|
|
Kiểm sát viên thực hành quyền công tố và kiểm sát xét xử tại phiên toà. (Ảnh:TTBC)
|
Ngày 11/3/2024, Hội đồng xét xử (HĐXX) TAND TP Hồ Chí Minh tiếp tục phiên tòa xét xử bị cáo Trương Mỹ Lan cùng 85 bị cáo khác xảy ra tại Tập đoàn Vạn Thịnh Phát, Ngân hàng TMCP Sài Gòn (SCB) và các tổ chức có liên quan.
Theo đó, vào sáng cùng ngày, trong phần xét hỏi của HĐXX bị cáo Trương Mỹ Lan cho rằng mình chỉ nắm 4,9% cổ phần SCB, hai con gái của bà nắm giữ mỗi người gần 5%. Tất cả thành viên trong gia đình bà nắm giữ dưới 15%, bạn bè ở nước ngoài 30% và của bạn bè ở Việt Nam 30%. Bị cáo Lan phủ nhận nội dung “không có vị trí nhưng nắm giữ 91% cổ phần Ngân hàng SCB" như cáo trạng truy tố.
|
|
Bị cáo Trương Mỹ Lan tại phiên tòa xét xử. (Ảnh: Hoàng Giang) |
Đến đầu giờ chiều, bước vào phần xét hỏi của đại diện Viện kiểm sát, các bị cáo được hỏi đã trình bày lời khai. Theo đó, từ những lời khai này đã vạch rõ sự xảo biện của bị cáo Trương Mỹ Lan khi cho rằng chỉ nắm giữ 4,9% cổ phần Ngân hàng SCB.
Bị cáo Trương Khánh Hoàng (quyền Tổng giám đốc ngân hàng SCB) là bị cáo được đại diện Viện kiểm sát xét hỏi đầu tiên khai, bị cáo biết được Trương Mỹ Lan là chủ thực sự và là người điều hành của Ngân hàng SCB. Căn cứ vào thời điểm tháng 9/2019 khi vào làm việc tại ngân hàng được bị cáo Lan dẫn vào các cuộc họp với các lãnh đạo SCB. Ngoài bà Lan, theo bị cáo Hoàng thì Trương Huệ Vân cũng gọi điện thoại trực tiếp cho bị cáo Hoàng để truyền đạt ý kiến chỉ đạo của bà Lan.
Cùng với đó, trên thực tế Trương Mỹ Lan là người quyết định cho bị cáo được bổ nhiệm phó Tổng giám đốc rồi quyền Tổng giám đốc Ngân hàng SCB. "Khi đó Trương Mỹ Lan nói bị cáo gặp Võ Tấn Hoàng Văn (Tổng giám đốc SCB) để được sắp xếp vị trí. Ngoài bị cáo thì còn có Trần Thị Mỹ Dung cũng được Trương Mỹ Lan sắp xếp bổ nhiệm", Hoàng khai.
|
|
Bị cáo Trương Khánh Hoàng (quyền Tổng giám đốc Ngân hàng SCB) tại phiên tòa xét xử. (Ảnh:TTBC) |
Khi được Viện kiểm sát hỏi về việc rút tiền ra khỏi SCB, Hoàng khai trước khi Trương Mỹ Lan cần tiền thì sẽ họp với lãnh đạo SCB và chỉ đạo bị cáo là đầu mối để lập hồ sơ, tài sản đảm bảo và số tiền cần giải ngân. Trong số những lần cần rút tiền thì một phần sẽ tổ chức các cuộc họp, một phần Trương Mỹ Lan gọi điện riêng cho bị cáo để chỉ đạo. Ngoài ra, trong một số cuộc họp của ngân hàng SCB còn có sự có mặt của Trương Huệ Vân (Tổng giám đốc Tập đoàn Vạn Thịnh Phát) tham gia.
