Phân chia khó hiểu?

Theo nội dung của bản án sơ thẩm số 291/2019/HNGĐ-ST ngày 27/3/2019 của TAND TP HCM và bản án phúc thẩm số 39/2019/HNGĐ-PT ngày 05/12/2019 của TAND cấp cao tại TP HCM, xác định khối tài sản chung của 2 vợ chồng ông Vũ, bà Thảo, theo ước tính khoảng 8.400 tỉ đồng. Trong khối tài sản chung có cổ phần của 7 Công ty thuộc tập đoàn Trung Nguyên. Các công ty gồm:  Công ty Cổ phần cà phê Trung Nguyên; Công ty cổ phần Trung Nguyên Franchinsing; Công ty TNHH Đầu tư Du lịch Đặng Lê; Công ty Cổ phần cà phê Hoà tan Trung Nguyên, Công ty cổ phần Tập đoàn Trung Nguyên, Công ty Cổ phần đầu tư Trung Nguyên, Công ty TNHH Vũ Nguyên Đắc Nông. Tòa án cấp sơ thẩm, phúc thẩm nhận định, giá trị khối cổ phần chung được định giá 5.737 tỉ đồng cấp tòa sơ thẩm và phúc thẩm khi xét xử đều đưa ra căn cứ, ông Vũ là người có công đóng góp rất lớn để hình thành nên khối tài sản chung. Ông Vũ cùng cha mẹ sáng lập ra Trung Nguyên từ năm 1996, ông Vũ luôn là người quản lý đại diện theo pháp luật của Trung Nguyên, đến cuối năm 1998 mới kết hôn với bà Thảo. Tòa cấp phúc thẩm nhận định, đây là tranh chấp tài sản sau li hôn, không phải tranh chấp giữa các thành viên trong công ty. Các cổ phần do ông Vũ, bà Thảo đứng tên trong các công ty thuộc Tập đoàn Trung Nguyên là tài sản chung vợ chồng. Vì vậy, Toà án áp dụng Điều 64  Luật Hôn nhân và Gia đình để phân biệt tài sản chung của vợ chồng vì phạm vi điều chỉnh, đối tượng áp dụng của Luật Hôn nhân và Gia đình khác với Luật Doanh nghiệp. 

Cũng theo nội dung các bản án, HĐXX nhận định, mâu thuẫn giữa bà Thảo không chỉ với ông Vũ mà với tất cả các cổ đông trong Tập đoàn Trung Nguyên rất trầm trọng, không thể có tiếng nói chung trong hợp tác, điều hành, tổ chức sản xuất kinh doanh. Điều này làm ảnh hưởng nghiêm trọng đến sự phát triển và tồn tại của Trung Nguyên, nếu bà Thảo vẫn tiếp tục là cổ đông của Trung Nguyên. Mặt khác, bà Thảo và gia đình đã thành lập doanh nghiệp riêng sản xuất sản phẩm cùng loại để cạnh tranh với chính sản phẩm của Trung Nguyên, nếu bà Thảo còn là cổ đông của Tập đoàn Trung Nguyên sẽ tiếp tục gây trở ngại cho Tập đoàn Trung Nguyên. 

leftcenterrightdel
Bà Lê Hoàng Diệp Thảo và ông Đặng Lê Nguyên Vũ tại phiên tòa xét xử phúc thẩm.  

Bởi các lẽ trên, HĐXX cấp sơ thẩm và phúc thẩm đều nhận định: Nếu chia cổ phần cho cả hai đương sự trong Tập đoàn Trung Nguyên sẽ gây ảnh hưởng nghiêm trọng đến hoạt động bình thường của doanh nghiệp, do đó cần thiết phải chia cho ông Đặng Lê Nguyên Vũ sở hữu toàn bộ cổ phần của hai vợ chồng trong các doanh nghiệp trong Tập đoàn Trung Nguyên và trả chênh lệch tài sản cho bà Thảo, phù hợp với quy định tại điểm c, khoản 2, Điều 59 Luật Hôn nhân và Gia đình và hướng dẫn tại điểm c, khoản 4, Điều 7 Thông tư liên tịch 01/2016 ngày 6/1/2016 của TAND tối cao - VKSND tối cao - Bộ Tư pháp.

HĐXX cũng cho rằng, việc phân chia như vậy  sẽ tạo điều kiện để bà Thảo đầu tư vào thương hiệu cà phê mới, như vậy mới giải quyết dứt điểm tranh chấp, để cho doanh nghiệp là Tập đoàn cà phê Trung Nguyên phát triển mạnh mẽ, giúp cho các đương sự một cuộc sống mới ổn định và  hạnh phúc bền vững. Do đó, phán quyết của Tòa giao toàn bộ cổ phần của bà Thảo và ông Vũ trong Tập đoàn Trung Nguyên cho ông Vũ sở hữu. Đồng thời, ông Vũ phải có tránh nhiệm thanh toán chênh lệch tài sản cho bà Thảo là 1.223 tỉ đồng.

