Tòa án nhân dân tỉnh Gia Lai vừa mở phiên tòa xét xử sơ thẩm vụ án hình sự Nguyễn Trường Quốc bị truy tố về tội "Giết người" quy định tại khoản 1, Điều 123 Bộ luật Hình sự 2015.

Theo cáo trạng của VKS, khoảng 16 giờ ngày 20/12/2018, do bực tức vì cho rằng anh Võ Xuân Thảo vô cớ xúc phạm, đòi đánh mình nên Nguyễn Trường Quốc một mình điều khiển xe quay lại nhà thuê của anh Lê Phú Nhân ở làng Bi, xã Ia O, Ia Grai để tìm anh Thảo đánh trả thù.

Đến nơi, Quốc lấy dao nhọn giấu sẵn trong cốp xe đi đến chỗ Thảo đang ngồi trước sân nhà đâm một nhát trúng ngực trái làm Thảo ngã gục bất tỉnh. Thấy Quốc đâm anh Thảo, anh Nhân đến túm vai áo giữ lại thì bị Quốc đâm một nhát trúng vùng lưng bên trái.

Hậu quả, anh Võ Xuân Thảo chết do “Suy tuần hoàn, suy hô hấp do vết thương thấu ngực, bụng gây thủng phổi phải, thủng dạ dày do vật sắc nhọn” còn anh Lê Phú Nhân chết do“Suy tuần hoàn, suy hô hấp do vết thương thấu ngực, bụng gây thủng phổi trái, thủng lách do vật sắc nhọn”. Đến 18 giờ cùng ngày, Nguyễn Trường Quốc đến Công an xã Ia Tô, huyện Ia Grai đầu thú và bị bắt giữ.

leftcenterrightdel
Quang cảnh phiên tòa. 

Quá trình xét hỏi bị cáo đã thừa nhận toàn bộ hành vi phạm tội như đã nêu trong bản cáo trạng truy tố.

Sau khi Hội đồng xét xử nghị án, thấy rằng hành vi của bị cáo có tính côn đồ, hung hãn chỉ vì cho rằng anh Thảo vô cớ xúc phạm và đòi đánh mình nên bị can Nguyễn Trường Quốc đã dùng dao nhọn đâm anh Thảo, khi bị anh Lê Phú Nhân phát hiện ôm giữ để can ngăn thì bị can tiếp tục dùng dao đâm anh Nhân, hậu quả làm anh Thảo và anh Nhân chết trên đường đi cấp cứu nhưng quá trình điều tra và tại phiên tòa, bị cáo đã thể hiện sự ăn năn, hối cải và đã bồi thường cho gia đình bị hại; bị cáo có thể cải tạo, giáo dục được nên đã tuyên mức án tù chung thân đối với bị cáo để bị cáo có thể được tiếp nhận sự cải tạo, giáo dục của Nhà nước, làm lại cuộc đời.

Đồng thời, đây cũng là phiên tòa rút kinh nghiệm theo tinh thần cải cách tư pháp do VKSND tỉnh Gia Lai đã phối hợp với Tòa án nhân dân tỉnh Gia Lai lựa chọn, để các đồng chí trong hai ngành học tập kinh nghiệm nâng cao năng lực và khắc phục những hạn chế thiếu sót trong quá trình xét xử và tranh luận tại tòa./.

Nguyễn Ánh Phổ