Khí hậu khắc nghiệt, hạn hán, lũ lụt,… xảy ra ngày càng nhiều và không còn là vấn đề của riêng quốc gia nào. Đây là hậu quả của việc con người đã tác động quá nhiều đến môi trường, một trong số đó là khí thải đến từ các nhà máy, khu công nghiệp, rác thải sinh hoạt và nạn phá rừng… Bảo vệ môi trường, làm trong sạch môi trường sống là cực kỳ cấp thiết. Nhận thức được điều này, nhiều người đã có những hành động thiết thực mang tính sáng tạo để bảo vệ hành tinh xanh của chúng ta.
Trong dịp lễ hội Yên Tử vừa qua, du khách ngạc nhiên khi thấy một nhóm đông các bạn trẻ tập hợp dưới chân núi và phân thành các nhóm cùng kêu gọi mọi người ăn uống đúng nơi, xả rác đúng chỗ, bảo vệ cảnh quan,.... Không quản ngại mưa to, gió rét, các bạn trẻ vẫn bám trụ với nụ cười tươi trên môi và khẩu hiệu trên tay như: Vứt rác bừa bãi - Ngàn vái bằng không/ Nhặt rác trên đường - Trời thương Phật độ/Bảo vệ cảnh quan - Ưu phiền tan biến... Những khẩu hiện vui nhộn đã khiến cho thái độ và hành vi của khách hành hương thay đổi khá nhiều, lượng rác thải ra môi trường được giảm thiểu một cách tối đa và gần như “Đường lên Chùa Đồng - Nói không với rác”.
“Đại sứ môi trường” tại trường học
Vừa qua, hãng sản xuất xe Hong Kong - HKbike đã phát động chương trình “Đại sứ môi trường”, được thực hiện tại 16 trường trung học phổ thông tiêu biểu nhất, có thành tích hoạt động, giảng dạy và học tập tốt tại Hà Nội.
HKbike - Đại sứ môi trường gồm 2 phần: học bổng và thi viết. Dựa trên các tiêu chí thành tích học tập cao, rèn luyện đạo đức tốt, tích cực tham gia hoạt động tập thể, 6 học sinh tiêu biểu sẽ được xét để trao học bổng trị giá 500.000 đồng một suất (mỗi khối 2 học bổng). Bên cạnh đó, chương trình còn có cuộc thi viết về môi trường cho các em phổ thông trung học.
Theo đó, học sinh các lớp sẽ được Ban tổ chức cung cấp thông tin tổng quan về hiện trạng ô nhiễm không khí. Thông qua đó, các em có thể viết một bài tối thiểu 300 từ về một trong hai chủ đề sau: nêu cảm nhận về hiện trạng ô nhiễm không khí tại nơi em đang sinh sống và đưa ra cách hiểu của cá nhân về cuộc cách mạng xanh trên đường phố; đưa ra một ý tưởng góp phần làm giảm thiểu tình trạng ô nhiễm không khí trên đường phố hiện tại.
3 bài viết xuất sắc sẽ nhận được giải thưởng Đại sứ môi trường và phần quà trị giá 10,5 triệu đồng mỗi giải. Theo đại diện của HKbike, chương trình Học bổng HKbike - Đại sứ môi trường được sự hưởng ứng nhiệt tình của giáo viên và học sinh các trường PTTH tại Hà Nội.
Xử lý rác bằng giun
Nhận thấy trong rác thải gia đình, rác thải chợ chiếm 70% là rác hữu cơ có thể tái sử dụng, chỉ cần từ 1 đến 2 lạng giun là có thể xử lý được không dưới 300kg rác thải hữu cơ, với hiệu suất xử lý đạt 100%, một nhóm nghiên cứu thuộc Viện Sinh thái và Tài nguyên sinh vật – Viện Khoa học-Công nghệ Việt Nam đã triển khai thí điểm mô hình xử lý rác hữu cơ bằng giun thay thế các phương pháp xử lý truyền thống trước đây như: đốt hoặc chôn lấp tại 5 hộ nông dân ở xã Lam Hồng (Đông Anh) và khu chợ Bưởi, chợ Long Biên (Hà Nội). Sau đó, mô hình được ứng dụng tại một số địa phương khác như: Mê Linh, Từ Liêm, Hoàng Mai. Theo đó, rác thải được thu gom từ các hộ gia đình, chợ. Các loại rác hữu cơ như: lá cây, rơm rạ, cọng rau, vỏ chuối, vỏ dứa.. được lựa chọn và phân loại riêng, rồi đem ủ. Khi rác thải có dấu hiệu hoại mục thì thả giun vào. Tùy theo diện tích và khối lượng rác thải nhiều hay ít mà thả số lượng giun cho hợp lý. Rác thải hữu cơ đã nhanh chóng trở thành thức ăn nuôi giun.
Mặc dù việc phân loại rác hữu cơ và vô cơ là điều không dễ dàng do thói quen của nhiều người nhưng người ta vẫn hy vọng mô hình này sẽ được nhân rộng và trở thành biện pháp bảo vệ môi trường giản đơn mà hữu hiệu.
Phúc Văn