Ngày 18/7, bước sang ngày làm việc thứ sáu, Hội đồng xét xử Tòa án nhân dân thành phố Hà Nội xét xử 54 bị cáo trong vụ đại án chuyến bay “giải cứu”, xảy ra tại Bộ Ngoại giao, Hà Nội và các tỉnh, thành phố.

Đầu giờ chiều cùng ngày, trong phần tự bào chữa, cựu Phó Chủ tịch UBND thành phố Hà Nội bày tỏ sự đau đớn khi là bị cáo trong phiên tòa hôm nay.

Tự bào chữa cho mình, bị cáo Chử Xuân Dũng đã nói về những đóng góp của mình trong công tác phòng, chống dịch COVID-19, trong công tác giáo dục, nhiều năm liền công tác và đóng cho ngành Giáo dục Thủ đô.  

leftcenterrightdel
 Cựu Phó Chủ tịch UBND thành phố Hà Nội Chử Xuân Dũng tự bào chữa tại phiên tòa. 

Cựu Phó Chủ tịch thành phố Hà Nội Chử Xuân Dũng cho biết, bị cáo có 26 năm công tác trong ngành Giáo dục. Cuối năm 2020, ông nhận nhiệm vụ mới tại UBND thành phố Hà Nội. Với cương vị Phó Chủ tịch UBND thành phố, ông Dũng được phân công làm Trưởng Ban chỉ đạo dịch COVID-19 của thành phố Hà Nội.

“Công tác phòng, chống dịch COVID-19 là công việc mới, khó, chưa có tiền lệ, với người ngoại đạo như bị cáo thì công việc này vô cùng khó khăn”, cựu Phó Chủ tịch thành phố Chử Xuân Dũng nói.

Tại phiên tòa, bị cáo Chử Xuân Dũng nói, bản thân ông tham dự các cuộc họp với Sở, ban ngành, các đơn vị liên quan, hàng tuần có báo cáo về công tác cách ly, đặc biệt là vấn đề tài chính, công khai giá, mức thu trên phương tiện thông tin đại chúng để người dân tiếp cận.

Sau này bị cáo mới biết rằng các thông tin trên, người dân cũng không nắm được nhiều, không được lựa chọn tại các khu cách ly. Bị cáo Chử Xuân Dũng nói và khẳng định bản thân đã rất cố gắng trong quá trình công tác, làm việc nhưng cũng không bao quát được hết công việc.

Bị cáo Chử Xuân Dũng trình bày và bày tỏ việc bản thân phải đứng ở đây quả thực rất đau đớn. Quá trình tham gia chống dịch của thành phố, bị cáo không từ gian nan việc gì.

Cựu Phó Chủ tịch Chử Xuân Dũng nói lời đau xót: “Nay đứng ở đây trở thành tội đồ của thành phố, tội đồ trong công tác chống dịch”.

leftcenterrightdel
 Luật sư Trịnh Văn Tuyến bào chữa cho bị cáo Chử Xuân Dũng. 

Trước khi dừng lời bào chữa, cựu Phó Chủ tịch UBND thành phố Hà Nội Chử Xuân Dũng mong Hội đồng xét xử xem xét, cho bị cáo có cơ hội sớm quay trở lại với gia đình, xã hội, có cơ hội đóng góp thêm sức lực của mình để phục vụ xã hội.

Trước đó, bị cáo Chử Xuân Dũng bị đề nghị mức án từ 4-5 năm tù về tội “Nhận hối lộ” do nhận của 2 cá nhân tổng số tiền hơn 2 tỉ đồng để duyệt cấp phép cách ly trên địa bàn thành phố Hà Nội. Bị cáo và gia đình đã nộp lại toàn bộ số tiền 800 triệu đồng và 54.000 USD nhận hối lộ.

Bào chữa cho bị cáo Chử Xuân Dũng, luật sư Trịnh Văn Tuyến (Đoàn luật sư Thành phố Hà Nội) bày tỏ sự cảm ơn sâu sắc tới đại diện Viện kiểm sát vì đã bước đầu có những đánh giá, phân hóa và cá thể hóa về tính chất, mức độ phạm tội đối với từng nhóm bị cáo trong vụ án, trong đó có ông Chử Xuân Dũng.

Luật sư Trịnh Văn Tuyến cho rằng, việc nhận tiền của ông Chử Xuân Dũng là ở mang tính thụ động. Vì xuyên suốt hành vi phạm tội của ông Dũng, các lời khai cùng các chứng cứ, tài liệu trong hồ sơ vụ án đều thể hiện rất rõ rằng ông Dũng không hề có bất kỳ một sự thỏa thuận, đòi hỏi hay gây khó dễ nào đối với doanh nghiệp để được nhận tiền.

Người bào chữa cho cựu Phó Chủ tịch UBND thành phố Hà Nội cũng cho rằng, việc đưa và nhận tiền giữa 2 bị cáo liên quan với ông Dũng hoàn toàn chỉ mang tính “được chăng hay chớ”, “đưa bao nhiêu biết bấy nhiêu”.

leftcenterrightdel
 Phiên tòa ngày 18/7, các bị cáo được tự bào chữa. 

Luật sư Trịnh Văn Tuyến đồng thuận với quan điểm, nhận định của Viện kiểm sát trong phần luận tội các bị cáo. Đó là: “Trong vụ án này, một số bị cáo không chủ động yêu cầu doanh nghiệp đưa tiền những đã không tránh được nhưng cám dỗ”.  

Trong đó, bị cáo Trịnh Xuân Dũng nhận thức được việc nhận tiền cảm ơn là sai trái nhưng lại không nhận thức được một cách đầy đủ, đúng đắn cũng như là tính chất nghiêm trọng của hành vi nhận tiền liên quan đến việc duyệt chủ trương cách ly.

Bên cạnh hình phạt, bản án của pháp luật tới đây thì sự ân hận, day dứt, xen lẫn sự hổ thẹn trong lòng cũng chính là một hình phạt, bản án nữa vô cùng hà khắc đối với ông Dũng và nó sẽ đi theo ông suốt cả quãng đời còn lại.

Người bào chữa cho bị cáo Chử Xuân Dũng mong HĐXX xem xét một cách kỹ lưỡng, thấu đáo và khách quan hơn nữa, toàn diện hơn nữa về hành vi phạm tội của ông Chử Xuân Dũng. Đặc biệt là về ý thức chủ quan, mối quan hệ với 2 cá nhân liên quan và bối cảnh trong việc nhận tiền. Hình phạt thấu tình, đạt lý đối với bị cáo Chử Xuân Dũng vừa thể hiện sự nghiêm minh nhưng cũng thể hiện rõ nét, sinh động chính sách khoan hồng, nhân văn, nhân đạo của pháp luật Việt Nam cũng như là chủ trương của Đảng, Nhà nước ta trong phòng, chống tham nhũng, thất thoát, lãng phí. Bởi lẽ, trong vụ án này và với cá nhân bị cáo Dũng nói riêng thì một trong hai mục tiêu, nhiệm vụ quan trọng nhất là “Thu hồi tài sản cho Nhà nước” đã đạt được.

 

Vũ Phương