bàn thường xuyên giám sát, kiểm tra thì mới có thể giải quyết được vấn nạn này. Tôi cho rằng, nếu địa phương mà làm tốt công tác quản lý địa bàn thì chắc cũng khó có thể xảy ra các tình trạng lừa gạt người lao động”.
 
Theo ĐSPL