Ngày 21/7, sau hai ngày làm việc, phiên tòa xét xử 36 bị cáo trong vụ án “Sản xuất, buôn bán hàng giả”, “Lợi dụng chức vụ, quyền hạn trong khi thi hành công vụ”, “Nhận hối lộ”, “Môi giới hối lộ”, xảy ra tại Công ty Phú Hưng Phát; Công ty CP In và Văn hóa truyền thông Hà Nội, Cục Quản lý thị trường Hà Nội và các đơn vị liên quan bước sang phần luận tội.

Sau hai ngày xét hỏi công khai, các bị cáo và những người liên quan trong vụ án, đại diện Viện kiểm sát nêu quan điểm về vụ án, đánh giá trách nhiệm, vai trò của từng bị cáo trên cơ sở phân tích, đánh giá thận trọng các tài liệu, chứng cứ đã được Cơ quan điều tra, Bộ Công an thu thập trong quá trình điều tra vụ án, được Hội đồng xét xử thẩm vấn, kiểm tra công khai tại phiên tòa.

leftcenterrightdel
 Đại diện Viện kiểm sát công bố bản luận tội và đề nghị mức án đối với 36 bị cáo trong vụ Sản xuất, mua bán sách giáo khoa giả hàng trăm tỉ đồng. 

Theo đó, đại diện Viện kiểm sát cũng đánh giá tính chất, mức độ nguy hiểm của tội phạm, phân hóa vai trò, trách nhiệm của mỗi bị cáo, điều kiện, hoàn cảnh khi thực hiện hành vi phạm tội, cá thể hoá trách nhiệm, đồng thời xem xét về nhân thân, đánh giá thái độ của các bị cáo trong suốt quá trình điều tra cũng như tại phiên tòa. Từ đó, đề nghị Hội đồng xét xử xác định tội danh, áp dụng mức hình phạt đối với các bị cáo, qua đó, ra Bản án đảm bảo có căn cứ, đúng người, đúng tội, đúng pháp luật, có tính răn đe, phòng ngừa và giáo dục cao.

Theo đại diện Viện kiểm sát, thời gian qua, để phát triển nền kinh tế, Nhà nước ta đã có nhiều chính sách mở để tạo điều kiện cho các doanh nghiệp có môi trường hoạt động lành mạnh, bình đẳng vì mục tiêu chung.

Tuy nhiên, bên cạnh sự thông thoáng về cơ chế, chính sách, nhiều doanh nghiệp đã lợi dụng chính sách để thực hiện các hành vi vi phạm pháp luật. Một trong những hành vi đó là hành vi gian lận thương mại, sản xuất và buôn bán hàng giả.

Việc sản xuất, buôn bán hàng giả diễn ra ở nhiều địa phương và có những diễn biến mới, có tính phức tạp, khó lường; hàng giả, hàng kém chất lượng được sản xuất, buôn bán ở nhiều nơi, nhiều loại mặt hàng; việc chào hàng, giới thiệu việc sản xuất, buôn bán được thực hiện rộng khắp trên thị trường truyền thống, cũng như tràn lan trên không gian mạng, với phương thức, thủ đoạn khá tinh vi, chia tách thành các khâu, công đoạn trong chuỗi sản xuất (từ sản xuất đến tiêu thụ). Vụ án này là một ví dụ cho việc thực hiện hành vi gian lận thương mại, sản xuất hàng giả là sách giáo khoa – mặt hàng đặc biệt phục vụ cho công tác giảng dạy trong trường học phổ thông.

leftcenterrightdel
 "Bà trùm" sản xuất sách giáo khoa giả Cao Thị Minh Thuận và các bị cáo. 

Đại diện Viện kiểm sát nhận định, với phương thức thực hiện hành vi sản xuất sách giáo khoa được chia thành các công đoạn từ mua vật tư in, làm phôi in, đặt in, gia công sách, mua tem giả, đến khâu bán, vận chuyển, tiêu thụ sản phẩm, mỗi bị cáo ở một khâu khác nhau đã thực hiện hành vi giúp Cao Thị Minh Thuận sản xuất, buôn bán sách giáo khoa giả với số lượng hàng triệu cuốn.

