TAND TP Đà Nẵng vừa mở phiên tòa xét xử sơ thẩm đối với bị cáo Hứa Thị Mộng Hoa (SN 1967, trú quận Hải Châu) về tội “Lừa đảo chiếm đoạt tài sản” liên quan tới vụ thế chấp sim vay tiền ngân hàng TMCP Đông Nam Á (viết tắt là SeABank) chi nhánh Đà Nẵng.

Các bị cáo Thái Trần Thông (SN 1975, nguyên Giám đốc ngân hàng SeABank Đà Nẵng), Nguyễn Ẩn (SN 1982, nguyên nhân viên SeABank Đà Nẵng) và Hoàng Hiếu Trung (SN 1983, nguyên chuyên viên khách hàng thuộc SeABank Đà Nẵng) về tội “Vi phạm quy định về hoạt động ngân hàng”.

 Công ty TNHH Gia Bảo (trụ sở đường ông Ích Khiêm, quận Thanh Khê) do bà Hứa Thị Mộng Hoa làm Chủ tịch Hội đồng thành viên kiêm Giám đốc từ tháng 12/2003 đến khi ngừng hoạt động.

Ngoài công ty Gia Bảo, bà Hoa còn là Giám đốc Công ty TNHH Điện tử Viễn thông Nam An (quận Hải Châu) thành lập tháng 11/2003. Hai công ty này đều kinh doanh chủ yếu mua bán các mặt hàng điện thoại di động, sim số, thẻ cào điện thoại di động, linh kiện viễn thông…

Năm 2007, Công ty Gia Bảo phát sinh quan hệ tín dụng với ngân hàng SeABank Đà Nẵng, vay vốn ngắn hạn để kinh doanh mặt hàng sim số, thẻ cào, điện thoại di động.

Ngày 15/9/2007, bà Hoa đại diện Công ty TNHH Gia Bảo, đã lập đơn xin vay vốn kèm phương án vay vốn gửi Ngân hàng SeABank để vay 120 tỷ đồng bổ sung vốn kinh doanh.

Sau quá trình thẩm định khách hàng, ngày 20/11/2007, ông Thái Trần Thông – Giám đốc SeABank Đà Nẵng đã ký Hợp đồng tín dụng hạn mức số 00011/HĐTD – HM  với mức hạn mức tín dụng cấp cho Công ty Gia Bảo. Tài sản đảm bảo cho nợ vay là bất động sản, hàng hóa tồn kho luân chuyển và hàng hóa hình thành từ vốn vay. Thời hạn vay của mỗi khế ước là 3 tháng.

Trước mỗi lần giải ngân theo từng khế ước, SeABank Đà Nẵng có trách nhiệm kiểm tra, định giá tài sản đảm bảo liên quan đến hàng tồn kho của Công ty Gia Bảo và việc này phải được SeABank Đà Nẵng thành lập biên bản do Thái Trần Thông chịu trách nhiệm. Các nhân viên Nguyễn Ẩn và sau này là Hoàng Hiếu Trung cón nhiệm vụ thường xuyên theo dõi, kiểm tra giám sát khoản vay của Gia Bảo.

Trên cơ sở hợp đồng đã ký, từ ngày 27/11/2007 đến nhày 27/11/2008, SeABank Đà Nẵng đã giải ngân cho Công ty Gia Bảo theo 66 khế ước với tổng số tiền là 485 tỷ đồng.

Đến ngày 24/12/2008, dư nợ của Gia Bảo là 100 tỷ đồng, như vậy hàng hóa tồn kho luân chuyển của Công ty Gia Bảo thế chấp để đảm bảo dư nợ phải là 200 tỷ đồng. Nhưng vào ngày 7/1/2009 (khi số dư nợ 100 tỷ đồng đã quá hạn từ ngày 24/12/2008), SeABank Đà Nẵng tiến hành kiểm kê thực tế kho hàng của Gia Bảo, xác định tổng giá trị hàng tồn kho luân chuyển đảm bảo cho vay nợ đến ngày 7/1/2009 là khoảng 14 tỷ đồng, chỉ đảm bảo cho dư nợ khoảng 7 tỷ đồng, còn khoảng 93 tỷ đồng SeABank Đà nẵng cho Gia Bảo vay không có tài sản bảo đảm.

Công ty Gia Bảo phát sinh nợ quá hạn và không thể trả được nợ. Số tiền gốc va vốn Ngân hàng SeABank không thu hồi được là hơn 55 tỷ đồng (chưa kể lãi).

leftcenterrightdel
 Các bị cáo Trung, Thông, Hoa, Ẩn (từ bên trái sang) tại phiên tòa xét xử.

Ngày 20/11/2013 và 22/11/2016 ngân hàng SeABank đã có đơn tố cáo gửi đến Cơ quan điều tra đề nghị điều tra, xử lý.

