Liên quan đến Tổng Công ty Nông nghiệp Sài Gòn (SAGRI) chuyển nhượng trái phép dự án tại phường Phước Long B, quận 9 cho Tổng Công ty Phong Phú, nguyên Phó chủ tịch UBND TP Hồ Chí Minh và các thuộc cấp liên tục thay đổi lời khai.
|
|
Kiểm sát viên tham gia phiên xét xử |
Trả lời câu hỏi của Kiểm sát viên liên quan việc chuyển nhượng trái quy định dự án nhà ở tại phường Phước Long B, quận 9, bị cáo Trần Vĩnh Tuyến cho rằng sau khi lấy ý kiến sở ngành liên quan và quan điểm tham mưu của bộ phận văn phòng, bản thân đã rất thận trọng khi yêu cầu văn phòng rà soát lại văn bản theo quy định pháp luật rồi mới ký chấp thuận chủ trương chuyển nhượng dự án.
“Bị cáo không thể nào đọc hết kết luận thanh tra được nên giao văn phòng rà soát và báo cáo cho Ủy ban. Bị cáo chịu trách nhiệm giải quyết công việc của một nửa thành phố, không thể xem xét hết. Bị cáo thấy mình thiếu trách nhiệm", ông Tuyến nói.
|
|
Bị cáo Trần Vĩnh Tuyến tại tòa. |
Tiếp đó, trả lời câu hỏi của Viện kiểm sát về trách nhiệm bản thân trong việc tham mưu cho UBND thành phố Hồ Chí Minh chấp thuận chuyển nhượng dự án, bị cáo Trần Trọng Tuấn, nguyên giám đốc Sở Xây dựng, đánh giá khi thẩm định hồ sơ SAGRI đã rất cẩn trọng vì đây là doanh nghiệp nhà nước. Với tư cách Chủ tịch Hội đồng thẩm định, bị cáo đã có văn bản hỏi ý kiến Chi cục Tài chính Doanh nghiệp thuộc Sở Tài chính TP Hồ Chí Minh về tính pháp lý của việc chuyển nhượng, tức đã thể hiện sự chặt chẽ và tinh thần trách nhiệm của Hội đồng thẩm định.
Phản bác quan điểm này, Kiểm sát viên đánh giá SAGRI là công ty 100% vốn nhà nước, hai bị cáo Tuyến và Tuấn là người đứng đầu, có tiếng nói quyết định trong việc UBND TP Hồ Chí Minh phê duyệt chủ trương chuyển nhượng dự án nên buộc phải biết việc chuyển nhượng dự án phải đáp ứng đầy đủ các quy định pháp luật, nhất là quy định của Luật Đất đai và Luật quản lý, sử dụng vốn nhà nước năm 2014, Luật doanh nghiệp, Luật kinh doanh bất động sản. Việc các bị cáo đang tìm cách đổ lỗi cho trách nhiệm của các đơn vị liên quan là chưa thành khẩn.
|
|
Bị cáo Lê Tấn Hùng được lực lượng Cảnh sát đưa tới tòa |
Trong vụ án này, các bị cáo được giao trực tiếp quản lý tài sản nhà nước nhưng vì nhiều lý do đã cố ý thực hiện những hành vi vi phạm quy định pháp luật, cho phép chuyển nhượng bất động sản là tài sản nhà nước không qua thẩm định giá và không đưa ra đấu giá gây thiệt hại cho nhà nước số tiền đặc biệt lớn 672.140.972.741 đồng.
Là người có hiểu biết và với vai trò là Phó Chủ tịch UBND TP Hồ Chí Minh, bị cáo Tuyến biết việc chuyển nhượng dự án phải thực hiện đúng quy định của pháp luật về quản lý, sử dụng vốn Nhà nước đầu tư vào sản xuất, kinh doanh tại doanh nghiệp, tức phải tiến hành thẩm định giá, xác định giá trị chuyển nhượng theo giá thị trường, tiến hành đấu giá nhưng vẫn không kiểm tra rà soát mà vẫn ký Quyết định số 6077/QĐ-UBND ngày 17/11/2017 “về chấp thuận chuyển nhượng Dự án phát triển khu nhà ở tại Khu phố 4, phường Phước Long B, Quận 9, TP Hồ Chí Minh”. Đây là cơ sở để bị cáo Lê Tấn Hùng và các đồng phạm tại SAGRI tự ý quyết định giá trị dự án để chuyển nhượng trái pháp luật, gây thiệt hại nghiêm trọng tài sản của nhà nước.
