7 bị cáo hầu toà, 3 bị hại có mặt
Sáng 20/1/2022, TAND TP Hà Nội mở phiên tòa xét xử cựu Giám đốc Bệnh viện Bạch Mai Nguyễn Quốc Anh và 7 đồng phạm về tội “Lợi dụng chức vụ, quyền hạn trong khi thi hành công vụ, xảy ra tại Bệnh viện Bạch Mai”.
Nhóm bị cáo từng là cán bộ, nhân viên thuộc Bệnh viện Bạch Mai gồm: Nguyễn Quốc Anh (cựu Giám đốc), Nguyễn Ngọc Hiền (cựu Phó giám đốc), Trịnh Thị Thuận (Kế toán trưởng, Trưởng phòng Tài chính kế toán), Lý Thị Ngọc Thủy (Phó trưởng Phòng tài chính kế toán).
Các bị cáo ở Công ty BMS: Phạm Đức Tuấn (Giám đốc), Ngô Thị Thu Huyền (Phó giám đốc) và các bị cáo ở VFS có Trần Lê Hoàng (nguyên Thẩm định viên), Phan Minh Dung (nguyên Tổng giám đốc). Các bị cáo trong vụ án cùng bị đưa ra xét xử về tội “Lợi dụng chức vụ, quyền hạn trong khi thi hành công vụ”.
|
|
Kiểm sát viên cao cấp Trần Thị Thanh Huyền và Kiểm sát viên trung cấp Hoàng Thị Dung thực hành quyền công tố và kiểm sát xét xử tại phiên tòa. |
Tại phiên tòa, bị cáo Lý Thị Ngọc Thủy có đơn xin xét xử vắng mặt do bị ốm và có giấy xác nhận của bệnh viện. Hội đồng xét xử đã chấp thuận đơn xin xét xử vắng mặt của bị cáo Thủy.
HĐXX đã triệu tập 37 bị hại nhưng có 3 người có mặt gồm: anh Nguyễn Đăng H. (SN 1974, ở Hà Nội, bệnh nhân), bà Phạm Thị L, (SN 1986, ở Nghệ An, có con trai bị mổ não) và anh Phạm Văn K.
Ngoài ra, Tòa án cũng triệu tập những người liên quan gồm: đại diện Bệnh viện Bạch Mai (3 người nhận ủy quyền), Công ty CP công nghệ Y tế BMS (nay là Công ty Năng lượng cuộc sống); Công ty CP Thẩm định giá VFS (vắng mặt) và một số người liên quan.
Mặc dù một số bị hại, người liên quan vắng mặt nhưng HĐXX xác định họ có đơn xin xét xử vắng mặt, đa số bị hại nhận bồi thường nên không ảnh hưởng đến quyền lợi. Do đó, HĐXX vẫn quyết định xét xử vụ án.
Đại diện Viện kiểm sát nhấn mạnh hành vi của từng bị cáo
Tại phiên xét xử, đại diện Viện kiểm sát công bố cáo trạng. Theo cáo trạng của VKSND tối cao, trong quá trình triển khai thực hiện đề án, ký hợp đồng liên doanh, liên kết tại Bệnh viện Bạch Mai, bị cáo Nguyễn Quốc Anh cùng các bị cáo khác đã lợi dụng chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn của mình thực hiện không đúng các quy định của pháp luật.
Bị cáo Trần Lê Hoàng, Phan Minh Dung đã cấp chứng thư thẩm định giá xác định giá Robot Rosa hỗ trợ phẫu thuật thần kinh sọ não 39 tỉ đồng trái quy định, tạo điều kiện cho Công ty Cổ phần Công nghệ y tế BMS tham gia liên doanh, liên kết với Bệnh viện Bạch Mai triển khai lắp đặt Robot Rosa với giá trị 39 tỉ đồng không đúng thực tế.
|
|
Các bị cáo nghe đại diện Viện kiểm sát công bố cáo trạng. |
Cụ thể, ngày 20/2/2017, Công ty VFS ban hành chứng thư thể hiện robot Rosa có giá 39 tỉ đồng. Tuy nhiên, 3 ngày sau, loại robot này mới được nhập khẩu từ Pháp với giá 7,4 tỉ đồng, bao gồm cả thuế.
Từ tháng 2/2017 đến tháng 5/2020, Bệnh viện Bạch Mai sử dụng Robot Rosa (liên kết với Công ty BMS) thực hiện phẫu thuật sọ não cho 639 ca bệnh, thu hơn 22,9 tỉ đồng. Bệnh viện Bạch Mai đã thanh toán chi phí liên quan 551 ca bệnh cho Công ty BMS.
