Sáng nay (22/8), TAND TP Hà Nội đã mở phiên tòa xét xử sơ thẩm đối với 135 bị cáo vụ án trong đường dây cho vay lãi nặng do nhóm người Trung Quốc cầm đầu. Các bị cáo bị truy tố về các tội "Cho vay lãi nặng trong giao dịch dân sự"; "Trốn thuế"; "Cưỡng đoạt tài sản".

Phiên tòa được diễn ra dưới sự điều hành của thẩm phán Nguyễn Thanh Nhã - chủ tọa phiên tòa. VKSND TP Hà Nội phân công 3 Kiểm sát viên thực hành quyền công tố và kiểm sát xét xử tại phiên tòa. Dự kiến, phiên tòa sẽ được diễn ra trong 10 ngày.

leftcenterrightdel
 Các bị cáo tại phiên xét xử.

Theo cáo trạng, tháng 10/2017, Li Zhao Qiang (SN 1988, quốc tịch Trung Quốc) nhập cảnh vào Việt Nam, thuê máy chủ đặt tại Hồng Kông và tạo lập các app như “Cash Vn”, “Vaynhanhpro”… cho khách là người Việt Nam vay tiền, lấy lãi suất cao từ 43.000 đồng - 60.000 đồng/1 triệu/1 ngày (tương đương mức lãi suất từ 1.570% - 2.190%/năm) trên địa bàn TP Hà Nội và một số tỉnh, thành phố trên cả nước.

Để tổ chức hoạt động cho khách vay tiền, Li Zhao Qiang đã bàn bạc và thuê Nguyễn Quang Vũ (SN 1987, trú tại quận Ba Đình, Hà Nội) cùng nhiều đối tượng đứng tên thành lập, quản lý, điều hành một số công ty. Nguyễn Quang Vũ được giao làm Phó Giám đốc phụ trách, bên dưới là các trưởng bộ phận phụ trách từng mảng riêng biệt như: Phan Đức Diễn làm ở bộ phận điều hành, Trần Thị Hằng phụ trách bộ phận thẩm định khách vay…

Cùng với đó, Li Zhao Qiang cũng đưa Zhang Min (SN 1986), Liu Dan Yang (SN 1992) sang Việt Nam, tuyển dụng nhân viên làm việc tại các bộ phận mời chào (Telesale), thẩm định, nhắc và truy thu nợ. Mô hình hoạt động của nhóm này bao gồm “Công ty tổng” là Công ty TNHH Công nghệ Newstar Việt Nam và Công ty TNHH Dịch vụ thương mại Ngôi sao Việt, để điều hành mọi hoạt động của các công ty chi nhánh, trả lương cho nhân viên, phụ trách việc thẩm định toàn bộ hồ sơ vay của khách hàng.

Theo đó, Công ty Ngôi sao Việt là công ty trực tiếp giao dịch tiền cho vay qua các công ty trung gian thanh toán điện tử, trong đó chủ yếu là Công ty TNHH Công nghệ thông tin YooPay Việt Nam. Đây là công ty không được cấp phép hoạt động thanh toán trung gian tại Việt Nam mà được Li Zhao Qiang thành lập, đầu tư tiền rồi thuê đối tượng người Trung Quốc phụ trách kỹ thuật, lập trình hệ thống thanh toán điện tử, trong đó có hệ thống giải pháp “Chi hộ” và “Thu hộ”, thực hiện các hoạt động cho vay và thu tiền.

Ngoài ra, các công ty chi nhánh gồm: Công ty TNHH Phát triển tầm nhìn Metag, Công ty TNHH Dịch vụ CSKH DCS do Zhang Min được giao quản lý, có nhiệm vụ nhắc nhở, truy thu nợ, sử dụng các khoản thu nợ để duy trì hoạt động, trả lương cho nhân viên.

