leftcenterrightdel
 Bị cáo Trương Mỹ Lan tại phiên tòa phúc thẩm (giai đoạn 2). (Ảnh: AX)

Vụ án được đưa ra xét xử phúc thẩm do có kháng cáo của bị cáo Trương Mỹ Lan và 27 bị cáo; kháng cáo của 35 người bị hại và kháng cáo của những người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan.

Hội đồng xét xử phúc thẩm, gồm: Thẩm phán Phạm Công Mười làm chủ tọa phiên tòa, cùng Thẩm phán Chung Văn Kết và Thẩm phán Hoàng Minh Thịnh.

Đại diện VKSND cấp cao tại TP Hồ Chí Minh thực hành quyền công tố và kiểm sát xét xử tại phiên tòa, gồm các đồng chí Kiểm sát viên cao cấp: Võ Phong Lưu, Nguyễn Vi Dũng, Nguyễn Khánh Toàn, Nguyễn Văn Tùng (dự khuyết).

Tại phiên tòa phúc thẩm, bị cáo Trương Mỹ Lan giữ nguyên yêu cầu kháng cáo toàn bộ bản án sơ thẩm. Bị cáo Trương Huệ Vân xin kháng cáo bổ sung nội dung, muốn xin trả lại một số tài sản cá nhân bị thu giữ vì cho rằng không liên quan đến vụ án. Bị cáo Vân xin lại một đồng hồ và một số điện thoại đã qua sử dụng.

Hội đồng xét xử cũng thông báo, trước khi diễn ra phiên tòa phúc thẩm đã có hai bị cáo rút kháng cáo, gồm: Trần Thị Hoàng Uyên (thư ký bị cáo Trương Mỹ Lan) và bị cáo Trần Xuân Phượng (thư ký Tổng giám đốc Tập đoàn Vạn Thịnh Phát), do đó đã đình chỉ xét xử đối với hai bị cáo này. Đồng thời, 2 trong số 35 bị hại cũng đã có đơn xin rút kháng cáo.

Sau khi hội ý, Hội đồng xét xử cho rằng, do phiên làm việc ngày đầu tiên chủ yếu tiến hành các thủ tục, luật sư nào có nhu cầu sử dụng máy tính thì liên hệ với thư ký để đăng ký.

Về việc tiếp xúc với thân chủ, Hội đồng xét xử đồng ý cho luật sư gặp bị cáo trong thời gian nghỉ giải lao nhưng phải có sự giám sát của lực lượng Cảnh sát hỗ trợ tư pháp.

Đối với đề nghị cấp giấy và bút cho bị cáo, Hội đồng xét xử không chấp nhận với lý do các luật sư đã có cơ hội tiếp xúc với bị cáo trong thời gian nghỉ giải lao và có thể trực tiếp trao đổi các vấn đề cần thiết.

leftcenterrightdel
 Vụ án được đưa ra xét xử phúc thẩm do có kháng cáo của bị cáo Trương Mỹ Lan và 27 bị cáo. (Ảnh: AX)

Trước đó, ngày 17/10/2024, TAND TP Hồ Chí Minh tuyên án sơ thẩm đối với Trương Mỹ Lan và các đồng phạm về tội “Lừa đảo chiếm đoạt tài sản”, “Rửa tiền” và “Vận chuyển trái phép tiền tệ qua biên giới” xảy ra tại Tập đoàn Vạn Thịnh Phát, Ngân hàng SCB, các đơn vị liên quan (giai đoạn 2).

Bị cáo Trương Mỹ Lan bị tuyên phạt chung thân về tội “Lừa đảo chiếm đoạt tài sản”, 8 năm tù về tội “Vận chuyển trái phép tiền tệ qua biên giới” và 12 năm tù về tội “Rửa tiền”.

Bị cáo Võ Tấn Hoàng Văn (Tổng giám đốc Ngân hàng SCB) bị tuyên phạt 12 năm tù về tội “Lừa đảo chiếm đoạt tài sản”,  5 năm tù “Vận chuyển trái phép tiền tệ qua biên giới”. Tổng hình phạt mà bị cáo phải chịu là 17 năm tù.

Bị cáo Trần Thị Mỹ Dung (Phó Tổng giám đốc Ngân hàng SCB) bị tuyên phạt 7 năm tù về tội “Lừa đảo chiếm đoạt tài sản”,  7 năm tù về tội “Rửa tiền”. Tổng hình phạt mà bị cáo phải chịu là 14 năm tù.

Bị cáo Ngô Thanh Nhã (Tổng giám đốc Tập đoàn Vạn Thịnh Phát kiêm Chủ tịch HĐQT Công ty An Đông) bị tuyên phạt 5 năm tù về tội “Lừa đảo chiếm đoạt tài sản”.

Bị cáo Trương Huệ Vân (cháu gái bị cáo Lan) bị tuyên phạt 5 năm tù về tội “Lừa đảo chiếm đoạt tài sản”. Bị cáo Chu Lập Cơ (chồng bị cáo Lan) bị tuyên phạt 2 năm tù về tội “Rửa tiền”.

Các bị cáo còn lại cũng bị tuyên án về các tội “Lừa đảo chiếm đoạt tài sản”, “Rửa tiền” và “Vận chuyển trái phép tiền tệ qua biên giới”.

Về trách nhiệm dân sự, Hội đồng xét xử nhận định, các bị cáo liên đới bồi thường hơn 30.000 tỉ đồng cho 35.824 bị hại.

Đối với 79 tài khoản của các bị cáo với tổng số tiền hơn 92 tỉ đồng và hơn 5.000 USD; 205 tài khoản thanh toán, sổ tiết kiệm, tài khoản chứng khoán Công ty chứng khoán Tân Việt của các bị cáo, người liên quan và các pháp nhân liên quan với tổng số tiền 824 tỉ đồng và 261.000 USD. Hội đồng xét xử chấp thuận đề nghị của các bị cáo là chuyển số tiền trên để khắc phục hậu quả vụ án./.

Đại Lánh