Khai về cách thức Trương Mỹ Lan chuyển tiền ra nước ngoài, Trương Khánh Hoàng cho biết bản thân là quyền Tổng giám đốc nên bị cáo đã phê duyệt nhiều lệnh chuyển tiền ra nước ngoài để thanh toán mua cổ phần của các Công ty nước ngoài và chuyển tiền đặt cọc để mua tài sản ở nước ngoài cho Trương Mỹ Lan. Sau đó, là làm thủ tục hủy cọc, từ đó số tiền gối đầu qua các lần chuyển ra nước ngoài là rất lớn. Cạnh đó, bị cáo còn phê duyệt nhiều lệnh chuyển tiền để thanh toán các khoản tiền trong thẻ tín dụng khi Trương Mỹ Lan đi nước ngoài.
Tại phiên tòa, đại diện Viện kiểm sát công bố lời khai trước đó của bị cáo Hoàng: "Trong quá trình tôi làm việc tại SCB, tôi biết chị Lan lấy tiền đầu tư vào một số tài sản của đối tác nước ngoài ở Việt Nam bằng hình thức đặt cọc, tài sản có giá trị nhỏ nhưng số tiền đặt cọc lớn hơn nhiều...
Sau khi chuyển tiền ra nước ngoài, chị Lan sẽ dùng tài sản để đầu tư dự án, sau đó tài sản sẽ được thế chấp vay tiền ở nước ngoài. Tiền vay này được chuyển về để hủy giao dịch đặt cọc ban đầu tại Việt Nam, nhưng số tiền sẽ ít hơn rất nhiều. Nhiều lần gối đầu như vậy, chị Lan giữ lại số tiền rất lớn ở nước ngoài".
Bị cáo Hoàng sau đó xác nhận và khẳng định lời khai khách quan.
|
|
Bị cáo Bùi Anh Dũng (Chủ tịch HĐQT Ngân hàng SCB) tại phiên tòa. (Ảnh: TTBC) |
Bị cáo Bùi Anh Dũng (Chủ tịch HĐQT Ngân hàng SCB) khai biết Trương Mỹ Lan là người quyết định nhân sự cấp cao của ngân hàng SCB, trên sổ sách thì Trương Mỹ Lan chiếm khoảng 4,9% cổ phần nhưng bản thân bị cáo Dũng phỏng đoán bà Lan nắm số lượng lớn cổ phần nhưng không biết là bao nhiêu.
Đại diện Viện kiểm sát hỏi bị cáo Võ Tấn Hoàng Văn (Tổng Giám đốc Ngân hàng SCB) “Ai là người quyết định hoạt động của SCB trong đó có việc quyết định nhân sự của SCB”?.
Bị cáo Văn khai, trước khi vào làm việc cho SCB thì không biết Trương Mỹ Lan là ai, sau đó được Nguyễn Thị Thu Sương trực tiếp phỏng vấn, Sương cùng với Đinh Văn Thành giới thiệu bị cáo đến gặp Trương Mỹ Lan và được giới thiệu Lan là cổ đông lớn của ngân hàng. Sau khi trình bày, bị cáo Văn chốt lại bản thân được làm Tổng giám đốc là có ý kiến của Trương Mỹ Lan.
Từ những lời khai của các bị cáo từng nắm chức vụ cao tại Ngân hàng SCB, cùng với tài liệu, hệ thống chứng cứ trong quá trình điều tra, truy tố cho thấy cáo trạng của Viện kiểm sát cáo buộc bị cáo Trương Mỹ Lan “mặc dù không giữ chức vụ trong Ngân hàng SCB nhưng luôn nắm giữ cổ phần chi phối (từ 85% đến 91,5% tổng số cổ phần ngân hàng SCB) nên Trương Mỹ Lan là người thực tế có "quyền lực" cổ đông chi phối, chỉ đạo, điều hành mọi hoạt động của Ngân hàng SCB ngay từ khi hợp nhất 3 ngân hàng tư nhân đến khởi tố vụ án" là hoàn toàn có cơ sở.