Cách phân chia của Tòa án cấp sơ thẩm, phúc thẩm đã tạo ra nghi vấn khó hiểu, theo kháng cáo của bà Thảo thì hai bản án trên đã áp dụng trái pháp luật về cách chia cổ phần chung của ông Vũ và bà Thảo tại Tập đoàn Trung Nguyên. Theo quan điểm của VKSND TP HCM thì việc tính giá trị tài sản của cổ phần chung trong Tập đoàn Trung Nguyên là chưa đúng, việc phân chia cổ phần không phù hợp quy định của pháp luật, không đảm bảo quyền lợi cho các đương sự.

Thẩm định giá không đúng, căn cứ nào để chia tài sản hiện vật, nhận giá trị?

Trở lại thời điểm diễn biến phiên tòa xét xử sơ thẩm vụ án “Hôn nhân và gia đình” giữa ông Vũ và bà Thảo vào tháng 2/2019, các đương sự yêu cầu Tòa cấp sơ thẩm thành lập Hội đồng định giá tài sản. Tòa án đã ra quyết định thành lập Hội đồng định giá tài sản, với Chủ tịch Hội đồng là đại diện Sở Tài chính TP HCM. Ngày 11/01/2018, Sở Tài Chính TP HCM có Công văn số 249/STC-BVG, nội dung cho rằng cần phải thẩm định giá tài sản trước khi định giá. Tuy nhiên, sau đó Tòa án cấp sơ thẩm lại sử dụng các chứng thư và báo cáo định giá của công ty TNHH thẩm định giá Sài Gòn về giá trị của Tập đoàn Trung Nguyên mà không tiếp tục thực hiện việc định giá bằng Hội đồng định giá . Tiếp đó, nhiều báo cáo tài chính năm của các công ty không được kiểm toán song cấp sơ thẩm và phúc thẩm vẫn căn cứ vào kết quả thẩm định giá các công ty trên của Công ty TNHH thẩm định giá Sài Gòn để giải quyết vụ án. 

Trước những sai sót về việc chia cổ phần cho các đương sự khi việc thẩm định giá tài sản là cổ phần chung tại Tập đoàn Trung Nguyên không đúng theo quy định của pháp luật, ngày 31/3/2020, Viện trưởng VKSND tối cao đã có Quyết định số 08/QĐKNGĐT-VKS-DS Quyết định Kháng nghị giám đốc thẩm đối với Bản án Hôn nhân gia đình phúc thẩm số 39/2019/HNGĐ-PT của TAND cấp cao tại TP Hồ Chí Minh.

Nội dung Kháng nghị số 08 nhấn mạnh, theo quy định thì giá trị tài sản chung của vợ, chồng, tài sản riêng của vợ chồng được xác định theo giá thị trường tại thời điểm xét xử sơ thẩm vụ án. Tuy nhiên, tại các chứng thư thẩm định giá đều nêu rõ cơ sở thẩm định giá được xác định theo giá trị phi thị trường, nhưng tòa án cấp sơ thẩm và phúc thẩm vẫn sử dụng kết quả thẩm định giá trên làm cơ sở để chia tài sản chung của bà Thảo và ông Vũ là không đúng, ảnh hưởng đến quyền lợi của các bên. Hơn nữa, Công ty TNHH thẩm định giá Sài Gòn chưa thẩm định giá trị quyền sở hữu trí tuệ (giá trị thương hiệu) của các công ty trên là thiếu sót, nhưng tòa án cấp sơ thẩm và phúc thẩm vẫn sử dụng kết quả thẩm định giá trên để làm cơ sở để chia tài sản chung của bà Thảo và ông Vũ là không đúng, làm ảnh hưởng đến quyền lợi của bà Thảo khi bà Thảo không được nhận hiện vật.

Theo nội dung kháng nghị giám đốc thẩm của  Viện trưởng VKSND tối cao, theo quy định của pháp luật, báo cáo tài chính được sử dụng trong thẩm định giá doanh nghiệp bao gồm: Báo cáo tài chính năm, báo cáo tài chính năm được kiểm toán, báo cáo tài chính giữa niên độ, báo cáo tài chính giữa niên độ được soát xét, báo cáo tài chính tại thời điểm thẩm định giá được kiểm toán. Tuy nhiên, các chứng thư và báo cáo kết quả thẩm định giá của Công ty TNHH thẩm định giá Sài Gòn đối với các công ty thuộc tập đoàn Trung Nguyên lại dựa vào các báo cáo tài chính chưa được kiểm toán (?!).

Vì vậy, tòa cấp sơ thẩm và phúc thẩm vẫn căn cứ vào kết quả thẩm định giá các công ty thuộc Tập đoàn Trung Nguyên khi không có một số báo cáo tài chính năm được kiểm toán do Cty TNHH thẩm định giá Sài Gòn thẩm định để giải quyết vụ án là không đúng. Dẫn đến, việc tòa giao cho ông Vũ sở hữu toàn bộ số cổ phần tại 7 công ty và trả chênh lệch tài sản cho bà Thảo là không phù hợp vì cổ phần và giá trị thương hiệu chưa được định giá đúng.

