Theo luật sư Trần Xuân Tiền, sau khi Viện trưởng VKSND tối cao ban hành Quyết định kháng nghị giám đốc thẩm số 08, dư luận mong rằng, Hội đồng thẩm phán khi xem xét giám đốc thẩm phải hết sức công minh, trí tuệ và khách quan để sửa chữa những sai phạm, thiếu sót của bản án sơ thẩm, phúc thẩm, từ đó, ban hành bản án giám đốc thẩm có sức thuyết phục cao, làm mẫu mực cho các tòa án cấp dưới, tạo được sự  “tâm phục, khẩu phục” của đương sự và công luận xã hội.

leftcenterrightdel
Luật sư Trần Xuân Tiền. 

PV: Mới đây, Viện trưởng VKSND tối cao đã ban hành Quyết định kháng nghị giám đốc thẩm số 08  đối với vụ án “Tranh chấp về hôn nhân và gia đình” giữa ông Đặng Lê Nguyên Vũ và bà Lê Hoàng Diệp Thảo, chỉ ra hàng loạt vi phạm về tố tụng và nội dung của các cấp Toà án, đề nghị xét xử giám đốc thẩm, tạm đình chỉ thi hành án. Luật sư có bình luận gì về phán quyết của các cấp Toà và quyết định kháng nghị của Viện trưởng VKSND tối cao?

Luật sư Trần Xuân Tiền: Viện trưởng VKSND tối cao ban hành Quyết định kháng nghị là đúng pháp luật, kịp thời vì Tòa án hai cấp đã vi phạm nghiêm trọng trong thủ tục tố tụng và nội dung gây thiệt hại cho quyền, lợi ích hợp pháp của đương sự, gây bức xúc cho cả hai phía nguyên đơn, bị đơn. Các vi phạm được chỉ ra gồm có: Thứ nhất, tòa án hai cấp đều sử dụng chứng thư và kết quả định giá đã hết hiệu lực để làm cơ sở phân chia tài sản giữa bà Lê Hoàng Diệp Thảo và ông Đặng Lê Nguyên Vũ. Thứ hai, không đưa ngân hàng tham gia tố tụng với tư cách là người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan. Thứ ba, Tòa án phân chia tài sản chung không phù hợp với khoản 2, Điều 59, Luật Hôn nhân và gia đình. Thứ tư, Tòa án quyết định xác định căn cứ ly hôn chưa chính xác. 

Việc kháng nghị giám đốc thẩm đã thể hiện rõ vai trò quan trọng của Viện kiểm sát trong việc thực hiện quyền kiểm sát việc tuân thủ pháp luật của cơ quan tiến hành tố tụng, bảo đảm quyền và lợi ích hợp pháp của đương sự. Nhưng nhìn nhận lại, đáng lẽ với những vụ án phức tạp, nhạy cảm thì Tòa án cần hết sức thận trọng, quan tâm, nghiên cứu đánh giá một cách kỹ lưỡng. Việc Viện trưởng VKSND tối cao ban hành kháng nghị chỉ ra rất nhiều vi phạm tố tụng của Tòa án 2 cấp khiến dư luận (đặc biệt là cộng đồng doanh nghiệp) trở nên hoang mang, lo lắng, hoài nghi về chất lượng xét xử của Tòa án.

PV: Trong vụ án, liên quan đến việc định giá tài sản, có 6 tài khoản mang tên ông Lê Hoàng Văn nhưng bị TAND coi đó là tài sản chung vợ chồng ông Vũ, bà Thảo để đem chia khi phán quyết. Luật sư có thể phân tích về vi phạm này?

Luật sư Trần Xuân Tiền: Theo báo cáo của Ngân hàng, trong 23 tài khoản có các tài khoản là ngoại tệ, trong đó có 6 tài khoản mang tên ông Lê Hoàng Văn. Theo quy định của Luật Hôn nhân và gia đình, tài sản chung của hai vợ chồng bao gồm những tài sản do vợ chồng tạo ra từ thu nhập do lao động, hoạt động sản xuất, kinh doanh và những thu nhập hợp pháp khác của vợ chồng trong thời kỳ hôn nhân. Các tài khoản này đứng tên người thứ 3 và chưa có căn cứ xác định tiền trong các tài khoản đó là tài sản chung trong quá trình hôn nhân giữa ông Vũ, bà Thảo. Đồng thời, bà Thảo cũng đã khẳng định: “Đây không phải là tài sản riêng của mình và cũng không phải là tài sản chung của vợ chồng”. Bà đã nộp các chứng cứ cụ thể, các tài liệu xác minh thể hiện số tiền này đứng tên chủ tài khoản là ông Lê Hoàng Văn. Nhưng Tòa án không xác minh, triệu tập lấy lời khai của ông Văn cũng như của ông Vũ, bà Thảo để làm rõ nguồn gốc số tiền có trong 6 tài khoản này mà tiến hành chia tài sản chung là không phù hợp. 