Đối với bị cáo Trần Trọng Tuấn, với vai trò là Giám đốc Sở Xây dựng, Chủ tịch Hội đồng thẩm định chuyển nhượng dự án của TP Hồ Chí Minh, phải biết quy định tại Điều 42, Nghị định 43 năm 2014 về Quy định chi tiết thi hành Luật đất đai, quy định khi chuyển nhượng quyền sử dụng đất là tài sản nhà nước thì chủ đầu tư phải hoàn thành nghĩa vụ tài chính liên quan đến đất đai của dự án, tuy nhiên SARGI chưa thực hiện xong, như vậy là cố ý làm sai. Tại phiên tòa bị cáo Tuấn trình bày biết cần phải bổ sung Nghị quyết hội đồng thành viên; Hỏi Chi cục tài chính doanh nghiệp thủ tục chuyển nhượng như thế nào? Có huy động vốn của ai nữa không? Nhưng, bị cáo Tuấn đã quyết định cho chuyển nhượng luôn ngay phiên họp đầu tiên là bị cáo Tuấn cố ý làm sai. Lẽ ra sau khi có ý kiến của Bộ tài chính, Chi cục tài chính doanh nghiệp phải thực hiện theo Luật quản lý sử dụng vốn nhà nước năm 2014, Luật đất đai, Luật doanh nghiệp, Luật kinh doanh bất động sản, nhưng bị cáo Tuấn chỉ thực hiện một phần Luật kinh doanh bất động sản là cố ý làm sai, đại diện VKS khẳng định.
Bị cáo Tuấn người có trình độ chuyên môn trong lĩnh vực xây dựng và quản lý đất đai, biết việc chuyển nhượng bất động sản là tài sản của nhà nước phải tiến hành thẩm định giá, xác định giá trị chuyển nhượng theo giá thị trường và tiến hành đấu giá theo quy định.
Trong vụ án này, dự án tại phường Phước Long B, quận 9 chưa hoàn thành nghĩa vụ tài chính đối với nhà nước, chưa đủ điều kiện và căn cứ pháp lý để chuyển nhượng, đặc biệt Chi cục Tài chính doanh nghiệp, Sở Tài chính TP Hồ Chí Minh có ý kiến trả lời về trường hợp chuyển nhượng dự án phải thực hiện theo quy định của pháp luật về quản lý, sử dụng vốn nhà nước đầu tư vào sản xuất, kinh doanh tại doanh nghiệp; pháp luật về đất đai… nhưng bị cáo Tuấn vẫn tham mưu cho UBND TP Hồ Chí Minh ký chủ trương chấp thuận chuyển nhượng toàn bộ dự án khu nhà ở tại phường Phước Long B, Quận 9 cho Tổng Công ty Phong Phú trái quy định pháp luật.
Như vậy với tư cách là lãnh đạo các cơ quan quản lý nhà nước, cả hai bị cáo buộc phải biết việc chuyển nhượng dự án phải tuân thủ đầy đủ pháp luật hiện hành. Dù dự án chưa đủ điều kiện chuyển nhượng nhưng bị cáo Tuyến và bị cáo Tuấn vẫn cố ý ký các văn bản chấp thuận chủ trương sai quy định, qua đó tạo điều kiện để SAGRI chuyển nhượng dự án cho Tổng công ty Phong Phú và gây thiệt hại nghiêm trọng cho tài sản Nhà nước, tức đã phạm vào tội “vi phạm quy định về quản lý, sử dụng tài sản Nhà nước gây thất thoát lãng phí”.
Việc cả hai bị cáo nại lý do nể nang bị cáo Lê Tấn Hùng là em ruột của nguyên Bí thư Thành ủy TP Hồ Chí Minh nên phải ký là hành vi quanh co chối tội, thiếu thành khẩn trong khai nhận sai phạm của bản thân.
Báo Bảo vệ pháp luật sẽ tiếp tục cập nhật thông tin về diễn tiến của phiên toà.