Ngoài ra, Công ty Gia Bảo của bà hoa còn thế chấp trùng hàng hóa cùng 1 kho hàng tại cả ngân hàng Techcombank Đà Nẵng và ngân hàng SeABank Đà Nẵng để vay vốn.

Để được ngân hàng giải quyết cho vay vốn, bà Hoa gửi 2 bản Bản báo cáo nhanh tình hình tài chính của công ty Gia Bảo cho ngân hàng Techcombank Đà Nẵng và SeABank Đà Nẵng với số liệu tổng doanh thu giống nhau nhưng giá trị hàng hóa tồn kho và lợi nhuận khác nhau.

Cơ quan điều tra đã trưng cầu cơ quan kiểm toán và giám định viên để xác định số liệu hàng tồn kho thể hiện trong báo cáo tông kho của Công ty Gia Bảo trong năm 2008 gửi ngân hàng SeABank đều được nâng khống so với sổ sách kế toán từ 52 tỷ đồng đến 151 tỷ đồng.

Trong vụ án này, ông Thái Trần Thông  và các cán bộ ngân hàng SeABank được xác định là có nhiều sai phạm  trong việc thuê thủ kho độc lập, kiểm tra, định giá tài sản đảm bảo liên quan đến hàng tồn kho của Công ty Gia Bảo thế chấp cho SeABank.

Ngoài ra là sai phạm trong việc thu thập hồ sơ xác định quyền sở hữu tài sản và đăng ký giao dịch đảm bảo đối với hàng hóa tồn kho luân chuyển thế chấp cho SeABank, theo dõi, kiểm tra kho hàng cũng như kiểm tra mục đích sử dụng vốn vay của Công ty Gia Bảo. 

Hoàng Hiếu Trung (chuyên viên hỗ trợ khách hàng) và Nguyễn Ẩn (chuyên viên tín dụng) được giao nhiệm vụ kiểm tra kho định kỳ và quản lý hàng tồn nhưng cả hai đều không thực hiện.

Cáo trạng của VKS thể hiện, Thái Trần Thông, Nguyễn Ẩn và Hoàng Hiếu Trung đã vi phạm quy định về hoạt động ngân hàng đã tạo điều kiện cho bà Hoa lợi dụng nâng khống giá trị hàng hóa tồn kho làm tài sản đảm bảo, ngân hàng không kiểm tra cũng như không quản lý được món vay dẫn đến hậu quả thiệt hại hơn 55 tỷ đồng. Công ty Gia Bảo ký hợp đồng vay vốn sử dụng vào mục đích bổ sung vốn lưu động chỉ là hình thức, che lấp cho việc kinh doanh bất động sản và đáo nợ ngân hàng của cá nhân. Các thủ tục ngân hàng đều do Thái Trần Thông hướng dẫn thực hiện.

Do sử dụng vốn vay ngắn hạn (mỗi khế ước 3 tháng) để kinh doanh bất động sản và bị thua lỗ dẫn đến cuối năm 2007, Công ty TNHH Gia Bảo mất khả năng thanh toán nợ vay. Vì vậy, bà Hoa sử dụng khoản tiền nợ va sau “đập vào” trả nợ cho khoản vay trước. Cụ thể, Hoa vay “nóng” với lãi suất cao bên ngoài, trả một phần nợ vay  cho khế ước ban đầu khi đến hạn để được ngân hàng giải ngân thanh toán tiền hàng cho khế ước sau. Hoa nhận hàng, bán, thu tiền và trả nợ cho các khoản va “nóng”.

Bà Hoa thành lập Công ty Nam An để phục vụ cho hoạt động đảo nợ. Giai đoạn những tháng cuối năm 2008, bà Hoa đã yêu cầu SeABank Đà Nẵng giải ngân tiền mua hàng vào tài khoản của Công ty Nam An, sau đó Hoa rút tiền ra để phục vụ mục đích trả nợ các khoản va nóng bên ngoài.

Hoa cho biết lý do vi phạm hợp đồng tín dụng cũng như không trả nợ cho SeABank vì ngân hàng SeABank thu lãi phí qua cá, bất hợp lí. Hiện nay, Hoa không còn tài sản nào để trả nợ cho SeABank.

leftcenterrightdel
 Đại diện VKSND TP Đà nẵng đề nghị HĐXX xem xét quyết định hoãn phiên tòa, trả hồ sơ  vụ án

Tuy nhiên trong 3 ngày đưa vụ án ra xét xử, bà Hoa lại liên tục kêu oan cho rằng, phía ngân hàng đang cố tình hình sự hóa một hợp đồng kinh tế.

