Phiên tòa xét xử vụ án “Vi phạm quy định về quản lý, sử dụng tài sản Nhà nước gây thất thoát, lãng phí; Thiếu trách nhiệm gây hậu quả nghiêm trọng” xảy ra tại Công ty cổ phần Gang thép Thái Nguyên (viết tắt là TISCO) tiếp tục với phần xét hỏi.

Tại phiên tòa, HĐXX cùng luật sư đặt nhiều câu hỏi đối với các cựu lãnh đạo, cán bộ của TISCO và VNS để làm rõ nội dung cáo buộc nêu trên. Đáng chú ý, lời khai giữa nhiều người đã bộc lộ sự mâu thuẫn.

Theo cáo trạng, sau khi ký kết hợp đồng với Công ty CP Gang thép Thái Nguyên (TISCO), Tập đoàn Khoa học công nghệ và thương mại luyện kim Trung Quốc (MCC) được tạm ứng 35,6 triệu USD.

Tuy nhiên, gần một năm sau, MCC vẫn chưa triển khai thi công bất kỳ hạng mục nào của gói thầu. Tập đoàn này còn đề nghị kéo dài thời gian, điều chỉnh giá hợp đồng tăng hơn 138 triệu USD.

leftcenterrightdel
Bị cáo trả lời thẩm vấn tại phiên xét xử.

Viện kiểm sát xác định, MCC đã vi phạm hợp đồng, những đề nghị của MCC cũng không có căn cứ, lẽ ra Tổng Công ty thép Việt Nam (VNS) và TISCO phải xem xét chấm dứt hợp đồng, thu hồi tiền tạm ứng và áp dụng điều khoản đối với nhà thầu Trung Quốc.

Tuy nhiên, những người có trách nhiệm tại VNS và TISCO thay vì thực hiện các việc cần làm thì lại chỉ đạo, bàn bạc, thống nhất để ký các văn bản đề nghị Bộ Công thương báo cáo Thủ tướng cho phép điều chỉnh chi phí hợp đồng. Đây chính là một trong những nguyên nhân khiến dự án chậm tiến độ, thiệt hại hàng trăm tỉ đồng.

leftcenterrightdel
 Các luật sư tham gia bào chữa cho 19 bị cáo.

Bị cáo Trần Trọng Mừng (cựu Tổng giám đốc TISCO) khai, ngay khi phát hiện MCC vi phạm hợp đồng, bản thân bị cáo thay mặt TISCO đã làm văn bản nhắc nhở, đốc thúc. TISCO cũng báo cáo sự việc lên VNS và Bộ Công thương, đề xuất dừng hợp đồng với MCC và phạt doanh nghiệp này nhưng khi đó nhận được chỉ đạo phải tìm mọi cách tháo gỡ khó khăn, đảm bảo tiến độ.

TISCO từng lên phương án kiện MCC ra tòa trọng tài quốc tế, điều này được thể hiện qua việc TISCO thuê một hãng luật của Singapore. Hãng luật này thay mặt chủ đầu tư trao đổi với MCC rằng, nếu không cải thiện sẽ phải chấm dứt hợp đồng, đồng thời đốc thúc MCC phải tăng tiến độ.

Ngược lại, Mai Văn Tinh (cựu Chủ tịch HĐQT VNS) nhiều lần khẳng định có biết MCC vi phạm hợp đồng nhưng không nhận được bất cứ văn bản hay báo cáo nào liên quan đến việc đề xuất chấm dứt hợp đồng với nhà thầu Trung Quốc.

Bị cáo Tinh khai, khi nhậm chức, lúc đó dự án rất bế tắc, bị cáo chỉ có tâm nguyện làm sao để sớm hoàn thành, vì đây là dự án trọng điểm nhà nước. Lúc ấy, không có ai có ý kiến về việc cần xem xét dừng hợp đồng với MCC, mà chỉ tập trung tìm giải pháp, cơ chế để giải quyết.

leftcenterrightdel
 Các bị cáo tại phiên xét xử.

