Các bị cáo đồng phạm trong vụ án này gồm: Nguyễn Thị Ngọ (SN 1954, Tổng giám đốc Công ty Cổ phần Giáo dục và Phát triển nguồn nhân lực châu Á Thái Bình Dương) bị tuyên phạt 7 năm tù; Nguyễn Đức Tài (SN 1968, cựu Giám đốc DAB Sở giao dịch) bị tuyên phạt 2 năm tù, cộng với bản án cũ 27 năm, tổng cộng là 29 năm tù; Nguyễn Thị Ngọc Vân (SN 1970 nguyên Phó Tổng giám đốc DAB) 1 năm tù, cộng với bản án cũ 5 năm 6 tháng, tổng cộng là 6 năm 6 tháng tù. Các bị cáo bị tuyên phạt về tội “Vi phạm quy định về cho vay trong hoạt động của các tổ chức tín dụng”.
Về trách nhiệm dân sự, HĐXX tuyên buộc bị cáo Nguyễn Thị Ngọ phải bồi thường cho Ngân hàng DAB gần 1.236 tỉ đồng cộng cả gốc lẫn lãi. Giao các tài sản của bị cáo Ngọ cho DAB quản lý sử dụng.
Trước đó, trong quá trình xét xử bị cáo Nguyễn Thị Ngọ không thừa nhận hành vi phạm tội như cáo trạng nêu. Tuy nhiên, quá trình tranh luận, đại diện Viện kiểm sát đã chứng minh và làm rõ hành vi của bị cáo.
Bị cáo Trần Phương Bình với vai trò là Tổng giám đốc, đã chỉ đạo Nguyễn Đức Tài, Nguyễn Ngọc Vân để hai bị cáo này lập, ký tờ trình để Bình ký phê duyệt cho bị cáo Nguyễn Thị Ngọ vay tiền. Việc cho vay này không có tài sản đảm bảo, không thẩm định hồ sơ vay, điều kiện vay vốn, không phải kiểm tra, thẩm định tài sản đảm bảo. Hậu quả gây thiệt hại cho Ngân hàng Đông Á gần 981 tỉ đồng không có khả năng thu hồi.
Theo cáo trạng của VKSND tối cao, Trần Phương Bình giữ chức Tổng Giám đốc DAB từ ngày 25/3/1998 đến ngày 20/8/2015, Chủ tịch Hội đồng tín dụng DAB từ ngày 19/1/2006 đến ngày 20/8/2015.
Ngày 23/7/2015, Cơ quan Thanh tra Giám sát Ngân hàng Nhà nước có Kết luận thanh tra, kết luận một số sai phạm xảy ra tại DAB: Tổng dư nợ là 20.233 tỉ đồng, trong đó 123 khách hàng dư nợ 19.644 tỉ đồng, tập trung chủ yếu vào 9 nhóm khách hàng và cá nhân liên quan với tổng dư nợ là 19.414 tỉ đồng; trong số này có 7.960 tỉ đồng là nợ khó thu hồi và hơn 5.600 tỉ đồng là nợ không có khả năng thu hồi.
Ngày 13/8/2015, Ngân hàng Nhà nước có Quyết định số 69 kiểm soát đặc biệt DAB và chuyển hồ sơ vụ việc sai phạm đến Cơ quan CSĐT Bộ Công an.
Kết quả điều tra đã làm rõ, trong quá trình quản lý điều hành DAB từ năm 2007 đến 2013, Trần Phương Bình và các đồng phạm đã thực hiện nhiều hành vi phạm tội, gây hậu quả đặc biệt nghiêm trọng cho DAB. Vụ án đã được các cơ quan tố tụng giải quyết qua 3 giai đoạn, Trần Phương Bình và các đồng phạm đã bị truy tố, xét xử về các tội: Cố ý làm trái quy định của Nhà nước về quản lý kinh tế gây hậu quả nghiêm trọng; Lạm dụng chức vụ, quyền hạn chiếm đoạt tài sản; Thiếu trách nhiệm gây hậu quả nghiêm trọng; Vi phạm quy định về hoạt động ngân hàng, hoạt động khác liên quan đến hoạt động ngân hàng.
Đối với vụ án Vi phạm quy định về hoạt động ngân hàng, hoạt động khác liên quan đến hoạt động ngân hàng liên quan đến 55 khoản vay còn dư nợ của nhóm Lê Anh Tuấn - Nguyễn Thị Ngọ. Do chưa có kết luận định giá tài sản nên Cơ quan CSĐT Bộ Công an quyết định tách vụ án để giải quyết sau. Sau khi có kết luận định giá tài sản, Cơ quan CSĐT Bộ Công an đã ra Quyết định phục hồi điều tra vụ án, phục hồi điều tra bị can đối với Trần Phương Bình, Nguyễn Thị Ngọc Vân, Nguyễn Đức Tài.
|
|
Các bị cáo tại phiên tòa. |
Cơ quan tiến hành tố tụng xác định, năm 2007, DAB phát hành cổ phần chào bán ra công chúng 2 lần để tăng vốn điều lệ từ 880 tỉ đồng lên 1.600 tỉ đồng. Trần Phương Bình đã bàn bạc và thống nhất với Nguyễn Thị Ngọ về việc mua cổ phần tăng vốn DAB, từ nguồn tiền vay của DAB.
Trần Phương Bình đã chỉ đạo cấp dưới cho Nguyễn Thị Ngọ vay 10 khoản tổng số hơn 297,4 tỉ đồng, Nguyễn Thị Ngọ sử dụng 269,9 tỉ đồng và 69,1 tỉ đồng tiền vay của Ngân hàng Eximbank và ACB để mua 26.500 cổ phần tăng vốn DAB với giá 339 tỉ đồng.
