Ngày 27/11, TAND tỉnh Bà Rịa – Vũng Tàu mở phiên tòa xét xử bị cáo Nguyễn Huỳnh Tú Trinh (SN 1995, ngụ tỉnh Tiền Giang), Trần Quốc Tĩnh (SN 1995, ngụ tỉnh Quảng Nam), Huỳnh Ngọc Thiện (SN 1996, ngụ tỉnh Gia Lai), Phan Quỳnh Long (SN 1997, ngụ tỉnh Gia Lai) cùng về tội “Cố ý làm hư hỏng tài sản và gây rối trật tự công cộng”.

Phiên tòa thu hút đông đảo người dân đến theo dõi, khá đông lực lượng an ninh được huy động để bảo vệ phiên tòa.

Trong phần thủ tục, thư ký thông báo trước đây các bị cáo đều có 3 luật sư đăng ký bào chữa, tuy nhiên, nhiều luật sư sau đó đã có đơn từ chối bào chữa, chỉ còn luật sư Nguyễn Đình Thái Hùng (Đoàn luật sư TP HCM) bào chữa cho bị cáo Trinh. Các bị cáo bị truy tố trong khung hình phạt không bắt buộc phải có luật sư chỉ định, vì vậy, tại phiên tòa hôm nay, các bị cáo phải tự thực hiện quyền bào chữa cho mình.

Cũng trong phần thủ tục phiên tòa, luật sư Hùng đề nghị HĐXX triệu tập lãnh đạo Sở Tư pháp tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu để làm rõ một văn bản “mật" liên quan đến vụ án. Đáp lại ý kiến của luật sư, đại diện Viện Kiểm sát đề nghị HĐXX tiếp tục phiên tòa, cũng không cần triệu tập người ký biên bản của văn bản này, vì văn bản trên chỉ là công văn phúc đáp của Sở cho UBND xã Tóc Tiên. Văn bản này mặc dù có chữ mật nhưng không là tài liệu mật. Sau khi hội ý, HĐXX  đồng ý với đề nghị của Viện kiểm sát tiếp tục phiên tòa.

leftcenterrightdel
Các bị cáo tại phiên tòa 

Theo cáo trạng, công ty địa ốc Alibaba xây dựng trái phép tại 17 thửa đất tại xã Tóc Tiên, thị xã Phú Mỹ, tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu. Sau đó, UBND xã Tóc Tiên, thị xã Phú Mỹ kiểm tra phát hiện công trình xây dựng trái phép nên lập biên bản xử phạt vi phạm hành chính 3,5 triệu đồng nhưng phía chủ đất là ông Nguyễn Thái Lực (em trai Nguyễn Thái Luyện) không hợp tác làm việc.

Ngày 10/6/2019, UBND xã Tóc Tiên ra quyết định cưỡng chế buộc thực hiện các biện pháp khắc phục. Khoảng 18h ngày 12/6/2019, UBND xã Tóc Tiên đưa xe cuốc đến khu đất trên của Lực. Lúc này nhân viên bảo vệ khu đất phát hiện và báo tin cho ông Nguyễn Thái Luyện.

Thông qua mạng xã hội và điện thoại, Luyện chỉ đạo các nhân viên là Trang Chí Linh, Huỳnh Tú Trinh đến gặp ông Nguyễn Văn Thắm (Chủ tịch UBND thị xã Phú Mỹ) mục đích làm rõ việc cưỡng chế trái phép nếu không được thì biểu tình.

Trong các tin nhắn Luyện gửi đi có tin nhắn "mục đích làm lớn chuyện, tranh thủ thu hút truyền thông và thu hút nhiều cơ quan chức năng", "sự việc làm rúng động khu vực thị xã Phú Mỹ, rất có lợi cho sự phát triển bền vững lâu dài của mình". Linh và Trinh chia sẻ tin nhắn đến các nhân viên của công ty.

Khoảng 10h ngày hôm sau, khi đoàn cưỡng chế tiến hành cưỡng chế khu đất vi phạm thì Trinh, Tĩnh, Thiện, Long cùng các nhân viên khác của công ty Alibaba chạy đến, ngăn cản, la hét và đập phá xe của đoàn cưỡng chế.

Sau đó, Cơ quan cảnh sát điều tra Công an thị xã Phú Mỹ lập biên bản bắt người phạm tội quả tang, đồng thời phối hợp với Viện Kiểm sát tiến hành khám nghiệm hiện trường, khám nghiệm phương tiện và yêu cầu giám định thiệt hại.

Sau khi nghe đại diện Viện Kiểm sát công bố cáo trạng, bị cáo Trinh thừa nhận cáo trạng mô tả hành vi là đúng nhưng không thừa nhận hành vi phạm tội. Trinh khai vào ngày 12/6, Trinh nhận được thông báo từ công ty Alibaba, yêu cầu Trinh đi với Nguyễn Thái Lực xuống UBND thị xã Phú Mỹ (Bà Rịa - Vũng Tàu) để làm rõ việc xã này cho xe vào cuốc đất của dự án.

Trinh nói Nguyễn Thái Luyện có trao đổi và nhắn tin qua mạng xã hội, yêu cầu khi xuống UBND thị xã Phú Mỹ, nhân viên Alibaba phải “làm lớn chuyện, làm rúng động”.

Trinh khai do đoàn cưỡng chế không đúng quy định nên mới ra sức ngăn cản đoàn cưỡng chế, bản thân bị cáo không có động cơ, mục đích khi thực hiện hành vi phạm tội.

Bị cáo Tĩnh khai nhận chỉ đạo của Nguyễn Thái Luyện và cho rằng mình không phạm tội gây rối mà chỉ phạm tội cố ý làm hư hỏng tài sản. Bị cáo Thiện cũng cho rằng mình không gây rối mà chỉ làm hư hỏng tài sản. Bị cáo Long cũng đề nghị HĐXX xem lại tội gây rối, chỉ nhận làm hư hỏng tài sản.

Dự kiến phiên tòa kéo dài hết ngày 27/11./.

Trân Định - Tuấn Anh