Về việc giới thiệu Tổng Công ty xây dựng công nghiệp Việt Nam (VINAINCON) để thực hiện phần C trong hợp đồng EPC số 01#, bị cáo Mai Văn Tinh khai, vừa làm theo sự giới thiệu của cấp trên, vừa căn cứ vào văn bản của TISCO trình lên. Bị cáo Tinh cũng cho rằng, thẩm quyền chọn nhà thầu phụ thuộc về nhà thầu chính MCC chứ không phải của VNS.

Khai về việc thay đổi cơ cấu đầu tư, tăng chi phí phần C, bị cáo Mai Văn Tinh cho rằng, không làm tăng tổng vốn đầu tư mà chỉ điều chỉnh giá; đồng thời khẳng định, mọi việc liên quan đến dự án này, VNS không được tự quyết mà phải xin phép Bộ chủ quản là Bộ Công thương. Còn trách nhiệm trực tiếp quản lý dự án thuộc về TISCO.

Trong việc giới thiệu VINAINCON làm nhà thầu phụ thực hiện phần C thuộc hợp đồng EPC số 01#, bị cáo Mừng thừa nhận có trách nhiệm khi không thẩm định, điều tra mà tin vào sự giới thiệu của cấp trên và báo cáo của cấp dưới khi nói rằng đã khảo sát xong.

Cũng tại phiên xét xử, phân tích động cơ, mục đích của các bị cáo khi thực hiện hành vi phạm tội trong vụ án, các bị cáo khi trả lời câu hỏi của luật sư cho rằng, toàn bộ hành vi đã thực hiện trong vụ án đều có mục đích quyết tâm thực hiện bằng được dự án, tháo gỡ khó khăn và giải quyết việc làm cho người lao động của TISCO. Các bị cáo không có hiểu biết rằng các việc làm đó sẽ vi phạm pháp luật tại thời điểm thực hiện.

Ngày 16/6/2009, tại văn bản ký trước khi về hưu, Trần Trọng Mừng đề nghị chọn Tổng công ty Xây dựng Công nghiệp Việt Nam (VINAINCON), doanh nghiệp do Bộ Công thương sở hữu 82,75% vốn điều lệ, làm nhà thầu phụ và được phép điều chỉnh chi phí phần xây lắp.

Ngày 31/8/2009, người kế nhiệm là bị cáo Trần Văn Khâm ký Phụ lục điều chỉnh lần thứ tư của hợp đồng, giới thiệu VINAINCON với MCC, hẹn ngày ký hợp đồng ba bên và chấp nhận "nếu chi phí vượt thì phần tăng thêm sẽ do Chủ đầu tư (TISCO) chịu trách nhiệm thanh toán". Trần Văn Khâm đồng thời gửi tờ trình xin VNS điều chỉnh tăng vốn phần xây lắp hơn 15,6 triệu USD.

Một tháng sau, bị cáo Khâm cùng Tổng giám đốc VINAINCON và đại diện MCC chính thức ký hợp đồng thầu phụ ba bên. Lần thứ ba lãnh đạo TISCO chấp nhận đòi hỏi của nhà thầu Trung Quốc, với điều khoản ghi trong hợp đồng: "Nếu VINAINCON vi phạm, phải đảm bảo cho MCC miễn chịu trách nhiệm về bất cứ bồi thường tổn thất nào do vi phạm này gây ra".

Cáo trạng kết luận, những hành vi nêu trên của TISCO và VNS đã phá vỡ nguyên tắc hợp đồng trọn gói ký kết ban đầu với MCC, dẫn đến phải điều chỉnh cơ cấu và làm tăng tổng mức đầu tư. Việc này cũng gây bất lợi cho TISCO khi không ràng buộc được trách nhiệm MCC, tạo điều kiện cho nhà thầu này có lý do chối bỏ trách nhiệm.

 

Hà Nhân