Theo kết luận giám định, tiền phẫu thuật bằng Robot Rosa là hơn 6,6 triệu đồng/ca, Bệnh viện Bạch Mai và Công ty BMS thu hơn 23 triệu đồng/ca; hưởng chênh lệch hơn 16,5 triệu đồng/ca, gây thiệt hại cho người bệnh hơn 10 tỉ đồng.
Cũng theo nội dung cáo trạng, bị cáo Quốc Anh hưởng lợi hơn 331 triệu đồng. Bị cáo Nguyễn Ngọc Hiền hưởng lợi 150 triệu đồng; Trịnh Thị Thuận hưởng lợi 50 triệu đồng.
Viện Kiểm sát xác định, trong vụ án này, bị cáo Quốc Anh giữ vai trò chính, là người quyết định để Bệnh viện Bạch Mai và Công ty BMS ký hợp đồng liên doanh, liên kết.
Bị cáo Phạm Đức Tuấn giữ vai trò giúp sức tích cực, tạo điều kiện để cho Bệnh viện Bạch Mai được ký hợp đồng. Các bị cáo còn lại giữ vai trò đồng phạm thực hiện.
|
|
Các bị cáo tại phiên xét xử. |
Bị cáo Nguyễn Quốc Anh thừa nhận hành vi phạm tội
Là người đầu tiên trả lời thẩm vấn, bị cáo Nguyễn Quốc Anh thừa nhận hành vi phạm tội, tuy nhiên, bị cáo này cho rằng, cáo trạng có một số điểm chưa chính xác như cáo buộc bị cáo thông đồng với Phạm Đức Tuấn - Giám đốc Công ty công nghệ y tế BMS - để triển khai lắp đặt hệ thống robot trái quy định.
Cựu Giám đốc Bệnh viện Bạch Mai khai trước khi thực hiện đề án liên danh, liên kết, bị cáo không hề quen biết Tuấn. Đến tháng 5/2016, khi cấp dưới của bị cáo đưa Tuấn đến gặp, đề nghị việc mua hai hệ thống robot Rosa và robot Mako thì bị cáo mới biết Tuấn.
|
|
Bị cáo Nguyễn Quốc Anh, nguyên Giám đốc Bệnh viện Bạch Mai. |
Tuy nhiên, sau khi bị cáo thảo luận với các cán bộ khác ở bệnh viện, nhận thấy chi phí quá lớn nên thống nhất không mua. Dù vậy, bị cáo Quốc Anh vẫn mong muốn các khoa có được thiết bị này để cứu chữa cho người bệnh.
Bị cáo Quốc Anh phân trần: Tôi nghe cấp dưới trong viện kể từng sang Singapore để chữa trị ung thư, chi phí hết hơn 1 tỉ đồng, chưa kể tiền ăn ở. Nhưng nếu mang được 2 robot này về, mỗi bệnh nhân sẽ chỉ phải trả 150 triệu đồng, không phải sang nước ngoài điều trị.
Sau nhiều lần trao đổi, bị cáo Quốc Anh thống nhất với Công ty BMS về việc thực hiện đề án liên danh, liên kết. Bị cáo khẳng định, đã nhiều lần đưa chủ trương này ra các cuộc họp giao ban, trong đó có cuộc họp hội đồng khoa học bệnh viện.
Bị cáo Quốc Anh nhận trách nhiệm là người đứng đầu và khẳng định việc lắp đặt máy là để bệnh nhân không phải ra nước ngoài chữa bệnh, bản thân không vụ lợi, "hoàn toàn vì lợi ích của người bệnh cũng như bệnh viện".
Cựu Giám đốc Bệnh viện Bạch Mai cũng thừa nhận, vào các dịp lễ, Tết, Phạm Đức Tuấn có đến bệnh viện để chúc Tết Ban giám đốc, trong đó có bị cáo. Mỗi lần đến, Tuấn chúc Tết bằng 10-20 triệu đồng hoặc 1.000-2.000 USD.
Bị cáo Quốc Anh nói và cho hay, sau khi nhận thấy số tiền từ Tuấn là không chính đáng đã tự nguyện khắc phục. Cuối phần trình bày, bị cáo Quốc Anh cho rằng, vô cùng đau đớn khi phải đứng trước tòa.