Theo Cáo trạng số 290/CT-VKSHN-P2 ngày 5/8/2022 của VKSND Thành phố Hà Nội, xuất phát từ mâu thuẫn nợ tiền giữa anh Nguyễn Quang Huy và Trần Đức Kiên, chiều ngày 28/11/2021, sau khi gọi điện chửi nhau, Trần Đức Kiên mang theo 2 con dao (trong đó 1 con dao dài khoảng 40 cm, bản rộng 3 cm, chuôi gỗ màu đen, lưỡi dao bằng kim loại sáng trắng, loại dao một cạnh sắc, mũi dao nhọn và 1 con dao dài khoảng 40 cm, bản rộng 3 cm chuôi màu nâu vàng, lưỡi dao bằng kim loại sáng trắng, loại dao một cạnh sắc, mũi dao nhọn) đi xe máy đến nhà anh Huy tại số 30, ngõ 53/103 phố Đức Giang, phường Đức Giang, quận Long Biên, TP Hà Nội gặp anh Huy để đánh nhau. 

Khi thấy Kiên đến, anh Huy cầm 1 con dao và 1 gậy bóng chày dài 0,7m trong nhà đi ra, Kiên cầm 2 con dao nhọn để đánh nhau với anh Huy. Kết quả, Kiên cầm con dao ở tay phải chém nhiều nhát theo hướng từ trái sang phải, từ ngoài vào trong trúng vào vùng ngực trái, ngực phải, đùi phải, cánh tay phải, ngón út tay trái và sườn trái, thủng cơ hoành, qua mạc treo, xuyên thấu mặt trước và sau dạ dày, cắt đứt 2/3 chu vi động mạch chủ bụng. Hậu quả anh Nguyễn Quang Huy bị tử vong do mất máu cấp không hồi phục; còn Trần Đức Kiên bị tổn hại 03% sức khoẻ.

Đại diện Viện kiểm sát thực hành quyền công tố tại phiên toà cho rằng, hành vi trên của Trần Đức Kiên đã phạm vào tội “Giết người” theo quy định tại điểm n, khoản 1, Điều 123 Bộ luật Hình sự.

Hành vi này là đặc biệt nguy hiểm, xâm phạm đến tính mạng con người được pháp luật bảo vệ. Bị cáo từ những mâu thuẫn nhỏ mà tước đi sinh mạng của người khác, thể hiện tính côn đồ, hung hãn, quyết tâm thực hiện tội phạm đến cùng. Hành vi của bị cáo còn gây mất trật tự an ninh xã hội, gây hoang mang lo sợ trong dân dân, việc xét xử bị cáo là nhằm đảm bảo sự nghiêm minh của pháp luật. Do đó, Viện kiểm sát đề nghị xử phạt bị cáo mức án “Tù chung thân”.

leftcenterrightdel
 Các luật sư tại phiên toà ngày 24/9/2022.

Tại phiên toà, trên cơ sở nội dung vụ án, kết quả tranh tụng, HĐXX sơ thẩm đã tuyên phạt bị cáo Trần Đức Kiên với mức án 20 năm tù về tội “Giết người” theo quy định tại điểm n khoản 1, Điều 123 Bộ luật hình sự.

Liên quan đến vụ án, phía gia đình bị cáo đã bồi thường khắc phục hậu quả cho gia đình bị hại số tiền 300 triệu đồng, tuy nhiên đại diện của gia đình bị hại đã yêu cầu bồi thường với tổng số tiền là 800 trăm triệu đồng, đồng thời cung cấp các hoá đơn, chứng từ có liên quan đối với yêu cầu này. 

Đáng chú ý, tại phiên toà, luật sư Đỗ Văn Nhặn và luật sư Hoàng Mạnh Trường thuộc Đoàn Luật sư TP Hà Nội - người bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp cho bị hại đã đưa ra những phân tích và lập luận, từ đó đề nghị HĐXX sơ thẩm căn cứ các quy định của pháp luật tại khoản 1, Điều 280; Điều 85, 86 Bộ luật tố tụng hình sự; điểm b, c, khoản 1, Điều 5 Thông tư liên tịch số 02/2017/TTLT-VKSNDTC-TANDTC-BCA-BQP ngày 22/12/2017 để Quyết định trả hồ sơ điều tra bổ sung. 

