Ngày 21/7, đại diện Viện kiểm sát đã đối đáp, tranh luận đến cùng với quan điểm của luật sư bào chữa, bị cáo tại phiên tòa xét xử 54 bị cáo trong vụ đại án "chuyến bay giải cứu”.
Trong số 54 bị cáo có duy nhất bị cáo Phạm Trung Kiên, cựu Thư ký Thứ trưởng Bộ Y tế, người nhận hối lộ nhiều nhất với 253 lần, tổng cộng hơn 42 tỉ đồng, bị đề nghị mức án cao nhất là tử hình.
|
|
Đại diện Viện kiểm sát đối đáp với quan điểm của luật sư bào chữa cho bị cáo Phạm Trung Kiên. |
Tại phiên tòa, các luật sư bào chữa cho bị cáo Phạm Trung Kiên cho rằng, Viện kiểm sát căn cứ vào gia cảnh của người khác và cho rằng 42 tỉ đồng là lớn, 42 tỉ đồng là con số tổng hợp của 18 doanh nghiệp, chia trung bình ra để xác định khoản tiền của một doanh nghiệp và từ đó biết được khoản tiền đó nó chiếm bao nhiêu tỷ lệ %, từ đó mới xác định được số tiền đưa thực sự là lớn hay nhỏ, cách so sánh này luật sư tin chắc là khách quan, toàn diện và đầy đủ hơn.
Luật sư của bị cáo Phạm Trung Kiên còn cho rằng, về bản chất, trên 42 tỉ đồng mà bị cáo Kiên đã nhận là phép cộng của trên 30 ngàn công dân Việt Nam ở nước ngoài, mỗi một cá nhân chỉ phải bỏ ra từ 500 đến 2 triệu đồng để nhận được vé về, vậy con số này là lớn hay nhỏ? Có lớn không nếu mà bỏ ra 500 đến 2 triệu để đổi lấy sự an toàn về tính mạng, sức khỏe của bản thân và gia đình; có lớn không phải ở lại nước ngoài mắc COVID-19? Có lớn không nếu so với thu nhập trung bình của số đông người Việt Nam đang sinh sống, học tập ở nước ngoài?
“Đó là chưa kể đến giá trị tinh thần vô giá mà họ nhận được khi họ được đoàn tụ với gia đình, người thân ở trong nước, riêng cái phần này thì không tính được bằng tiền và điều đó cũng cần được đưa vào xem xét khách quan, toàn diện và đầy đủ khi đánh giá lớn hay nhỏ của khoản tiền 42 tỉ đồng, qua đó xác định số tiền đó có thể quà cảm ơn hay không? Từ đó mới có được khái niệm chính xác về mức độ của hành vi phạm tội”, luật sư bào chữa cho bị cáo Kiên nêu quan điểm.
Về nội dung này, đại diện Viện kiểm sát có ý kiến tranh tụng: "Sau khi nghe quan điểm bào chữa của vị luật sư, chúng tôi thật sự phẫn nộ. Quan điểm bào chữa của luật sư thể hiện sự thờ ơ, vô cảm trước những nỗi đau khổ, sự mất mát to lớn của đồng bào ta, cũng như những người dân nghèo trên toàn thế giới ở trong đại dịch COVID-19.
Hành vi phạm tội của bị cáo diễn ra trong thời điểm đại dịch COVID-19 bùng phát và nhanh chóng lan rộng trên toàn thế giới, với những diễn biến hết sức phức tạp, tiềm ẩn những nguy cơ khó lường, cướp đi sinh mạng của hàng triệu người dân.
Cả thế giới bị “chao đảo” trong cơn “cuồng phong” của dịch bệnh. Trong bối cảnh đó, tại Việt Nam, cả hệ thống chính trị vào cuộc, chung sức, đồng lòng căng mình chống dịch với quan điểm chỉ đạo xuyên suốt của Chính phủ “chống dịch như chống giặc”.
