Ngày 12/3, TAND cấp cao tại TP HCM mở phiên tòa xét xử phúc thẩm và tuyên hủy toàn bộ bản án sơ thẩm vụ thiếu trách nhiệm gây hậu quả nghiêm trọng xảy ra tại quỹ bảo lãnh tín dụng TP HCM.
Trước đó, cấp sơ thẩm tuyên phạt bị cáo Trần Hữu Thái (nguyên Giám đốc quỹ bảo lãnh tín dụng TP HCM) mức án 4 năm tù về tội “thiếu trách nhiệm gây hậu quả nghiêm trọng”.
Cùng tội danh trên, HĐXX tuyên phạt các bị cáo: Trần Bửu Long (nguyên Phó Giám đốc) 3 năm tù, Hà Văn Dương (nguyên trưởng phòng nghiệp vụ) 2 năm 6 tháng tù treo, Võ Kế Trí (nguyên Phó Trưởng phòng nghiệp vụ) 2 năm tù treo và Mai Thị Kim Dung (nguyên chuyên viên phòng nghiệp vụ) 1 năm 6 tháng tù treo.
Theo nội dung vụ án, quỹ bảo lãnh tín dụng được UBND TP HCM thành lập năm 2006, 100% vốn Nhà nước, là tổ chức tài chính phi lợi nhuận chuyên bảo lãnh tín dụng cho các doanh nghiệp nhỏ và vừa, do Trần Hữu Thái quản lý điều hành. Trong đó, phòng nghiệp vụ có chức năng thẩm định dự án đầu tư, phương án sản xuất kinh doanh, phân tích tài chính doanh nghiệp và định giá tài sản thế chấp...
Ngày 1/6/2010, công ty TNHH Dược phẩm Phát Như Quân do bà Trần Ngọc Xuân Nhi làm giám đốc, được một ngân hàng cấp hạn mức tín dụng 30 tỉ đồng để bổ sung vốn kinh doanh. Công ty này đề nghị Quỹ bảo lãnh tín dụng bảo lãnh vay 19 tỉ đồng của ngân hàng, hồ sơ kèm theo là "đã ký hợp đồng cung cấp thuốc cho 24 bệnh viện, doanh thu khoảng 102 tỉ đồng".
Mai Thị Dung thẩm định và báo cáo Quỹ bảo lãnh tín dụng là công ty Phát Như Quân có phương án kinh doanh khả thi nhưng chỉ đảm bảo cho khoản vay 10 tỉ đồng. Số tiền còn lại chỉ xem xét bảo lãnh khi có tài sản đảm bảo.
Hội đồng thẩm định do ông Thái làm chủ tịch, Hà Văn Dương, Võ Kế Trí cùng hai người khác là ủy viên thường trực chấp thuận đề xuất và giải ngân cho công ty 10 tỉ đồng. Công ty này và Quỹ bảo lãnh tiếp tục ký phụ lục hợp đồng bảo lãnh nghĩa vụ trả nợ gốc, lãi và các chi phí phát sinh với khoản vay 9 tỉ đồng tại ngân hàng. Tài sản đảm bảo là lô đất 2.180 m2 tại huyện Củ Chi của vợ chồng bà Nhi. Ngân hàng sau đó đã ký hợp đồng và giải ngân cho công ty Phát Như Quân thêm 9 tỉ đồng.
Đến hạn, công ty Phát Như Quân không trả được các khoản vay và lãi phát sinh nên bị ngân hàng kiện ra tòa. Theo phán quyết của tòa, công ty Phát Như Quân có trách nhiệm phải thanh toán cho ngân hàng tổng cộng hơn 22 tỉ đồng.
Theo hợp đồng bảo lãnh, Quỹ bảo lãnh tín dụng TP HCM phải trả số tiền này cho ngân hàng thay cho Phát Như Quân. Công ty này sau đó đã trả cho Quỹ bảo lãnh được 3 tỉ đồng, hiện còn hơn 19 tỉ đồng không thể thu hồi.
Cơ quan điều tra xác định, ông Thái và các thuộc cấp đã "tin tưởng vào công ty Phát Như Quân và ngân hàng", thiếu trách nhiệm trong việc chỉ đạo kiểm tra thực tế hoạt động kinh doanh, hợp đồng mua bán.... Do đó, ông Thái và thuộc cấp không phát hiện công ty này đã sử dụng vốn vay sai mục đích, cũng như tài sản đảm bảo không đủ điều kiện vay vốn gây thiệt hại 19 tỉ đồng của Nhà nước.
Sau bản án sơ thẩm, bị cáo Trần Hữu Thái và Nguyễn Bửu Long kháng cáo xem xét lại tội danh và đề nghị hủy án sơ thẩm.
Tại phiên tòa hôm nay, các bị cáo cho rằng mình làm đúng quy định của pháp luật và thiệt hại của vụ án không có nên không phạm tội thiếu trách nhiệm gây hậu quả nghiêm trọng.
Theo HĐXX cấp phúc thẩm, căn cứ vào hồ sơ vụ án và diễn biến tại phiên tòa thì chưa đủ căn cứ xác định trọng vụ án này có thiệt hại thực tế hay không để làm căn cứ buộc tội các bị cáo. Bên cạnh đó, cần xác định quỹ dự phòng có phải là vốn của nhà nước không. Nếu xác định quỹ dự phòng là vốn nhà nước thì nhà nước thiệt hại bao nhiêu vì Quỹ bảo lãnh tín dụng bao gồm nguồn vốn nhà nước cấp và nguồn góp của các doanh nghiệp.
Mặt khác, cấp phúc thẩm chỉ ra nhiều sai sót về tố tụng của cấp sơ thẩm. Từ đó, HĐXX quyết định hủy toàn bộ bản án sơ thẩm để điều tra lại theo quy định./.