Ngày 15/12 phiên tòa xét xử vụ án sai phạm xảy ra tại Tổng Công ty Nông nghiệp Sài Gòn (SAGRI) chuyển sang phần đối đáp giữa đại diện Viện kiểm sát với luật sư bào chữa.

Đại diện cơ quan công tố phát biểu rằng “cảm thấy rất kỳ lạ” khi trong vụ án này các bị cáo cấp dưới đều thừa nhận hành vi phạm tội của mình, trong khi những bị cáo vốn là lãnh đạo lại quanh co chối tội, thậm chí đổ tội cho thuộc cấp của mình hoặc cho các bị cáo khác.

leftcenterrightdel
 Đại diện Viện kiểm sát tham gia tố tụng

Tại tòa, một lần nữa Viện kiểm sát khẳng định lại các cáo buộc trong Cáo trạng là hoàn toàn chính xác, đúng pháp luật nên không có căn cứ để chấp nhận quan điểm bào chữa của các luật sư.

Đối đáp với quan điểm bảo vệ cho các bị cáo phạm tội “Vi phạm quy định về quản lý, sử dụng tài sản Nhà nước gây thất thoát, lãng phí”, Kiểm sát viên tham gia thực hành quyền công tố tại tòa trình bày các căn cứ phản bác toàn bộ các vấn đề đã được các luật sư và bị cáo Trần Vĩnh Tuyến, Trần Trọng Tuấn nêu ra.

Liên quan đến nhận định việc chuyển nhượng dự án không bao gồm việc chuyển nhượng quyền sử dụng đất nên không phải định giá, đấu giá để cho rằng bị cáo Trần Vĩnh Tuyến không làm sai quy định, đại diện Viện kiểm sát lập luận việc chuyển nhượng bất động sản trong trường hợp này phải được hiểu là đất và cơ sở hạ tầng gắn liền với đất. Xét về mặt giá trị của dự án thì đó là giá trị quyền sử dụng đất, vốn góp của các bên, hay chính là các chi phí hình thành nên cơ sở hạ tầng trên đất.

leftcenterrightdel
 Kiểm sát viên đối đáp

Trong trường hợp này SAGRI và Tổng Công ty Phong Phú tiến hành hoạt động chuyển nhượng dự án bất động sản gắn liền với chuyển nhượng quyền sử dụng đất và không phải lập thành hợp đồng chuyển nhượng quyền sử dụng đất riêng. Giám định viên Bộ Tài chính cũng kết luận đây là chuyển nhượng dự án bất động sản kèm theo chuyển nhượng quyền sử dụng đất và vốn của doanh nghiệp Nhà nước ra bên ngoài nên lập luận của luật sư là thiếu căn cứ. Chính từ Quyết định 6077 và hợp đồng chuyển nhượng dự án nêu trên mà Văn phòng đăng ký đất đai đã đăng ký biến động quyền sử dụng đất thành công sang tên Tổng Công ty Phong Phú.

leftcenterrightdel
 Bị cáo Trần Vĩnh Tuyến tại tòa

Đối với đánh giá Cáo trạng chưa xem xét toàn diện bối cảnh, giới hạn trách nhiệm được phân công, hành vi khách quan và nhận thức chủ quan của ông Trần Vĩnh Tuyến khi ký Quyết định 6077, Viện kiểm sát chứng minh tại Tờ trình của Văn phòng UBND thành phố có ghi nhận ý kiến của Sở Tài chính và Chi cục Tài chính doanh nghiệp thành phố về việc SAGRI là doanh nghiệp 100% vốn nhà nước, và hoạt động của doanh nghiệp này phải tuân thủ các quy định của pháp luật về Quản lý, sử dụng vốn nhà nước đầu tư vào sản xuất, kinh doanh và các quy định của pháp luật khác có liên quan.