Cụ thể, Điều 5 Thông tư liên tịch số 02/2017/TTLT-VKSNDTC-TANDTC-BCA-BQP ngày 22/12/2017 quy định về "phối hợp thực hiện trả hồ sơ để điều tra bổ sung trong các trường hợp quy định tại điểm b và điểm c khoản 1 Điều 280 của Bộ luật Tố tụng hình sự" nêu rõ: "1. Khi có căn cứ để cho rằng bị can hoặc bị cáo còn thực hiện hành vi khác mà Bộ luật Hình sự quy định là tội phạm, còn có đồng phạm khác hoặc có người khác thực hiện hành vi mà Bộ luật Hình sự quy định là tội phạm liên quan đến vụ án nhưng chưa được khởi tố vụ án, khởi tố bị can thuộc một trong các trường hợp sau đây thì Thẩm phán (trong giai đoạn chuẩn bị xét xử), Hội đồng xét xử (tại phiên tòa) trả hồ sơ để điều tra bổ sung: b) Ngoài hành vi phạm tội mà Viện kiểm sát đã truy tố, chứng cứ trong hồ sơ vụ án cho thấy còn có căn cứ để khởi tố bị can hoặc bị cáo về một hay nhiều tội khác; c) Ngoài bị can hoặc bị cáo đã bị truy tố, chứng cứ trong hồ sơ vụ án cho thấy còn có người đồng phạm khác hoặc có người phạm tội khác liên quan đến vụ án, nhưng chưa được khởi tố vụ án, khởi tố bị can".

Theo 2 luật sư, tại phiên toà, đề xuất mức án của Viện kiểm sát đối với bị cáo là hợp lý. Tuy nhiên, trong vụ án còn nhiều điểm mâu thuẫn, cần được HĐXX làm rõ như: Việc đánh giá các “tình tiết” giảm nhẹ trách nhiệm hình sự của bị cáo có thực sự hợp lý như việc đầu thú, hay thành khẩn khai báo…; cần làm rõ nguyên nhân và điều kiện phạm tội; làm rõ hung khí bị cáo sử dụng, ai là người cung cấp dao cho bị cáo, xem xét có hay không dấu hiệu về đồng phạm trong vụ án; cùng với đó, các cơ quan xác minh, giải quyết vụ án chưa thu thập tài liệu từ các cơ quan bưu chính và mạng viễn thông để làm rõ nội dung trong chiếc điện thoại mà bị cáo sử dụng để làm căn cứ chứng minh và xác định về thời gian, ngày giờ bị cáo đã liên hệ với bị hại, những nội dung hai bên trao đổi trước khi xảy ra sự việc… 

2 luật sư cũng cho rằng, nếu những nội dung trên được làm rõ sẽ nhằm bảo đảm cho việc giải quyết vụ án được khách quan, toàn diện và đúng pháp luật. Cũng tại phiên toà sơ thẩm, ông Nguyễn Đức Hạnh là đại diện theo uỷ quyền của gia đình bị hại đề nghị xử lý bị cáo Trần Đức Kiên theo quy định của pháp luật. Ông Hạnh cũng đề nghị HĐXX làm rõ những nội dung mà các luật sư nêu lên, trong đó cần làm rõ những lời khai của bị cáo bởi bị hại đã chết, lúc xảy ra sự việc không có người làm chứng.

Chính vì thế, sau phiên toà, phía luật sư và đại diện theo uỷ quyền của gia đình bị hại cho biết, sẽ kháng cáo đối với bản án hình sự sơ thẩm để làm rõ các nội dung mà luật sư đã đề cập và kiến nghị với HĐXX tại phiên toà.

    Khoản 1, Điều 123 Bộ luật hình sự năm 2015 quy định về “Tội giết người”:

1. Người nào giết người thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ 12 năm đến 20 năm, tù chung thân hoặc tử hình: a) Giết 02 người trở lên; b) Giết người dưới 16 tuổi; c) Giết phụ nữ mà biết là có thai; d) Giết người đang thi hành công vụ hoặc vì lý do công vụ của nạn nhân; đ) Giết ông, bà, cha, mẹ, người nuôi dưỡng, thầy giáo, cô giáo của mình; e) Giết người mà liền trước đó hoặc ngay sau đó lại thực hiện một tội phạm rất nghiêm trọng hoặc tội phạm đặc biệt nghiêm trọng; g) Để thực hiện hoặc che giấu tội phạm khác; h) Để lấy bộ phận cơ thể của nạn nhân; i) Thực hiện tội phạm một cách man rợ; k) Bằng cách lợi dụng nghề nghiệp; l) Bằng phương pháp có khả năng làm chết nhiều người; m) Thuê giết người hoặc giết người thuê; n) Có tính chất côn đồ; o) Có tổ chức; p) Tái phạm nguy hiểm; q) Vì động cơ đê hèn.


P.V