Số tiền thực trong tài khoản của bà Thảo
Vụ án “Tranh chấp về hôn nhân và gia đình” giữa ông Đặng Lê Nguyên Vũ và bà Lê Hoàng Diệp Thảo đã trải qua 2 cấp xét xử, bản án sơ thẩm số 291/2019/HNGĐ-ST ngày 27/3/2019 của TAND TP HCM và bản án phúc thẩm số 39/2019/HNGĐ-PT ngày 05/12/2019 của TAND cấp cao tại TP Hồ Chí Minh được tuyên, nhưng giữa ông Vũ, bà Thảo vẫn chưa đi đến thống nhất về việc phân chia tài sản của vợ chồng.
Theo nội dung Bản án sơ thẩm số 291/2019/HNGĐ-ST ngày 27/3/2019 của TAND TP Hồ Chí Minh và Bản án phúc thẩm số 39/2019/HNGĐ-PT ngày 05/12/2019 của TAND cấp cao tại TP Hồ Chí Minh, khối tài sản chung của vợ chồng ông Vũ, bà Thảo, theo ước tính khoảng 8.400 tỉ đồng. Trong khối tài sản chung đó có số tài sản là các khoản tiền VNĐ, ngoại tệ, vàng... được gửi tại ngân hàng Xuất nhập khẩu Việt Nam (Eximbank).
|
|
Các bên liên quan nghe Tòa tuyên án. Ảnh: TH |
Theo nhận định của tòa án hai cấp, tỉ giá quy đổi ngân hàng trung bình thì số tiền này có giá trị hơn 1.764,6 tỉ đồng. Cũng theo nhận định của hai cấp tòa sơ thẩm và phúc thẩm, thì đây là số tiền bà Lê Hoàng Diệp Thảo gửi ngân hàng trong thời kỳ hôn nhân nên sẽ chia đôi số tiền trên theo công sức đóng góp của từng bên. Cả hai cấp tòa sơ thẩm và phúc thẩm đều đưa ra phán quyết giao toàn bộ số tiền tại các tài khoản ngân hàng trên cho bà Thảo.
Về nội dung này, theo quan điểm của VKSND TP Hồ Chí Minh, tại phiên tòa sơ thẩm ngày 20/2/2019, ông Chính, người đại diện theo ủy quyền của ông Vũ, xác định tổng số tiền yêu cầu phản tố vào ngày 20/2 là hơn 1.764,6 tỉ đồng. Tuy nhiên, Tòa án không yêu cầu bị đơn cung cấp căn cứ để tính ra số tiền trên và giá vàng tại thời điểm xét xử mà đã công nhận số tiền do bị đơn khai tại phiên tòa là chưa có căn cứ vững chắc.
Về nội dung này, theo quan điểm của VKSND cấp cao tại TP Hồ Chí Minh, theo đơn phản tố của ông Vũ vào ngày 18/7/2016, ông Vũ yêu cầu chia tiền vàng và ngoại tệ gửi tại các ngân hàng quy đổi là 2.470 tỉ đồng, tại phiên tòa sơ thẩm ông Vũ lại xác định là hơn 1.764,6 tỉ đồng. Tuy nhiên, căn cứ vào kết quả xác minh tại thời điểm xét xử sơ thẩm, số dư tại ngân hàng chỉ còn hơn 1,3 tỉ đồng nhưng Tòa không làm rõ nguồn gốc hình thành, số tiền sau đó được chuyển đi đâu, khoảng thời gian nào, sử dụng mục đích gì và hiện ai đang quản lí. Tòa án cấp phúc thẩm thì cho rằng số tiền là hơn 1.764,6 tỉ đồng là căn cứ vào kết quả cung cấp thông tin từ các ngân hàng và được các bên tham gia họp ngày 14/1/2019 khi Tòa mở phiên họp kiểm tra việc giao nộp, tiếp cận công khai chứng cứ và hòa giải được làm rõ. Nhận định trên là không phù hợp vì tại phiên tòa sơ thẩm, bà Thảo không đồng ý xét xử vì Thẩm phán chưa tiến hành hòa giải phần tiền, vàng, ngoại tệ nên bà không trình bày về nguồn gốc, đồng thời không cung cấp chứng cứ liên quan đến số tiền, vàng gửi tại các ngân hàng.
|
|
Vụ án “Tranh chấp về hôn nhân và gia đình” giữa ông Đặng Lê Nguyên Vũ và bà Lê Hoàng Diệp Thảo đã thu hút sự quan tâm của dư luận xã hội. |
Bên cạnh đó, theo yêu cầu của ông Vũ, Tòa án đã có Công văn số 6108/2018/QĐ-CCTLCC ngày 5/10/2018 yêu cầu Ngân hàng xuất nhập khẩu Việt Nam cung cấp số dư trong 23 tài khoản mang tên bà Thảo tại Ngân hàng. Theo báo cáo của Ngân hàng, ngày 15/10/2018 trong 23 tài khoản có các tài khoản là ngoại tệ, trong đó có 6 tài khoản mang tên Lê Hoàng Văn, nhưng Tòa án lại xác định số tiền trong 6 tài khoản này là tài sản chung của vợ chồng ông Vũ, bà Thảo. Vì vậy, Quyết định kháng nghị Giám đốc thẩm số 08 của Viện trưởng VKSND tối cao cho rằng, việc tòa án hai cấp sơ thẩm và phúc thẩm cho rằng 6 tài khoản tại Eximbank mang tên ông Lê Hoàng Văn là tài sản chung của vợ chồng ông Vũ, bà Thảo là chưa có cơ sở.
