Sau 8 ngày luận tội và tranh tụng giữa VKSND tỉnh Đồng Nai - cơ quan giữ quyền công tố với các luật sư tham gia bào chữa cho các bị cáo, phiên tòa xét xử đại án buôn lậu xăng đã kết thúc với phần tự bào chữa lần lượt của 74 bị cáo.

Đại diện Viện kiểm sát cho rằng, hành vi buôn lậu xăng của các bị cáo là đặc biệt nguy hiểm cho xã hội, không chỉ làm thất thu ngân sách nhà nước mà còn ảnh hưởng đến an ninh quốc gia, rối loạn thị trường.

VKS đề nghị Hội đồng xét xử tuyên phạt 73 bị cáo phạm tội buôn lậu. Trong đó, bị cáo Phan Thanh Hữu (giám đốc Công ty TNHH TM Phan Lê Hoàng Anh) và Đào Ngọc Viễn (giám đốc Công ty TNHH Đại Dương Hải Phòng) bị đề nghị mức án 16 đến 17 năm tù.

Bị cáo Nguyễn Hữu Tứ (65 tuổi, ngụ Vĩnh Long) bị đề nghị mức án 13 đến 14 năm tù, bị cáo Lê Thanh Trung (giám đốc Công ty TNHH Xăng dầu Tây Nam 01 SWP, TP.HCM) bị đề nghị mức án 12 đến 13 năm tù.

Các bị cáo đầu mối lấy nhiều xăng lậu của Phan Thanh Hữu và Nguyễn Hữu Tứ gồm: Võ Thanh Bình (giám đốc Công ty TNHH Phong Phú) bị đề nghị mức án 10 đến 11 năm tù, Trần Thị Thanh Vân (giám đốc Công ty TNHH TMDV Vân Trúc, tỉnh Bình Dương) bị đề nghị mức án 7 đến 8 năm tù, Nguyễn Minh Đức (chủ Công ty TNHH Dầu khí Vượng Đạt) bị đề nghị mức án 9 đến 10 năm tù.

Bị cáo Lê Đình Hùng (thuyền trưởng tàu Western Sea), Trần Văn Việt (thuyền trưởng tàu Pacific Ocean), Nguyễn Tuấn Việt, Đinh Văn Đoàn, Phan Lê Hoàng Anh (con trai của Phan Thanh Hữu), Nguyễn Xuân Cường, Phan Trung Hiếu, Trần Văn Triều, Hà Văn Khoa, Nguyễn Xuân Hà, Lương Văn Hữu, Ngô Hữu Cường, Nguyễn Tín Dũng, Trần Minh Giang... bị VKS đề nghị mức án từ 2 đến 8 năm tù. Ngoài ra, hàng chục bị cáo được đề nghị cho hưởng án treo và phạt tiền.

Riêng bị cáo Ngô Văn Thụy (cựu cán bộ Cục Điều tra chống buôn lậu - Tổng cục Hải quan) bị đề nghị mức án 15 đến 16 năm tù về tội nhận hối lộ.

leftcenterrightdel
 Kiểm sát viên Nguyễn Phước Vinh trong phần đối đáp với luật sư. (Ảnh: Hồng Việt)

VKS nhận định trong vụ án này, do buôn lậu xăng có lợi nhuận rất lớn nên các bị cáo đã tìm mọi cách để đưa lượng xăng lớn vào Việt Nam. Các bị cáo đã dùng tiền để hối lộ cơ quan chức năng như Cảnh sát biển, Bộ đội biên phòng, Hải quan để đưa xăng lậu vào Việt Nam tiêu thụ.

Bị cáo Viễn, Tứ, Hữu sử dụng phương tiện để thực hiện buôn lậu xăng hết sức tinh vi, lợi dụng đêm tối.

Khi xăng không có giấy tờ, các bị cáo chuẩn bị hồ sơ khống, giấy tờ giả để giao thuyền trưởng xuất trình khi lực lượng chức năng kiểm tra. Sau khi tiêu thụ xăng thì các bị cáo sẽ tiêu hủy giấy tờ.

Ngoài ra, xăng nhập lậu màu nhạt hơn so với thị trường Việt Nam nên các bị cáo đã chỉ đạo nhân viên của mình pha màu vàng của xăng giống xăng RON95 ở Việt Nam để tránh bị phát hiện. Xăng lậu các bị cáo pha dung môi không đảm bảo an toàn.