Để xảy ra vụ án này, ngoài trách nhiệm chính thuộc về bị cáo Cao Thị Minh Thuận và các đồng phạm bị khởi tố về tội “Sản xuất, buôn bán hàng giả”, còn có trách nhiệm của một số cán bộ trong lực lượng tuyến đầu đấu tranh phòng, chống gian lận thương mại và hàng giả ở trong nước thuộc Đội Quản lý thị trường số 17 Cục Quản lý thị trường TP Hà Nội, Tổ Công tác về quản lý thị trường - Tổng cục Quản lý thị trường đã vì động cơ cá nhân hoặc vụ lợi thực hiện hành vi trái quy định của pháp luật, làm ảnh hưởng đến sân chơi lành mạnh của các doanh nghiệp, sự phát triển của nền kinh tế, đồng thời xâm phạm đến hoạt động đúng đắn của cơ quan Nhà nước, làm ảnh hưởng đến uy tín, hình ảnh của lực lượng quản lý thị trường.

Đại diện Viện kiểm sát nêu rõ, có 35/36 bị cáo đều đã thừa nhận diễn biến hành vi phạm tội, tội danh áp dụng đối với các bị cáo được nêu trong Cáo trạng là đúng và đề nghị được xem xét giảm nhẹ về hình phạt.

leftcenterrightdel
Viện kiểm sát truy tố bị cáo Trần Hùng về tội “Nhận hối lộ” là có căn cứ.

Riêng bị cáo Trần Hùng (cựu Phó Cục trưởng Cục Quản lý thị trường Hà Nội, cựu Tổ trưởng Tổ 304, nay là Tổ 1444, Tổng cục Quản lý thị trường, Bộ Công thương) không thừa nhận hành vi phạm tội của mình. Tuy nhiên, căn cứ các chứng cứ thu thập được, có đủ cơ sở xác định Trần Hùng đã nhận 300 triệu đồng của Cao Thị Minh Thuận thông qua Nguyễn Duy Hải, để thực hiện công việc theo yêu cầu của Thuận là hướng dẫn Thuận thay đổi lời trình bày, đồng thời chỉ đạo Lê Việt Phương tạo điều kiện không xử lý hình sự đối với Công ty Phú Hưng Phát và Cao Thị Minh Thuận, nên việc Viện kiểm sát truy tố bị cáo Trần Hùng về tội “Nhận hối lộ” là có căn cứ.

Đại diện Viện kiểm sát cũng phân tích, luận tội vai trò, hành vi của từng bị cáo một cách thuyết phục.

Đại diện Viện kiểm sát đề nghị Hội đồng xét xử bị cáo Trần Hùng, cựu Tổ trưởng 304 (Tổng cục Quản lý thị trường, Bộ Công thương) từ 9-10 năm tù về tội “Nhận hối lộ” quy định tại Điều 354 Bộ luật Hình sự năm 2015 (sửa đổi, bổ sung năm 2017).

Bị cáo Nguyễn Duy Hải (lao động tự do) bị đề nghị mức xử phạt 1 năm 11 tháng 8 ngày tù (bằng thời hạn tạm giam đến ngày dự kiến kết thúc phiên tòa, trả tự do tại phiên tòa) về tội “Môi giới hối lộ” quy định tại Điều 365 Bộ luật Hình sự.

Bị cáo Lê Việt Phương, cựu Phó Đội trưởng Đội Quản lý thị trường số 17, Cục Quản lý thị trường Hà Nội bị đề nghị xử phạt từ 30-36 tháng tù.

Phạm Ngọc Hải, cựu Kiểm soát viên Đội Quản lý thị trường số 17, Cục Quản lý thị trường Hà Nội bị đề nghị từ 24 – 30 tháng tù nhưng cho hưởng án treo, thời gian thử thách 60 tháng.

Thành Thị Đông Phương, cựu Kiểm soát viên Đội Quản lý thị trường số 17, Cục Quản lý thị trường Hà Nội bị đề nghị mức án 18-24 tháng tù cho hưởng án treo, thời gian thử thách 36-48 tháng.

Các bị cáo Lê Việt Phương, Phạm Ngọc Hải, Thành Thị Đông Phương cùng về tội “Lợi dụng chức vụ, quyền hạn trong khi thi hành công vụ” theo Điều 356 Bộ luật Hình sự.

leftcenterrightdel
 Đại diện Viện kiểm sát luận tội đối với từng bị cáo. 

