Căn cứ vào hồ sơ vụ án và diễn biến tại phiên tòa, HĐXX xác định bị cáo Bình và các đồng phạm đã giải ngân 7 khoản vay cho 6 công ty (thuộc nhóm công ty cổ phần M&C): Ngôi Sao, Liên Phát, Phát Vạn Hưng, Biển Bạc, Minh Quân và M&C, gây thiệt hại hơn 5.500 tỉ đồng. Từ năm 2012, nhóm công ty M&C có nhiều khoản vay đến hạn nhưng không còn khả năng thanh toán cho DAB.

leftcenterrightdel
 Hội đồng xét xử tuyên án bị cáo Trần Phương Bình, Phùng Ngọc Khánh cùng 6 đồng phạm.

Để che giấu tình trạng nợ xấu, bị cáo Bình đã đồng ý cho bị cáo Phùng Ngọc Khánh sử dụng pháp nhân của 5 công ty con để tiếp tục vay lấy tiền đảo nợ. Công ty M&C sau đó tạo lập hồ sơ khống, dùng nhiều công ty không đủ điều kiện để hợp thức hóa hồ sơ vay 1.680 tỉ đồng. Tài sản đảm bảo chung cho các khoản vay này là quyền sử dụng hơn 62.000m2 đất thuộc dự án 7,6ha ở phường An Phú, quận 2 (nay là TP Thủ Đức).

Bị cáo Bình biết rõ hồ sơ vay vốn được lập khống nhưng vẫn chỉ đạo cán bộ DAB giao dịch tiếp nhận hồ sơ và không cần thẩm định tài sản. Tính đến ngày 24/5/2022, 5 khoản vay trên còn dư nợ hơn 5.000 tỉ đồng (trong đó 1.680 tỉ đồng nợ gốc và hơn 3.300 tỉ đồng tiền lãi). Ngoài ra, bị cáo Bình còn bảo lãnh cho M&C vay hai khoản trị giá 146 tỉ đồng để thanh toán tiền gốc và lãi lô trái phiếu.

Tài sản đảm bảo là hơn 2,6 triệu cổ phần của công ty cổ phần địa ốc Sài Gòn M&C (tòa nhà Sài Gòn one Tower đang xây dang dở). Tại tòa, các bị cáo thừa nhận hành vi phạm tội phù hợp với hồ sơ vụ án. Hành vi của các bị cáo là đặc biệt nguy hiểm, gây thất thoát số tiền lớn cho DAB.

“Các bị cáo biết rõ sai phạm nhưng vẫn thực hiện, bất chấp quy định pháp luật, thể hiện thái độ coi thường pháp luật. Trong vụ án này bị cáo Bình là chủ mưu, chỉ đạo thuộc cấp thực hiện chuỗi hành vi sai phạm nên cần xử lý nghiêm”, bản án xác định.

Trần Phương Bình biết rõ các công ty của Phùng Ngọc Khánh không có trả nợ nhưng vẫn chỉ đạo cấp dưới làm hồ sơ để giải ngân cho công ty của Khánh trái với quy định pháp luật. Hành vi của bị cáo Bình đã gây thiệt hại cho ngân hàng số tiền hơn 5.500 tỉ đồng. Bị cáo Khánh biết rõ các công ty của mình không đủ điều kiện vay vốn nhưng đã cấu với Trần Phương Bình để làm giả hồ sơ. Bị cáo Khánh là đồng phạm giúp sức xuyên suốt toàn bộ hành vi sai phạm của bị cáo Bình. Các bị cáo còn lại tòa xác định là đồng phạm giúp sức cho Trần Phương Bình. Bên cạnh đó, cơ quan tài phán cũng ghi nhận cho các bị cáo một số tình tiết giảm nhẹ như thành khẩn khai báo, không được hưởng lợi, phạm tội với vai trò có phần lệ thuộc…

leftcenterrightdel
 Kiểm sát viên tham gia phiên tòa.

Trong bản luận tội, VKS đã phát biểu quan điểm về vụ án, trách nhiệm của từng bị cáo trong vụ án trên cơ sở phân tích, đánh giá thận trọng các tài liệu chứng cứ đã được CQĐT Bộ Công an thu thập trong quá trình điều tra vụ án, được HĐXX thẩm vấn, kiểm tra công khai tại phiên tòa.