Chưa bảo đảm quyền lợi của bà Thảo về quyền được kinh doanh

Theo nội dung vụ án và diễn biến tại các phiên tòa xét xử sơ thẩm và phúc thẩm, các bên thừa nhận trước khi ông Vũ kết hôn với bà Thảo, ông Vũ và một số người bạn đã kinh doanh cà phê. Tuy nhiên, sau khi kết hôn với bà Thảo, việc kinh doanh của ông Vũ bắt đầu có sự phát triển và hình thành tập đoàn Trung Nguyên hiện nay. Bà Thảo đã nhiều lần tham gia điều hành hoạt động của Tập đoàn Trung Nguyên. Nhưng tòa cấp sơ thẩm, phúc thẩm xem xét việc tạo lập, duy trì và phát triển khối tài sản chung của vợ chồng là cổ phần trong Tập đoàn Trung Nguyên chia cho ông Vũ phần nhiều hơn, chia cho bà Thảo ít hơn ông Vũ 20% giá trị cổ phần trong Tập đoàn Trung Nguyên.

Ngoài ra, cổ đông còn có các quyền quản trị công ty, quyền tài sản đối với cổ phần, quyền được chia cổ tức, quyền được thông tin, kiểm soát trong công ty, nếu giao cho ông Vũ sở hữu toàn bộ cổ phần tại 7 công ty, giao giá trị cho bà Thảo là đã tước mất quyền của bà Thảo theo quy định tại Điều 110, Điều 119 Luật Doanh nghiệp 2014.

Đồng thời, theo quy định tại khoản 3, Điều 59 Luật Hôn nhân và gia đình, tài sản chung của vợ chồng được chia bằng hiện vật, nếu không chia được bằng hiện vật thì chia theo giá trị. Rõ ràng, cổ phần trong các công ty là tài sản chia được bằng hiện vật. Trong khi, quá trình giải quyết vụ án bà Thảo luôn có yêu cầu được nhận bằng hiện vật là cổ phần và phần vốn góp tại các công ty để thực hiện việc kinh doanh, vì bà Thảo là doanh nhân, Tòa án cấp sơ thẩm, phúc thẩm không xem xét đánh giá toàn diện về số cổ phần, phần vốn góp và nhu cầu sử dụng của đương sự mà chia toàn bộ cổ phần, phần vốn góp cho ông Vũ, giao bà Thảo bằng giá trị là không đúng, chưa bảo đảm quyền lợi của bà Thảo về quyền được kinh doanh theo quy định của pháp luật. 

 Luật sư, đại biểu Quốc hội Trương Trọng Nghĩa: 

Giới doanh nhân không hiểu Toà án căn cứ vào quy định nào để “đè” ra chia tiền chứ không phải chia cổ phần dù cổ phần là hiện vật chia được. Ở đây là sở hữu cổ phần, bà Thảo đang là cổ đông. Toà án không có một cơ sở pháp lý nào để nói chia xong thì bà Thảo phải bỏ hết cổ phần, nhận tiền rồi ra khỏi công ty. Toà không dựa vào luật nào để làm việc đó cả”. Cũng theo ông Nghĩa, những sai sót trong án dân sự gây nên những hậu quả khủng khiếp. Nhiều khi người ta bị mất tiền vì một bản án dân sự, nhưng sự phẫn nộ, bức xúc còn quan trọng hơn số tiền ấy. Người ta không tâm phục, khẩu phục và cho rằng có vấn đề trong xét xử.


Luật sư Từ Ngọc Trấn Đông: 

Đáng lí, Toà án cấp sơ thẩm phải nhìn nhận việc kiện tụng của các bên là nhằm bảo vệ quyền lợi, lợi ích hợp pháp cho đương sự, Toà án là nơi đem lại công lí, xét xử theo pháp luật và lẽ công bằng. Với nhận định mang tính chất chủ quan, duy ý chí, Toà sơ thẩm đã cho rằng việc chia cổ phần, phần vốn góp cho ông Vũ là 60%,  bà Thảo là 40% là không phù hợp với các tình tiết chưa được chứng minh, làm rõ, không thể hiện tính công bằng và các nguyên tắc khi phân chia tài sản chung vợ chồng, không định rõ quy tắc nào để xác định tỉ lệ phần trăm. 

Toà án không thể cho rằng việc một doanh nghiệp được điều hành bởi người này hoặc người kia là giúp phụng sự nhiều hơn cho xã hội, tạo thêm thu nhập. Toà nên căn cứ quy định pháp luật để nhận định sự vụ có hợp tình hợp lý không, chứ không phải là suy đoán về sự kiện để ra phán quyết. Nhận định của Toà như vậy đã dẫn đến việc không khách quan, chưa xem xét đánh giá công sức quản lý của bà Thảo trong suốt quá trình xây dựng Tập đoàn Trung Nguyên, chưa đánh giá toàn diện về cổ phần, phần vốn góp và nhu cầu sử dụng thực chất của các bên mà đã chia toàn bộ cổ phần, phần vốn góp cho ông Vũ, giao cho bà Thảo bằng giá trị là không bảo đảm quyền lợi của bà Thảo về quyền được kinh doanh theo quy định pháp luật.

(còn nữa)

Hà Nhân