Vụ án “Tranh chấp về hôn nhân và gia đình” giữa ông Đặng Lê Nguyên Vũ và bà Lê Hoàng Diệp Thảo đã qua 2 cấp xét xử, bản án sơ thẩm số 291/2019/HNGĐ-ST ngày 27/3/2019 của TAND TP HCM và bản án phúc thẩm số 39/2019/HNGĐ-PT ngày 05/12/2019 của TAND cấp cao tại TP Hồ Chí Minh được tuyên, nhưng việc phân chia tài sản của cặp vợ chồng này vẫn chưa đi đến thống nhất.
Thông qua công tác kiểm sát việc giải quyết vụ án dân sự “Tranh chấp về hôn nhân và gia đình” giữa ông Vũ và bà Thảo, đại diện VKSND TP HCM và đại diện VKSND cấp cao TP HCM đã chỉ ra những vi phạm về tố tụng của các cấp tòa xét xử.
|
|
Bà Lê Hoàng Diệp Thảo và ông Đặng Lê Nguyên Vũ. |
Ngày 31/3/2020, Viện trưởng VKSND tối cao đã có Quyết định Kháng nghị Giám đốc thẩm số 08/QĐKNGĐT-VKS-DS đối với Bản án Hôn nhân gia đình phúc thẩm của TAND Cấp cao tại TP HCM.
Nội dung Quyết định kháng nghị của Viện trưởng VKSND tối cao một lần nữa nhấn mạnh về những vi phạm tố tụng của bản án. Theo đó, đề nghị HĐTP TAND tối cao xét xử giám đốc thẩm, hủy bản án hôn nhân gia đình phúc thẩm nêu trên và Bản án sơ thẩm số 291/2019/HNGĐ-ST của TAND TP HCM về phần hôn nhân và chia tài sản chung, giao hồ sơ cho TAND TP HCM xét xử sơ thẩm theo đúng quy định của pháp luật.
Trong quyết định kháng nghị dài 14 trang, VKSND tối cao cho rằng, cả hai phiên sơ thẩm và phúc thẩm do TAND TP HCM và TAND Cấp cao tiến hành đều có nhiều vi phạm tố tụng nghiêm trọng trong việc đưa thiếu người có quyền, nghĩa vụ liên quan vào vụ án, lấy kết quả thẩm định giá đã hết hiệu lực để giải quyết...
Kháng nghị cũng cho rằng, hai cấp toà đã để xảy ra ít nhất 7 sai sót, gây ảnh hưởng đến quyền lợi của hai bên, đặc biệt là phía bà Thảo.
VKSND tối cao cho rằng, quá trình giải quyết vụ kiện bà Thảo và ông Vũ nhiều lần thay đổi yêu cầu. Đến ngày 20/2/2019 cả hai đồng ý ly hôn, TAND TP HCM công nhận ly hôn. Bà Thảo sau đó kháng cáo xin đoàn tụ để có cơ hội được chăm sóc chồng và các con. Tại phiên toà phúc thẩm, ông Vũ không đồng ý.
Theo VKSND tối cao, tòa phúc thẩm tuyên giữ nguyên bản án sơ thẩm công nhận thuận tình ly hôn giữa bà Thảo và ông Vũ là không đúng. Nếu thấy có căn cứ cho ly hôn thì phải sửa án sơ thẩm "không chấp nhận yêu cầu của bà Thảo và chấp nhận yêu cầu phản tố của ông Vũ về quan hệ hôn nhân".
VKSND tối cao cũng cho rằng cả hai cấp tòa chưa đánh giá đúng công sức đóng góp của bà Thảo vào việc duy trì phát triển khối tài sản chung của hai vợ chồng tại Trung Nguyên. Vì thế, việc tòa chia cho ông Vũ sở hữu toàn bộ cổ phần và chia cho bà Thảo phần ít hơn 20% giá trị cổ phần trong tập đoàn là không đảm bảo quyền lợi của bà Thảo.
Kháng nghị cũng cho rằng, cơ sở để xác định giá trị tài sản chung của hai vợ chồng là không đúng pháp luật, song tòa án hai cấp vẫn sử dụng làm căn cứ chia tài sản chung, là ảnh hưởng đến quyền lợi các bên.
Cũng theo kháng nghị, còn nhiều thiếu sót khi thẩm định giá trị quyền sở hữu trí tuệ (giá trị thương hiệu) của các công ty thuộc Tập đoàn Trung Nguyên làm ảnh hưởng đến quyền lợi của bà Thảo.
Về bất động sản, theo kháng nghị, bà Thảo chỉ được "quản lý và sử dụng giá trị quyền sử dụng đất tại 7 bất động sản" là không phù hợp, mà phải tuyên "giao cho bà Thảo quyền sở hữu, quản lý, sử dụng" mới đúng pháp luật.
Với số tiền, vàng, ngoại tệ tại các ngân hàng, tòa hai cấp chấp nhận con số quy đổi của phía ông Vũ đưa ra là hơn 1.700 tỉ đồng, nhưng lại không đưa ra các căn cứ tính giá trị khối tài sản này. Theo kết quả xác định của phía ngân hàng, nhiều tài khoản đã được đáo hạn từ năm 2016 nhưng tòa xác định số tài sản này đều là tài sản chung của vợ chồng là không có cơ sở.
Tòa án giao cho bà Thảo sở hữu khối tài sản đã quy đổi này nhưng kết quả xác minh lúc xét xử thì số dư tại các tài khoản ngân hàng chỉ còn hơn 1,3 tỉ đồng. Việc này gây khó khăn cho quá trình thi hành án...
Theo hồ sơ vụ án, bà Thảo và ông Vũ sống với nhau hơn 20 năm, có 4 con chung. Năm 2015, bà Thảo đơn phương xin ly hôn. Sau 10 lần hòa giải bất thành, cuối tháng 3/2019, TAND TP HCM xử sơ thẩm, chấp thuận họ ly hôn. Bà Thảo được quyền nuôi dưỡng các con, ông Vũ cấp dưỡng mỗi năm 10 tỉ đồng tính từ năm 2013 đến khi các con học xong đại học.
Ngoài việc phân chia tài sản, bất động sản theo thoả thuận của hai bên, tòa tuyên ông Vũ được sở hữu 60%, nắm quyền điều hành Trung Nguyên và trả tiền cho bà Thảo đối với cổ phần bà sở hữu.
Bà Thảo sau đó kháng cáo xin đoàn tụ, ông Vũ đòi chia tài sản theo tỷ lệ 70/30, VKS kháng nghị hủy án.
Cuối năm 2019, TAND Cấp cao xử phúc thẩm tuyên y án sơ thẩm.
Bà Thảo đã làm đơn yêu cầu cấp giám đốc thẩm hủy toàn bộ bản án.
Trước đó, ông Vũ đã trả 2.000 tỉ đồng thi hành án cho phía bà Thảo, theo phán quyết của bản án phúc thẩm. Tuy nhiên, do bà Thảo không chấp nhận nên Cục thi hành án dân sự TP HCM đã gửi số tiền này vào Kho bạc nhà nước.
|