Viện kiểm sát: Kháng cáo của bị cáo Trần Hùng không có căn cứ

Mở đầu phần tranh luận, đại diện VKSND cấp cao tại Hà Nội phát biểu quan điểm về các kháng cáo. Trong đó, đại diện VKS đề nghị HĐXX phúc thẩm chấp nhận kháng cáo của 11 bị cáo và bác kháng cáo của 7 bị cáo, trong đó có cựu Phó Cục trưởng Cục Quản lý thị trường (QLTT) Trần Hùng.

Nêu quan điểm luận tội, VKS xác định, từ đầu năm đến tháng 6/2021, bị cáo Cao Thị Minh Thuận (Giám đốc Công ty Phú Hưng Phát) cùng đồng phạm sản xuất, nhập kho tổng cộng gần 9,5 triệu quyển sách giáo khoa giả với tổng giá trị hơn 260 tỉ đồng. Nhóm này đã tổ chức tiêu thụ hơn 6,3 triệu quyển.

leftcenterrightdel
 Bị cáo Trần Hùng khai báo tại phiên tòa phúc thẩm.

Theo nội dung vụ án, ngày 9/7/2020, Công ty Phú Hưng Phát bị Đội QLTT số 17 kiểm tra, thu giữ hơn 27.300 quyển sách giáo khoa giả. Biết Trần Hùng là người trực tiếp chỉ đạo, bị cáo Thuận thông qua bị cáo Nguyễn Duy Hải (không kháng cáo và vắng mặt tại phiên tòa) đưa cho bị cáo Trần Hùng 300 triệu đồng.

Sau khi nhận tiền, bị cáo Hùng hướng dẫn bị cáo Thuận thay đổi lời khai về nguồn gốc số sách, đồng thời can thiệp, tạo điều kiện xử lý vụ việc theo hướng vi phạm hành chính thay vì chuyển hồ sơ sang Cơ quan điều tra.

Quá trình giải quyết vụ án, bị cáo Hùng liên tục kêu oan. Tuy nhiên, đại diện VKS khẳng định, kháng cáo của bị cáo là không có căn cứ. Trình bày ngắn gọn, Kiểm sát viên cáo buộc bị cáo Hùng đã lợi dụng chức vụ quyền hạn, thông qua Nguyễn Duy Hải nhận 300 triệu đồng của Thuận để tác động xử lý vụ việc Công ty Phú Hưng Phát.

Trước đó, Tòa sơ thẩm tuyên phạt bị cáo Trần Hùng 9 năm tù là có căn cứ, không oan. Từ đó, đại diện VKSND cấp cao tại Hà Nội đề nghị bác kháng cáo của cựu Phó Cục trưởng Cục QLTT Trần Hùng.

Ngoài bị cáo Hùng, 7 bị cáo khác kháng cáo xin giảm nhẹ hình phạt và xin hưởng án treo cũng bị đại diện VKS đề nghị bác kháng cáo, do các tình tiết giảm nhẹ đã được Tòa cấp sơ thẩm xem xét, vận dụng hết.

Đối với bị cáo Cao Thị Minh Thuận, trước khi diễn ra phiên tòa phúc thẩm, bị cáo này đã nộp thêm tiền để khắc phục toàn bộ hậu quả và tiền phạt, tổng cộng 6,7 tỉ đồng, vì vậy, đại diện VKS đề nghị HĐXX giảm cho bị cáo Thuận từ 10 năm tù xuống 8 năm tù về tội “Sản xuất, buôn bán hàng giả”.

Với 10 bị cáo còn lại được VKS đề nghị giảm án thì đều có tình tiết mới. Căn cứ các quy định của pháp luật, đại diện VKS đã đề nghị HĐXX giảm nhẹ một phần hình phạt cho các bị cáo.

Cựu Phó Cục trưởng Trần Hùng luôn gọi báo chí trong các cuộc kiểm tra

Trước đó, tại phần thẩm vấn, bị cáo Cao Thị Minh Thuận từ chối trả lời mọi câu hỏi của các luật sư bào chữa cho bị cáo Trần Hùng.