Trong vụ án, bị cáo Trần Vĩnh Tuyến mặc dù nhận thức được rằng SAGRI là doanh nghiệp 100% vốn nhà nước nhưng đã không xem xét áp dụng quy định của pháp luật về Quản lý, sử dụng vốn nhà nước đầu tư vào sản xuất, kinh doanh mà vẫn ký ban hành Quyết định số 6077/QĐ-UBND.

leftcenterrightdel
Luật sư bào chữa trình bày quan điểm 

Ngoài ra kết quả điều tra xác định trước khi ký ban hành Quyết định số 6077/QĐ-UBND chấp thuận cho SAGRI chuyển nhượng toàn bộ dự án cho Tổng công ty cổ phần Phong Phú, bị cáo Tuyến không báo cáo hoặc đưa nội dung này ra thảo luận trong các cuộc họp giao ban lãnh đạo UBND TP Hồ Chí Minh, các cuộc họp định kỳ và đột xuất đối với các thành viên UBND thành phố. Tại phiên tòa, bị cáo cũng thừa nhận như vậy.

Đối đáp với luật sư bào chữa, đại diện Viện kiểm sát viện dẫn quy định tại khoản 2 Điều 10 Quy chế làm việc của Ủy ban nhân dân Thành phố Hồ Chí Minh ban hành kèm theo Quyết định số 63/2016/QĐ-UBND ngày 23/12/2016, theo đó thì “Trong phạm vi lĩnh vực công việc được giao, Phó Chủ tịch Ủy ban nhân dân thành phố được sử dụng quyền hạn của Chủ tịch Ủy ban nhân dân thành phố khi giải quyết các công việc thuộc lĩnh vực được phân công và chịu trách nhiệm trước Chủ tịch Ủy ban nhân dân thành phố, trước pháp luật về những quyết định của mình”

Theo quan điểm của Viện kiển sát, như vậy bị cáo Trần Vĩnh Tuyến biết nhưng đã cố tình vi phạm các quy định như đã nêu trên khi ký Quyết định 6077, gây ra thiệt hại đặc biệt nghiêm trọng cho nhà nước, do đó bị cáo phải chịu trách nhiệm cá nhân đối với hành vi sai phạm của mình.

Về quan điểm đánh giá Cáo trạng xác định hậu quả thiệt hại vụ án không bảo đảm căn cứ, làm ảnh hưởng đến bản chất vụ án và đường lối xử lý trách nhiệm hình sự của luật sư bào chữa, đại diện Viện kiểm sát khẳng định Quyết định số 6077 do bị cáo Trần Vĩnh Tuyến ký có ý nghĩa quan trọng, là cơ sở để SAGRI chuyển nhượng dự án cho Tổng Công ty Phong Phú gây thiệt hại cho nhà nước.

Trong vụ án này, thời điểm bắt đầu phát sinh thiệt hại là khi SAGRI hoàn tất việc chuyển nhượng khu đất tại phường Phước Long A, Quận 9 vào ngày 9/5/2018, khi Văn phòng đăng ký đất đai hoàn tất cập nhật biến động sang tên Tổng Công ty Phong Phú.

Ngày 5/7/2019, Cơ quan Cảnh sát điều tra Bộ Công an ra Quyết định khởi tố vụ án hình sự “Vi phạm quy định về quản lý, sử dụng tài sản Nhà nước gây thất thoát, lãng phí” xảy ra tại Tổng Công ty Nông nghiệp Sài Gòn. Như vậy, trong trường hợp này thiệt hại từ hành vi phạm tội phải được xác định từ thời điểm phát sinh thiệt hại đến thời điểm hành vi phạm tội được phát hiện, ngăn chặn,  là thời điểm khởi tố vụ án vào tháng 7/2019.

Liên quan đến việc tính thiệt hại vụ án, theo Viện kiểm sát thì tại kết luận định giá số 01/HĐĐG2383-KL ngày 26/12/2019 của Hội đồng định giá trong tố tụng hình sự ở Trung ương kết luận giá trị quyền sử dụng đất đã có cơ sở hạ tầng tại thời điểm khởi tố vụ án, ngày 5/7/2019 là 864,6 tỉ đồng, sau khi trừ đi số tiền SAGRI đã nhận được từ việc chuyển nhượng dự án thì con số thiệt hại được xác định tại thời điểm Cơ quan điều tra phát hiện, ngăn chặn và khởi tố vụ án 672.140.972.741 đồng là hoàn toàn chính xác.

Trân Định - Việt An