Về mức độ hành vi, vai trò của các bị cáo trong vụ án, đại diện VKS cho rằng hành vi phạm tội của các bị cáo diễn ra nhiều lần, đặc biệt là hai bị cáo Hữu và Viễn diễn ra rất lâu mới bị phát hiện. Hành vi của các bị cáo là có sự câu kết chặt chẽ, phạm tội có tổ chức và phạm tội hơn hai lần trở lên. Do đó các bị cáo này phạm tội với tình tiết tăng nặng, thì cần có mức phạt tù nghiêm khắc.

leftcenterrightdel
 Bị cáo Phan Thanh Hữu ( trái) và bị cáo Đào Ngọc Viễn (phải).

Theo VKS, bị cáo Ngô Văn Thụy (cựu cán bộ Cục Điều tra chống buôn lậu - Tổng cục Hải quan) có hành vi nhận hối lộ đặc biệt nguy hiểm cho xã hội, đã gây mất uy tín, mất niềm tin của nhân dân, nhất là cơ quan có chức năng trong công tác phòng chống hàng giả, hàng lậu. Bị cáo biểu hiện suy thoái đạo đức cán bộ, gây bức xúc dư luận. Vì vậy, cần có mức phạt tù nghiêm khắc, cách ly các bị cáo ra ngoài xã hội một thời gian để răn đe, giáo dục, để phòng ngừa chung.

Tuy nhiên, bị cáo Thụy thành khẩn khai báo trong quá trình điều tra, bản thân bị cáo có thành tích trong công tác, gia đình đã nộp tiền khắc phục hậu quả. Do đó áp dụng các biện pháp giảm nhẹ một phần hình phạt đối với bị cáo.

Tại phần tranh tụng, nhiều luật sư cho rằng, những người thuộc thành phần làm công ăn lương (thủy thủ, máy trưởng…) là do tính chất lao động đặc thù, bị sai khiến, phụ thuộc vào giới chủ, hay một số chủ cây xăng bán lẻ chỉ vì do hám lời nên mới nhập xăng trôi nổi tại nội địa, chỉ sai phạm về hành chính, vì vậy HĐXX nên cân nhắc về việc họ có phạm tội “buôn lậu” hay không để lượng hình, đồng thời đề nghị HĐXX áp dụng triệt để các tình tiết giảm nhẹ cho các bị cáo.

Khi được nói lời sau cùng, hầu hết các bị cáo đều xin giảm án vì có hoàn cảnh khó khăn, có cha mẹ già, con nhỏ, vợ bệnh hoặc thất nghiệp... nên mong HĐXX xem xét giảm án nhẹ nhất cho các bị cáo để sớm được về với gia đình. Trong đó nhiều người xin được thay thế hình phạt tù bằng hình thức đóng tiền phạt.

Riêng bị cáo Phan Thanh Hữu (65 tuổi), là "ông Trùm” trong đường dây buôn lậu 200 triệu lít xăng cho biết, từ khi bị bắt tạm giam cho đến quá trình điều tra và thời gian xét xử, bản thân bị cáo cảm thấy rất hối hận về hành vi mình đã làm. Chỉ vì ham lợi nhuận, mà dẫn đến kết cục đau buồn như bây giờ, nhất là khi trong vụ án này cả bị cáo và con trai đều bị bắt, và khiến nhiều người khác cũng vi phạm pháp luật.

Bị cáo Đào Ngọc Viễn cũng bày tỏ sự hối hận về hành vi của mình trong vụ buôn lậu xăng từ nước ngoài về Việt Nam tiêu thụ. Bị cáo mong HĐXX xem xét cho bị cáo được hưởng chính sách khoan hồng của Đảng, Nhà nước để bị cáo sớm được trở về với gia đình và cộng đồng để về chăm lo cho gia đình vợ con.

leftcenterrightdel
 Bị cáo Ngô Văn Thụy - cựu cán bộ Cục Điều tra chống buôn lậu - Tổng cục Hải quan

Bị cáo Ngô Văn Thụy bị buộc tội “Nhận hối lộ” cũng xin được giảm án vì đã có nhiều thành tích trong suốt quá trình công tác tại Tổng cục Hải Quan.

HĐXX kết thúc phần luận tội, tranh tụng để tiến hành nghị án từ ngày 29/11/2022. Dự kiến sẽ tuyên án vào ngày 5/12/2022.

Trân Định – Phi Sơn – Hồng Việt