Cũng trong nội dung Quyết định kháng nghị Giám đốc thẩm số 08, của Viện trưởng VKSND tối cao, Tòa án hai cấp giao cho bà Thảo được sở hữu khối tài sản tiền, vàng, các loại ngoại tệ hiện nay nằm trong ngân hàng quy đổi thành số tiền hơn 1.764,6 tỉ đồng tại các ngân hàng trong khi kết quả xác minh tại thời điểm xét xử có số dư chỉ còn 1.312,6 tỉ đồng là chưa chính xác, không đúng với số tiền thực gửi tại ngân hàng, gây khó khăn cho việc thi hành án.
Tòa án hai cấp đã làm mất “quyền quản lý, sử dụng, sở hữu” bất động sản của bà Thảo?
Trong quá trình giải quyết vụ án, bà Thảo, ông Vũ đã thống nhất phân chia 13 bất động sản trị giá khoảng 726 tỉ đồng. Tòa nhận định, đây là tài sản chung vợ chồng, mỗi người được hưởng ½, giao những bất động sản hiện ai đang quản lý thì giao cho người đó quản lý, sử dụng, sở hữu nên Tòa án đã giao cho ông Vũ được quyền quản lý, sử dụng, sở hữu 6 khối tài sản hiện do ông Vũ đang quản lý, tổng giá trị bất động sản ông Vũ được hưởng là 350,7 tỉ đồng. Giao cho bà Thảo được quyền quản lý, sử dụng, sở hữu 7 khối tài sản hiện do bà Thảo đang quản lý, tổng giá trị bất động sản bà Thảo được hưởng là 375,7 tỉ đồng. Do bà Thảo nhận bất động sản có giá trị cao hơn nên phải thanh toán tiền chênh lệch cho ông Vũ. Việc Tòa án phân chia số bất động sản trên theo sự thỏa thuận giữa ông Vũ và bà Thảo là có căn cứ.
|
|
Rất nhiều cơ quan báo chí đến đưa tin về vụ ly hôn. Ảnh: Đ.T |
Tuy nhiên, đối với việc giao cho bà Thảo quyền được quản lý, sử dụng đất, Tòa án cấp phúc thẩm cho rằng: Bà Thảo và 4 người con đã được Bộ Nhập cư và Bảo vệ biên giới của Chính phủ Úc cấp thị thực định cư ngày 14/11/2014 theo loại thị thực kỹ năng kinh doanh- Tài năng kinh doanh. Do đó, theo Điều 7 và Điều 8 của Luật Nhà ở, Điều 186 Luật đất đai thì bản án sơ thẩm đã tuyên giao cho bà Thảo quản lý và sử dụng giá trị quyền sử dụng đất và sở hữu giá trị toàn bộ tài sản trên đất là có căn cứ, đúng pháp luật. Về bội dung này, VKSND cấp cao tại TP HCM cho rằng, việc Tòa án giải quyết như trên là không đúng vì bà Thảo có quốc tịch Australia, nhưng đồng thời vẫn còn quốc tịch Việt Nam, trước khi có quốc tịch Australia bà Thảo đã được cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất và Giấy chứng nhận quyền sở hữu nhà nên bà Thảo không phải là người mang quốc tịch nước ngoài đến mua nhà đất tại Việt Nam.
Tại nội dung của Quyết định kháng nghị giám đốc thẩm của Viện trưởng VKSND tối cao, thì Tòa án cấp sơ thẩm và Tòa án cấp phúc thẩm lại tuyên “Giao cho bà Lê Hoàng Diệp Thảo quản lý và sử dụng giá trị quyền sử dụng đất” tại 7 bất động sản nêu trên là không đúng, mà phải giao cho bà Thảo quyền sở hữu, quản lý, sử dụng mới đúng theo quy định của pháp luật. Bởi lẽ, bà Thảo không phải là người Việt Nam định cư ở nước ngoài mà bà Thảo vẫn có quốc tịch Việt Nam, vẫn là người Việt Nam. Việc bà Thảo sang Úc mở công ty để kinh doanh, được Chính phủ Úc cấp thị thực định cư cho bà Thảo, điều đó không phải bà Thảo mất quốc tịch chính theo quy định tại Điều 7, Điều 8 Luật Nhà ở và Điều 186 Luật Đất đai nên bà Thảo vẫn có quyền quản lý, sử dụng, sở hữu đối với 7 bất động sản nêu trên mà Tòa án đã giao cho bà Thảo.
Thông qua công tác kiểm sát việc giải quyết vụ án dân sự “Tranh chấp về hôn nhân và gia đình” giữa ông Vũ và bà Thảo, đại diện VKSND TP HCM và đại diện VKSND cấp cao TP HCM đã chỉ ra những vi phạm về mặt tố tụng của các cấp tòa xét xử. Mới đây nhất, ngày 31/3/2020, Viện trưởng VKSND tối cao đã có Quyết định Kháng nghị Giám đốc thẩm số 08/QĐKNGĐT-VKS-DS đối với Bản án Hôn nhân gia đình phúc thẩm của TAND Cấp cao tại TP HCM. Nội dung Quyết định kháng nghị của Viện trưởng VKSND tối cao một lần nữa nhấn mạnh về những vi phạm tố tụng của bản án. Theo đó, đề nghị HĐTP TAND tối cao xét xử giám đốc thẩm, hủy bản án hôn nhân gia đình phúc thẩm nêu trên và Bản án sơ thẩm số 291/2019/HNGĐ-ST của TAND TP HCM về phần hôn nhân và chia tài sản chung, giao hồ sơ cho TAND TP HCM xét xử sơ thẩm theo đúng quy định của pháp luật.
|