Theo đó, đại diện VKS cũng đã đánh giá tính chất, mức độ nguy hiểm của tội phạm, phân hóa vai trò, trách nhiệm của từng bị cáo, điều kiện, hoàn cảnh khi thực hiện hành vi phạm tội, cá thể hóa trách nhiệm số tiền đã thiệt hại, đồng thời có xem xét về nhân thân, đánh giá thái độ của các bị cáo trong suốt quá trình điều tra cũng như tại phiên tòa. Từ đó, đề xuất đến HĐXX áp dụng tội danh, mức hình phạt đối với các bị cáo, nhằm giúp HĐXX nghiên cứu đưa ra một bản án đảm bảo tính chính xác, có căn cứ, đúng người, đúng tội, đúng pháp luật và có tính giáo dục cao.

Cáo trạng của VKSND Tối cao truy tố là có căn cứ. Trong vụ án này tội phạm hoàn thành ngay khi DAB giải ngân xong các khoản vay cho các công ty và kéo dài đến khi vụ án bị phát hiện nên việc tính thiệt hại xảy ra theo kết quả điều tra và cáo trạng truy tố là có căn cứ theo quy định của pháp luật. Do đó, ý kiến bào chữa của các luật sư cho rằng thiệt hại được xác định khi phải khấu trừ đi giá trị tài sản bảo đảm, phong tỏa là không có căn cứ.

leftcenterrightdel
 Bị cáo Trần Phương Bình, Phùng Ngọc Khánh cùng 6 đồng phạm nghe HĐXX tuyên án.

Sau thời gian nghị án kéo dài, Hội đồng xét xử chính thức tuyên phạt bị cáo Trần Phương Bình 20 năm tù; tổng hợp hình phạt với Bản án 310/2019-HSPT ngày 7/6/2019 và Bản án 41/2022-HSPT ngày 14/1/2022 của TAND cấp cao tại TP HCM, buộc bị cáo phải chấp hành mức hình phạt tù chung thân; buộc hoàn trả số tiền hơn 51 tỉ đồng, khấu trừ vào số tiền bị cáo Phùng Ngọc Khánh phải bồi thường cho DAB.

Tuyên phạt Phùng Ngọc Khánh, Chủ tịch Hội đồng quản trị kiêm Tổng giám đốc Công ty cổ phần M&C 19 năm tù; tổng hợp hình phạt với Bản án 41, buộc bị cáo phải chấp hành mức hình phạt 30 năm tù. Tuyên buộc Phùng Ngọc Khánh có nghĩa vụ bồi thường toàn bộ số tiền thiệt hại hơn 5.518 tỉ đồng cho DAB. 

HĐXX tuyên phạt Nguyễn Đức Tài (cựu Giám đốc DAB Sở Giao dịch) 7 năm tù, tổng hợp hình phạt với Bản án 41 buộc bị cáo phải chấp hành mức hình phạt 27 năm tù; tuyên phạt Nguyễn Chí Công (cựu Phó Phòng tín dụng DAB Sở Giao dịch) 5 năm tù, tổng hợp hình phạt với bản án trước buộc chấp hành mức hình phạt là 9 năm tù; tuyên phạt Nguyễn Thị Ngọc Vân (cựu Phó Tổng giám đốc DAB) 1 năm 6 tháng tù, tổng hợp hình phạt với Bản án 41 buộc bị cáo phải chấp hành mức hình phạt 5 năm 6 tháng tù; tuyên phạt Nguyễn Văn Thuận (cựu Phó Giám đốc DAB Sở giao dịch) 1 năm 6 tháng tù, tổng hợp hình phạt với Bản án 310 buộc bị cáo phải chấp hành mức hình phạt 16 năm 6 tháng tù.

Tuyên phạt bị cáo Vũ Thị Thanh Hoa (cựu Trưởng phòng tín dụng khách hàng doanh nghiệp) 3 năm tù, Trần Hoài Ân (cán bộ Phòng tín dụng khách hàng doang nghiệp) 4 năm 6 tháng tù.

Đối với yêu cầu của bị hại trong vụ án là DAB buộc các thành viên HĐQT của các công ty phải liên đới bồi thường là không có căn cứ nên không có cơ sở để chấp nhận.

Nhóm PV