Năm 2008, sau khi các khoản vay mua 26.500 cổ phần DAB nêu trên đến hạn trả nợ, Nguyễn Thị Ngọ không có khả năng trả nợ cho DAB, ACB và Eximbank nên Ngọ tiếp tục đề nghị Trần Phương Bình chỉ đạo cấp dưới cho Ngọ vay tiếp hơn 1.055 tỉ đồng, bằng cách dùng những người thân quen, nhân viên của Ngọ đứng tên vay tiền giúp, để đảo nợ cho 12 khoản vay mua 26.500 cổ phần DAB năm 2007.
Cơ quan tiến hành tố tụng xác định, Trần Phương Bình với vai trò là Tổng Giám đốc DAB đã chỉ đạo Nguyễn Đức Tài, Nguyễn Thị Ngọc Vân để Tài, Vân lập, ký tờ trình để Trần Phương Bình ký phê duyệt cho Nguyễn Thị Ngọ vay 115 khoản, tổng số hơn 1.055 tỉ đồng, để Ngọ đảo nợ các khoản vay cũ, che dấu nợ xấu cho DAB; cho vay không có tài sản đảm bảo, không thẩm định hồ sơ vay, điều kiện vay vốn...
Tính đến ngày 9/12/2016, Ngọ còn dư nợ của DAB 42 khoản vay, với số tiền hơn 1.236 tỉ đồng. Trong khi đó, Hội đồng định giá tài sản trong tố tụng hình sự tại TP Hồ Chí Minh, Long An, Đồng Tháp và Bình Thuận định giá các tài sản đảm bảo cho 42 khoản vay tại thời điểm hiện tại chỉ được 254,9 tỉ đồng. Như vậy, với việc chỉ đạo cấp dưới cho Nguyễn Thị Ngọ vay tiền trái quy định, Trần Phương Bình và các đồng phạm đã gây thiệt hại cho DAB số tiền hơn 981 tỉ đồng.
Cơ quan tiến hành tố tụng còn xác định, đối với Nguyễn Đức Tài (nguyên Giám đốc DAB Sở Giao dịch) có hành vi lập, ký Tờ trình và Nguyễn Thị Ngọc Vân (nguyên Phó Tổng Giám đốc DAB) đã ký kiểm soát Tờ trình để Trần Phương Bình phê duyệt cho Nguyễn Thị Ngọ vay tiền sai quy định, gây thiệt hại cho DAB số tiền hơn 981 tỉ đồng không có khả năng thu hồi. Do vậy, Nguyễn Đức Tài và Nguyễn Thị Ngọc Vân được xác định là đồng phạm giúp sức cho Trần Phương Bình, gây thiệt hại cho ADB số tiền 981 tỉ đồng và phải chịu trách nhiệm hình sự về số tiền thiệt hại nêu trên.
Tuy nhiên, quá trình điều tra thấy Nguyễn Đức Tài và Nguyễn Thị Ngọc Vân thực hiện hành vi phạm tội theo chỉ đạo của Trần Phương Bình, không phải là người quyết định về cho vay; các khoản vay thấu chi khi lập, ký danh sách đề nghị cho vay để trình cho Trần Phương Bình ký phê duyệt cho vay thì mức vay của mỗi người đã được Bình ấn định. Bản thân Tài và Vân không được hưởng lợi gì, thành khẩn khai báo.
Đối với Nguyễn Thị Ngọ, với vai trò là người điều hành hoạt động của Nhóm khách hàng Lê Anh Tuấn - Nguyễn Thị Ngọ, từ năm 2008, khi các khoản vay của các cá nhân đứng tên vay hộ để mua cổ phần tăng vốn của DAB đến hạn trả nợ. Do không có khả năng trả nợ, Nguyễn Thị Ngọ đã bàn bạc với Trần Phương Bình cho Ngọ vay tiền để đảo nợ cho các khoản vay tại DAB và được Bình đồng ý.
Sau khi trao đổi và thống nhất với Bình, Ngọ đã lập hồ sơ, phương án kinh doanh khống, sử dụng các công ty do mình thành lập và nhờ những người thân trong gia đình và các cá nhân là người làm thuê cho Ngọ đứng tên ký hồ sơ vay tiền tại DAB, để Ngọ sử dụng đảo nợ và vay thêm hơn 140,6 tỉ đồng để sử dụng cá nhân.
Cáo trạng xác định, hành vi của Nguyễn Thị Ngọ đã đồng phạm với Trần Phương Bình trong việc tạo lập hồ sơ khống, không đủ điều kiện vay vốn theo quy định của pháp luật, giúp Bình che giấu tình hình nợ xấu của DAB, đến nay còn dư nợ 42 khoản vay, gây thiệt hại cho DAB số tiền hơn 981 tỉ đồng, hiện không có khả năng thu hồi. Nguyễn Thị Ngọ phải chịu trách nhiệm hình sự với số tiền thiệt hại nêu trên và có trách nhiệm bồi thường toàn bộ thiệt hại cho DAB.
Đối với một số nhân viên cấp dưới của Trần Phương Bình, Nguyễn Đức Tài, Nguyễn Thị Ngọc Vân có tham gia duyệt hồ sơ nhưng là người làm công ăn lương, có quan hệ phụ thuộc, không được hưởng lợi, nên Cơ quan điều tra không xem xét trách nhiệm hình sự. Tương tự, những người được bị cáo Nguyễn Thị Ngọ nhờ đứng tên là người thân trong gia đình, nhân viên, không được bàn bạc hay biết mục đích các khoản vay nên cũng không bị xử lý./.