Đồng thời, bị cáo cung cấp nhiều giấy tờ, bằng chứng mới chứng minh khoản lãi và phí mà Công ty Gia Bảo trả cho ngân hàng cao hơn số tiền mà ngân hàng này cung cấp cho cơ quan điều tra. Bị cáo cũng cho biết đã có văn bản gửi SeABank thông báo không trả nợ cho đến khi mức lãi suất trở về đúng hạn mức như trong hợp đồng.

Bà Hoa cho biết, lí do số hàng thế chấp vay tiền bị thiếu là trong quá trình vận chuyển lô hàng trị giá 47 tỷ đồng ra Hà Nội thì bị mất hàng. Bị cáo đã có thông báo đến đơn vị vận chuyển, đến ngân hàng SeABank và  Công an kinh tế TP HCM nhưng chưa được giải quyết.  Ngược lại, ngân hàng dựa trên những lí do này để kiện Công ty của bị cáo.

Bên cạnh đó, kết luận của cơ quan điều tra chỉ dựa trên số liệu mà ngân hàng cung cấp, chưa cho bị cáo chưa được đối chất với ngân hàng, chưa kiểm tra số liệu chính xác.

Từ những lời khai của bị cáo Hoa, những tài liệu bị cáo cung cấp tại tòa, VKSND TP Đà Nẵng thấy còn nhiều vấn đề cần làm rõ như: Nội dung vụ án lớn, tài liệu nhiều, thấy rằng trong phần thẩm vấn bị cáo Hoa đã đưa ra tài liệu chứng cứ chứng minh ngân hàng tự thu phí lãi 55 tỷ nhưng chưa được đối chiếu.

 Bị cáo Hoa đã đưa ra Công văn số 64, biên bản họp ngày 11/3/2009 và các tài liệu khác cũng đã ghi nhận sau khi đàm phán với SeAbank phía SeAbank đồng ý đồng ý việc bị cáo yêu cầu giảm lãi, phí đồng thời cấp tín dụng mới kèm theo các điều kiện giao 5 bất động sản theo giá đã định và các điều kiện khác về phương án trả nợ. Việc ngân hàng thu phí và lãi vượt nhiều trái quy định, không đúng thỏa thuận tín dụng  chỉ có 0.98%, bị cáo đã xuất trình được tài liệu thu vượt quá. 2 nội dung này là yêu cầu chính đáng của bị cáo cần làm rõ. Điều này không thể kết luận tại phiên tòa mà cần phải có thời gian...

Bị cáo Hoa trình bày và cung cấp tài liệu thể hiện việc bị cáo bị ép đưa 5 tài sản kèm theo thỏa thuận nhưng ngân hàng không thực hiện. Hiện nay ngân hàng còn chiếm giữ 1 phần tài sản của bị cáo không nằm trong tài sản thế chấp cho ngân hàng, bị cáo đang khởi kiện ở TAND quận Hải Châu (TP Đà Nẵng)... vấn đề này cũng cần được làm rõ.

Ngoài ra, bị cáo Hoa khai một trong những nguyên nhân khách quan dẫn đến không trả được nợ là do bị cáo mất hàng trị giá 47 tỷ vào tháng 12/2008, bị cáo có tài liệu chứng minh việc này. Việc mất hàng, bị cáo có thông báo cho ngân hàng, chi nhánh thông báo hội sở, và Công an TP HCM...

Đại diện VKS nhận định, đây là những nội dung mới phát sinh tại tòa có ý nghĩa định tội nhưng không thể bổ sung tại phien tòa, vì vậy VKS đề nghị HĐXX xem xét quyết định hoãn phiên tòa, trả hồ sơ cho VKS để trả cho cơ quan Cảnh sát điều tra điều tra làm rõ những vấn đề mới phát sinh không thể làm rõ tại phiên tòa được.

Các luật sư thống nhất đề nghị trả hồ sơ điều tra bổ sung của đại diện VKS và cho rằng có dấu hiệu hình sự hóa quan hệ dân sự kinh doanh thương mại trong vụ án này, cần phải được điều tra, làm rõ.

Ngoài ra, luật sư còn đề nghị làm rõ Công ty Gia Bảo hay bà Hoa chiếm đoạt tài sản. Điều tra thêm việc xử lý tang chứng, thu lãi và phí tín dụng cao hơn thỏa thuận ban đầu của ngân hàng có vi phạm quy định của ngân hàng Nhà nước, vi phạm quy định của pháp luật hay không. Ngoài ra, cần xác định 3 bị cáo còn lại mỗi người gây thiệt hại bao nhiêu cho SeABank, không thể lấy 55 tỷ đồng là mức tiền chung các bị cáo gây thiệt hại cho ngân hàng.

Tại phiên tòa, HĐXX xét thấy vụ án xuất hiện một số nội dung, chứng cứ mới chưa thể làm rõ ngay tại tòa nên đã tuyên trả hồ sơ cho VKSND TP Đà Nẵng để điều tra bổ sung.

Mộc Lan