leftcenterrightdel
Bà Lê Hoàng Diệp Thảo và ông Đặng Lê Nguyên Vũ (ảnh nhỏ) tại phiên tòa xét xử phúc thẩm.  

PV: Theo luật sư, những hậu quả pháp lý gì để lại đối với các cơ quan tố tụng cũng như cuộc sống của các đương sự sau quá trình tố tụng có nhiều sai phạm qua vụ án ly hôn đình đám của “đại gia” Trung Nguyên?

Luật sư Trần Xuân Tiền: Trước hết, việc có nhiều vi phạm tố tụng dẫn đến hậu quả như: có thể dẫn đến việc hủy bản án sơ thẩm và phúc thẩm về phần hôn nhân và chia tài sản chung, làm ảnh hưởng xấu đến uy tín của ngành Tòa án và làm mất niềm tin của người dân.

Về hậu quả pháp lý đối với các đương sự:  Đây là một trong những vụ án làm tốn khá nhiều giấy mực của báo chí vì tính chất phức tạp, khối tài sản lớn và tầm vóc của những doanh nhân làm chủ một trong những Tập đoàn cà phê lớn nhất Việt Nam. Xuất phát từ vụ án được coi là tâm điểm trên các mặt báo, mối quan hệ giữa hai bên, giữa cha mẹ và con cái lại càng trở nên xa cách, khó hàn gắn hơn. Khi vụ án phải giải quyết lại, ông Vũ, bà Thảo không tránh khỏi việc tiếp tục bị sức ép tâm lý bởi sự bao vây của dư luận, khiến một vụ án hôn nhân vốn muốn khép kín giữa hai bên lại trở nên quá công khai, ồn ào. Ngoài ra, những thông tin bên lề vụ việc cũng làm ảnh hưởng không nhỏ đến hoạt động sản xuất kinh doanh, giá trị thương hiệu của Tập đoàn Trung Nguyên.

PV: Để khắc phục những sai sót đó, bảo đảm pháp luật được thực thi nghiêm minh, quyền lợi của các bên đương sự được bảo đảm, các cơ quan tố tụng cần làm gì trong phiên toà giám đốc thẩm sắp tới?

Luật sư Trần Xuân Tiền: Trước thực trạng xét xử sơ thẩm, phúc thẩm dân sự có chất lượng không cao, khiến cho yêu cầu xử lý đơn kiến nghị và xét xử giám đốc thẩm đang tăng nhanh, thì vai trò xét xử giám đốc thẩm trong tố tụng dân sự ngày càng quan trọng.

Tôi cho rằng, việc xét đơn kiến nghị giám đốc thẩm và xét xử giám đốc thẩm cần được tiến hành khẩn trương hơn, chuẩn mực hơn, với những phân tích, lập luận có sức thuyết phục cao hơn, để sửa chữa, khắc phục những sai phạm của bản án sơ, phúc thẩm bị kháng nghị. Các ủy ban hay Hội đồng thẩm phán khi xét xử giám đốc thẩm phải hết sức công minh, trí tuệ và khách quan để sửa chữa những sai phạm, thiếu sót của bản án sơ, phúc thẩm, từ đó ban hành bản án giám đốc thẩm có sức thuyết phục cao, làm mẫu mực cho các tòa án cấp dưới, tạo được sự “tâm phục, khẩu phục” của đương sự và công luận xã hội.