Hơn bao giờ hết “tình dân tộc, nghĩa đồng bào” lại cảm thấy ý nghĩa và thiêng liêng. Lòng nhân ái, sự sẻ chia là cách trao yêu thương giúp những người xa lạ xích lại gần nhau hơn, sẵn sàng “nhường cơm sẻ áo” giúp đỡ đồng bào; những chuyến xe “0 đồng” trải dài từ Bắc vào Nam chở lương thực, thực phẩm, trang thiết bị vật tư, y tế ủng hộ cho những vùng dịch khó khăn; ảnh hưởng của dịch bệnh nặng nề, doanh nghiệp không có việc làm, sản xuất bị đình trệ, nhiều doanh nghiệp lâm vào tình trạng khó khăn, đứng trước nguy cơ, thậm chí là phá sản, nhưng vẫn đồng hành cùng chính quyền và người dân cả nước trong công tác thiện nguyện, ủng hộ nhiều tỷ đồng trong công tác phòng, chống dịch".
Cũng theo đại diện Viện kiểm sát, dịch bệnh hoành hành kéo dài khiến cho những công dân Việt Nam đang sinh sống, lao động, học tập ở nước ngoài bị mất việc làm, cuộc sống của người dân khó khăn cùng cực, hàng ngày, hàng giờ mong muốn sớm được trở về quê hương với gia đình, người thân, để không bị bỏ mạng nơi “đất khách, quê người”.
Để giải cứu đồng bào ta đang bị mắc kẹt ở nước ngoài, Chính phủ đã có những chủ trương đúng đắn, kịp thời, tổ chức các chuyến bay “giải cứu”, chuyến bay “combo” đưa công dân về nước.
“Hành vi của các bị cáo, trong đó có bị cáo Phạm Trung Kiên trong thời điểm đó làm mất đi ý nghĩa tốt đẹp, chủ trương đúng đắn của Đảng, Nhà nước trên các chuyến bay “giải cứu”, “combo”, gây bất bình trong nhân dân, ảnh hưởng nghiêm trọng đến uy tín của các cơ quan Nhà nước, phản bội lại sự cố gắng của cả hệ thống chính trị.
Chúng tôi cho rằng, quan điểm bào chữa của luật sư là sự xúc phạm với những người dân Việt Nam đã trải qua một đại dịch COVID-19 đầy khốc liệt, đau thương khi cho rằng: Nếu đem số tiền hơn 42 tỉ mà bị cáo Phạm Trung Kiên nhận hối lộ mà chia cho hơn 30 ngàn người dân đang sinh sống và làm việc ở nước ngoài thì con số đó không phải là lớn”, đại diện Viện kiểm sát nêu quan điểm.
Đại diện Viện kiểm sát tiếp tục nhấn mạnh, để đảm bảo văn hoá trong tranh tụng, chúng tôi sẽ không dùng những từ ngữ nặng lời để đánh giá quan điểm bào chữa lệch lạc này của luật sư mà có lẽ để công luận và xã hội đánh giá là thoả đáng nhất.
|
|
Tự bào chữa, bị cáo Phạm Trung Kiên xin lỗi Đảng, Nhà nước, nhân dân về hành vi sai phạm của mình. |
Về quan điểm các luật sư cho rằng Phạm Trung Kiên không có chức vụ, quyền hạn, không rõ được làm gì và không được làm gì nên có dấu hiệu của tội Lợi dụng ảnh hưởng để trục lợi.
Về nội dung này, đại diện Viện kiểm sát nêu rõ, ngày 19/12/2019, Văn phòng Bộ Y tế có Văn bản số 1268/VPB5 gửi Vụ Trang thiết bị và Công trình Y tế về việc biệt phái Thạc sỹ Phạm Trung Kiên, Chuyên viên chính Vụ Trang thiết bị và Công trình y tế đảm nhiệm công tác thư ký giúp việc Thứ trưởng Bộ Y tế, kể từ ngày 19/12/2019.
Trong công tác phòng, chống đại dịch COVID - 19 thì Bộ Y tế và ở đây Thứ trưởng Đỗ Xuân Tuyên là một trong các Phó Trưởng ban Chỉ đạo Quốc gia phòng, chống dịch COVID -19 và trong Tổ công tác 4/5 bộ thì Bộ Y tế đóng vai trò rất quan trọng khi cho ý kiến về việc cấp phép các chuyến bay theo đề nghị của Bộ Ngoại giao.