Quá trình điều tra xác định, để thực hiện hành vi phạm tội, Li Zhao Qiang nạp tiền vào các tài khoản ngân hàng của Công ty Ngôi sao Việt để làm vốn cho vay qua các app “Cash VN”, “Vay nhanh Pro”, “Ovay”… và để Vũ điều hành. Vũ giao cho Trần Thị Hằng phụ trách, quản lý, hướng dẫn điều hành 28 nhân viên chuyên mời chào khách vay. Khi có khách đồng ý vay, các nhân viên này hướng dẫn tải app và đăng ký tạo tài khoản, cung cấp các thông tin nhân thân, địa chỉ… Sau đó, bộ phận thẩm định xác thực lại thông tin và duyệt khoản vay. Nếu khách vay chậm trả tiền thì nhóm đối tượng làm việc tại 2 công ty do Zhang Min điều hành sẽ sử dụng các biện pháp thu nợ bằng cách dùng các số điện thoại khác nhau để nhắn tin, gọi điện chửi bới, đe dọa hoặc cắt ghép ảnh của khách vay và người thân trong danh bạ, đăng lên các trang mạng xã hội để bôi nhọ, gây sức ép.

Viện kiểm sát xác định, từ tháng 1/2019 đến ngày 24/5/2022, đường dây này đã thực hiện cho 120.780 khách hàng vay hơn 1.607 tỉ đồng với lãi suất cao để thu lời bất chính hơn 732 tỉ đồng. Trong số này, app “Vay nhanh pro” thu lợi hơn 177 tỉ đồng; app “Cash VN” hơn 547 tỉ đồng, app “Ovy” hơn 7,5 tỉ đồng.

Đối tượng chủ mưu, cầm đầu vụ án này là Li Zhao Qiang được xác định không có mặt tại Việt Nam, do đó, Cơ quan CSĐT Công an TP Hà Nội đã ra quyết định truy nã và phối hợp với Văn phòng Cơ quan CSĐT Bộ Công an để thực hiện các thủ tục truy nã quốc tế.

Trong phiên tòa sáng nay, sau phần thủ tục, HĐXX đã tiến hành kiểm tra căn cước của các bị cáo. Trong số 135 bị cáo có 28 bị cáo bị áp dụng biện pháp ngăn chặn tạm giam; 107 bị cáo được tại ngoại. Quá trình kiểm tra căn cước, một số bị cáo được tại ngoại có đơn xin xét xử vắng mặt có lý do, 2 bị cáo vắng mặt; 

Đến 11h45’, HĐXX đã kết thúc phần kiểm tra căn cước đối với các bị cáo và kiểm tra sự có mặt của những người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan theo giấy triệu tập của Tòa nhưng đa phần là vắng mặt; nhiều luật sư cũng vắng mặt.

Đại diện VKSND TP Hà Nội thực hành quyền công tố và kiểm sát xét xử tại phiên tòa nêu quan điểm, vụ án này đã từng bị hoãn xét xử một lần, về việc các bị cáo có đơn xin xét xử vắng mặt, do lời khai của các bị cáo đã có đầy đủ trong hồ sơ vụ án, sự vắng mặt của các bị cáo này không làm ảnh hưởng đến quá trình xét xử nên đề nghị HĐXX tiếp tục xét xử; Về việc 2 bị cáo và một số luật sư vắng mặt tại phiên tòa, đại diện Viện kiểm sát nêu quan điểm, vụ án này xét xử trong nhiều ngày, quá trình xét xử khi nào cần thiết đề nghị HĐXX triệu tập đến tòa. Do vậy, đại diện Viện kiểm sát đề nghị HĐXX tiếp tục làm việc.

Sau khi hội ý, HĐXX quyết định tiếp tục xét xử đối với các bị cáo. Do thời gian làm việc của buổi sáng đã hết, HĐXX tuyên bố kết thúc thời gian làm việc buổi sáng. 14h chiều cùng ngày, HĐXX tiếp tục làm việc.

Hồng Nguyên