Mặt khác, đối với những vụ án có tính chất phức tạp như vậy, Tòa án cấp sơ thẩm, phúc thẩm cần phân công những Thẩm phán giàu năng lực chuyên môn, kinh nghiệm, đạo đức để thụ lý giải quyết (tránh tình trạng phân công thẩm phán sắp về hưu để khi hủy án cũng không bị ảnh hưởng). Nên chăng, Tòa án các cấp cần tăng cường những Thẩm phán chất lượng về cấp sơ thẩm làm nền tảng, ra Bản án tâm phục khẩu phục, hạn chế kháng cáo, kháng nghị, giảm tải công tác xét xử phúc thẩm, giám đốc thẩm. Đồng thời, Viện kiểm sát cần nâng cao trách nhiệm trong việc kiểm sát việc tuân thủ pháp luật trong quá trình giải quyết vụ, việc dân sự, không để tình trạng khi chuẩn bị mở phiên tòa, HĐXX mới chuyển hồ sơ cho Viện kiểm sát nghiên cứu dẫn đến tình trạng bị động, không kịp thời phát hiện ra vi phạm tố tụng dẫn đến phải kháng nghị.

PV: Là chuyên gia pháp luật, trực tiếp tham gia nhiều vụ án dân sự, đặc biệt là án về hôn nhân, gia đình, Luật sư có đánh giá như thế nào về thực trạng xét xử các vụ án  về ly hôn, phân chia tài sản hiện nay? Những bất cập?

Luật sư Trần Xuân Tiền: Theo tôi, có thể nhận thấy một số bất cập trong quá trình giải quyết loại án này như:

Bất cập trong việc đánh giá tình trạng trầm trọng của hôn nhân trong trường hợp ly hôn theo yêu cầu của vợ hoặc chồng. Khi giải quyết các trường hợp cụ thể, với sự đa dạng của cuộc sống, thì mỗi cặp vợ chồng, mỗi vụ án ly hôn thường có mâu thuẫn cũng như hoàn cảnh không giống nhau. Trong khi đó, không có căn cứ rõ ràng để xác định thế nào là “làm cho hôn nhân lâm vào tình trạng trầm trọng, đời sống chung không thể kéo dài, mục đích hôn nhân không đạt được”, thế nào là hành vi “vi phạm nghiêm trọng” nên việc xem xét, đánh giá căn cứ trên là rất khó khăn, vướng mắc.

Khó khăn trong việc nhìn nhận, xem xét tỉ lệ phân chia tài sản chung. Về mặt nguyên tắc, Tòa án căn cứ khoản 2 Điều 59 Luật Hôn nhân và gia đình để chia tài sản trong hôn nhân. Tuy nhiên, việc đánh giá này vẫn còn mang tính chủ quan, duy ý chí của HĐXX, rất khó có thể đánh giá mức độ như thế nào là phù hợp với cả hai bên.

Công tác hòa giải đối với án ly hôn chưa thực sự được nâng tầm khi số lượng án ly hôn ngày càng nhiều, nếu Thẩm phán không tích cực hòa giải, hàn gắn sẽ dẫn đến tình trạng ly hôn tràn lan, số lượng án lại càng gia tăng. Hơn nữa, việc thu thập, đánh giá tài liệu, chứng cứ vẫn còn nhiều vi phạm khiến án bị hủy, sửa gây thiệt hại đến quyền lợi của đương sự. 

PV: Trân trọng cảm ơn luật sư!

Thông qua công tác kiểm sát việc giải quyết vụ án dân sự “Tranh chấp về hôn nhân và gia đình” giữa ông Vũ và bà Thảo, đại diện VKSND TP HCM và đại diện VKSND cấp cao TP HCM đã chỉ ra những vi phạm về mặt tố tụng của các cấp tòa xét xử.  Mới đây nhất, ngày 31/3/2020, Viện trưởng VKSND tối cao đã có Quyết định Kháng nghị Giám đốc thẩm số 08/QĐKNGĐT-VKS-DS đối với Bản án Hôn nhân gia đình phúc thẩm của TAND Cấp cao tại TP HCM. Nội dung Quyết định kháng nghị của Viện trưởng VKSND tối cao một lần nữa nhấn mạnh về những vi phạm tố tụng của bản án. Theo đó, đề nghị HĐTP TAND tối cao xét xử giám đốc thẩm, hủy bản án hôn nhân gia đình phúc thẩm nêu trên và Bản án sơ thẩm số 291/2019/HNGĐ-ST của TAND TP HCM về phần hôn nhân và chia tài sản chung, giao hồ sơ cho TAND TP HCM xét xử sơ thẩm theo đúng quy định của pháp luật.


PV (thực hiện)