Theo bản án sơ thẩm, bị cáo Hùng nhận số tiền 300 triệu đồng và chỉ đạo bị cáo Lê Việt Phương “giúp đỡ” Thuận không bị chuyển hồ sơ sang Cơ quan điều tra, do sản xuất, buôn bán hơn 9 triệu cuốn sách giả. Bị cáo Hùng bị Tòa sơ thẩm xác định tuyên phạt 9 năm tù về tội “Nhận hối lộ”.

Tại phiên tòa phúc thẩm, Thuận khai số 300 triệu đồng nói trên được chuyển cho Nguyễn Mạnh Hà (Giám đốc một công ty in ấn) để người này đưa cho Hải rồi Hải chuyển cho Trần Hùng. Chủ tọa phiên tòa hỏi, tiền qua tay 2 – 3 người nên có gì chắc chắn đến tay Trần Hùng? Trả lời câu hỏi này, Thuận cho hay, không biết đường đi của tiền, chỉ biết vụ việc của mình được “xử lý nhẹ”.

Tại phiên tòa hôm nay (23/1), các luật sư của Trần Hùng hỏi bị cáo Thuận về ai đã bảo bị cáo hối lộ 300 triệu đồng? Căn cứ nào xác định Trần Hùng đã cầm số tiền này? Có lý do gì để tin những người trung gian không “ăn bớt”, thậm chí chiếm dụng 300 triệu…

Chủ tọa cho rằng Thuận có thể trả lời hoặc không và sau đó, nữ bị cáo này xin “từ chối trả lời mọi câu hỏi từ luật sư của Trần Hùng”, với lý do là đã khai báo đầy đủ ở giai đoạn điều tra và tại phiên tòa sơ thẩm.

Các luật sư còn hỏi bị cáo Lê Việt Phương việc Trần Hùng chỉ đạo bị cáo “xử lý nhẹ” thế nào… Chủ tọa cũng nói, bị cáo Phương có thể trả lời hoặc không. Sau đó, cựu cán bộ quản lý thị trường Lê Việt Phương cơ bản từ chối trả lời các câu hỏi mà luật sư nêu ra.

Luật sư bào chữa cho Trần Hùng đề nghị tòa không tác động, can thiệp bị cáo. Trước đề nghị này, Chủ tọa thẳng thắn: “Đây là phiên tòa công khai, luật sư thấy chúng tôi can thiệp thế nào?”.

Trước tòa, bị cáo Trần Hùng không được xét hỏi nhưng dùng quyền luật định của mình và đề nghị HĐXX hỏi bị cáo Lê Việt Phương: “Anh căn cứ vào đâu để nói tôi chỉ đạo anh xử lý nhẹ Thuận?”.

Bị cáo Phương đáp lại, căn cứ vào các cuộc điện thoại được ghi âm của chính Trần Hùng nhưng: “Cuộc nào anh ấy nói theo quy định thì anh ghi âm, còn nói không theo quy định thì không ghi âm. Có 20 cuộc ghi âm, tôi với anh ấy không thân thiết, chỉ có công việc, tại sao gọi cho tôi nhiều vậy. Tôi không làm theo anh Hùng thì có yên ổn nhận chức Đội trưởng Đội 14 không? vì anh Hùng đi làm luôn gọi báo chí đi theo đưa tin, kiểm tra một siêu thị thôi mà anh ấy cũng gọi 10 đầu báo tới theo dõi”.

Sau đó, bị cáo Trần Hùng còn đề nghị HĐXX hỏi bị cáo Cao Thị Minh Thuận về cuộc điện thoại “lạ” nhằm “tác động” đến bị cáo này?

Trả lời nội dung trên, bị cáo Thuận cho biết, không nhờ vả vị cán bộ cấp cao gọi điện cho Trần Hùng mà vị này chỉ hỏi thăm về vụ việc của Thuận.

H.Nguyên