Cụ thể, đại diện Viện kiểm sát đề nghị mức án đối với nhóm bị cáo Công ty Phú Hưng Phát:

Bị cáo Cao Thị Minh Thuận, Giám đốc Công ty Phú Hưng Phát bị đề nghị tuyên phạt từ 11-12 năm tù.

Bị cáo bị cáo Nguyễn Hữu Trung, nhân viên Công ty từ  6 - 7 năm tù.

Bị cáo Nguyễn Mạnh Hà, Phó Giám đốc Công ty Cổ phần In và Văn hóa truyền thông Hà Nội từ 7-8 năm tù.

Đỗ Đức Tiến, Quản lý, điều hành Công ty Long Phát bị đề nghị mức án từ 5-6 năm tù.

Bị cáo Lục Văn Quán, Giám đốc Công ty TNHH In và Thương mại Hoài Đức từ 3- 4 năm tù.

Bị cáo Nguyễn Quốc Toản, lao động tự do từ 5-6 năm tù.

Bị cáo Đinh Văn Thăng, đại diện Hộ kinh doanh Đinh Văn Thăng từ 4-5 năm tù.

Bị cáo Nguyễn Văn Thắng, Giám đốc Công ty TNHH Sản xuất và Thương mại Thái Việt từ 3-4 năm tù.

Bị cáo Nguyễn Ngọc Phương, Giám đốc Công ty TNHH Thương mại và Sản xuất Thuận Phát từ 30-36 tháng tù.

Bị cáo Nguyễn Thị Liên, Nhân viên Công ty TNHH sản xuất và thương mại Phú Hưng Phát từ 7-8 năm tù.

Hoàng Mạnh Chiến, Giám đốc Công ty Cổ phần In và Văn hóa truyền thông Hà Nội từ 6-7 năm tù.

Bị cáo Nguyễn Mạnh Thắng, Giám đốc Công ty TNHH In và Thương mại INP 3 năm tù, nhưng cho hưởng án treo, thời gian thử thách 60 tháng.

Bị cáo Hoàng Thị Ánh Vân, Kế toán Công ty Cổ phần In và Văn hóa truyền thông Hà Nội từ 3-4 năm tù.

Bị cáo Đỗ Đức Thắng, Nhân viên Công ty Cổ phần In và Văn hóa truyền thông Hà Nội từ 4-5 năm tù.

Bị cáo Hoàng Thị Thúy Hằng, Nhân viên Công ty TNHH sản xuất và thương mại Phú Hưng Phát từ 3-4 năm tù.

Bị cáo Trần Thị Thu Trang, Nhân viên Công ty TNHH sản xuất và thương mại Phú Hưng Phát mức án từ 3-4 năm tù.

Bị cáo Văn Thị Hiền, Chủ hộ kinh doanh cá thể Nhà sách Hiền Long mức án từ 4 năm 6 tháng đến 5 năm tù.

Bị cáo Hoàng Kim Oanh, chủ Nhà sách Oanh mức án từ 4 năm đến 4 năm 6 tháng tù.

Bị cáo Phan Thị Thanh Thoan, Giáo viên dạy nhạc chính thức Trường tiểu học Chúc Sơn B, thị trấn Chúc Sơn, huyện Chương Mỹ, Hà Nội mức án từ 4 năm-4 năm 6 tháng tù.

Bị cáo Đỗ Văn Được, Chủ Cửa hàng Shop Bống - Bin mức án từ 3 năm 6 tháng đến 4 năm tù.

Bị cáo Phan Thị Ngọc Hoàn, Chủ hộ kinh doanh cá thể Cửa hàng Sách - Văn phòng phẩm mức án từ 3 năm 6 tháng - 4 năm tù.

Bị cáo Nguyễn Minh Đức, Cổ đông Công ty TNHH Tạp phẩm và vật tư ngành In từ 3-4 năm tù.

Bị cáo Nguyễn Văn Toàn, Giám đốc Công ty TNHH Thương mại và In Lâm Anh từ 3-4 năm tù.

Một số bị cáo như: Lê Đình Quý, Trần Văn Hoan, Nguyễn Đình Khương, Trần Thị Lan, Lưu Hồ Thịnh, Nguyễn Thị Thanh, Trịnh Thị Hồng Hạnh, Nguyễn Thị Hải Anh bị đề nghị xử từ 24 đến 36 tháng tù, nhưng cho hưởng án treo.

Vũ Phương