Đại diện Viện kiểm sát nêu rõ, Phạm Trung Kiên là người có chức vụ, quyền hạn và trực tiếp tham gia một công đoạn trong chuỗi quy trình cấp phép chuyến bay. Nếu Kiên không thực hiện đúng quy trình, trình chậm hoặc khi có phê duyệt của ông Đỗ Xuân Tuyên nhưng giữ lại chưa đóng dấu gửi Bộ Ngoại giao thì cũng ảnh hưởng lớn thời hạn cấp phép chuyến bay của doanh nghiệp.
“Trong vụ án này, rất nhiều bị cáo doanh nghiệp rất sợ Kiên vì nếu không gặp gỡ, đưa tiền thì Kiên sẽ gây khó khăn trong việc trình - trả văn bản và thực tế Kiên đã gây sức ép, buộc các doanh nghiệp phải đưa tiền theo yêu cầu của Kiên như lời khai của các doanh nghiệp trình bày rõ tại phiên toà”, đại diện Viện kiểm sát nhấn mạnh.
|
|
Các bị cáo tại phiên tòa. |
Về quan điểm của luật sư không đồng tình với Viện kiểm sát khi cho rằng: Bị cáo Kiên nhận hối lộ với thủ đoạn công khai, trắng trợn nhất. Bị cáo Kiên gây khó khăn cho doanh nghiệp là chưa phù hợp. Căn cứ vào đâu, dựa vào chứng cứ nào?
Đại diện Viện kiểm sát nêu rõ, bản thân bị cáo Phạm Trung Kiên không chỉ có hành vi yêu cầu, đòi hỏi, thỏa thuận các doanh nghiệp phải đưa tiền cho Kiên, mà trước và sau khi vụ án bị khởi tố, Kiên đã gọi điện nhờ một số doanh nghiệp xác nhận tiền họ chuyển cho Kiên là vay mượn dân sự và thỏa thuận góp vốn nhằm che giấu hành vi phạm tội.
Đại diện Viện kiểm sát chỉ rõ, về yêu cầu, đòi hỏi, thỏa thuận của Kiên: Theo tài liệu điều tra, trong tổng số 19 doanh nghiệp, cá nhân đưa tiền cho bị cáo Phạm Trung Kiên thì có 12/19 đại diện doanh nghiệp Phạm Trung Kiên có yêu cầu phải chi cho Kiên từ 150 triệu - 200 triệu/chuyến bay được cấp phép hoặc từ 1 triệu- 2 triệu/ khách về nước.
Về hành vi Kiên nhờ doanh nghiệp khai số tiền đưa hối lộ là tiền vay mượn cá nhân nhằm che giấu hành vi phạm tội. Theo đó, các giao dịch chuyển tiền từ tài khoản của bà Nguyễn Bích Ngọc trả cho các doanh nghiệp đều có nội dung “chuyển khoản trả nợ” “chuyển khoản trả tiền vay”, nhưng thực tế đây là số tiền Kiên nhận hối lộ và trả lại cho doanh nghiệp.
Ngoài ra, có một số doanh nghiệp, sau khi chuyển trả tiền Kiên đã nhờ các doanh nghiệp ngụy tạo bằng hình thức viết giấy vay mượn cá nhân hoặc góp vốn nhằm che giấu hành vi phạm tội như các bị cáo: Nguyễn Thị Thanh Hằng; Lê Văn Nghĩa; Nguyễn Thị Tường Vy; Vũ Minh Thắng.
Cuối cùng, đại diện Viện kiểm sát đặt vấn đề, với những chứng cứ mà Viện kiểm sát nêu trên thì hành vi nhận hối lộ của bị cáo Phạm Trung Kiên có phải là thủ đoạn công khai, trắng trợn nhất không; có phải gây khó khăn cho doanh nghiệp không? Chúng tôi nghĩ rằng, các luật sư ngồi đây, các bị cáo và cả xã hội đều đánh giá được.