Trước đó, đại diện VKSND tối cao nhấn mạnh: Trong vụ án Hồ Duy Hải, các cơ quan tiến hành tố tụng đã có nhiều vi phạm nghiêm trọng về thủ tục điều tra, tố tụng. Kháng nghị đề nghị hủy bản án, điều tra lại để làm rõ những vấn đề về thủ tục điều tra, tố tụng. Cần khắc phục sai sót để bảo đảm giải quyết vụ án đúng pháp luật
Còn đối tượng tình nghi không được điều tra, làm rõ
Theo kháng nghị của VKSND tối cao, trong vụ án Hồ Duy Hải, các cơ quan tiến hành tố tụng đã có nhiều vi phạm nghiêm trọng về thủ tục tố tụng: bỏ sót những chứng cứ vụ án, không trưng cầu giám định vết máu, không đưa một số lời khai của Hồ Duy Hải và người làm chứng vào hồ sơ vụ án dẫn đến sai lầm trong việc giải quyết vụ án.
Từ đó, VKSND tối cao đề nghị Hội đồng Thẩm phán TAND tối cao xem xét hủy toàn bộ Bản án sơ thẩm và Bản án phúc thẩm đã xét xử bị cáo Hồ Duy Hải về các tội “Giết người” và “Cướp tài sản” để điều tra lại theo đúng quy định của pháp luật.
Theo kháng nghị của VKSND tối cao, không lấy lời khai của Phùng Phụng Hiếu là nhân chứng đầu tiên phát hiện ra vụ án, ngoài các dấu vân tay tại hiện trường chưa xác định được của ai thì còn có đối tượng tình nghi là Nguyễn Văn Nghị, Nguyễn Mi Sol không được điều tra, làm rõ.
Khi thành viên Hội đồng thẩm phán đặt câu hỏi về việc, căn cứ nào VKSND tối cao xác định thêm được đối tượng tình nghi là Nghị và Sol? Đại diện VKSND tối cao nhấn mạnh, căn cứ vào biên bản thẩm tra trước khi thi hành án.
Tại phiên làm việc, Hội đồng chất vấn Cơ quan điều tra về dấu vân tay tại hiện trường là của ai? Tài liệu nào cho biết đối tượng tình nghi là Nguyễn Văn Nghị và Nguyễn Mi Sol? Trong hồ sơ chỉ có lời khai của Nguyễn Mi Sol với tư cách nhân chứng nhưng không có lời khai của Nguyễn Văn Nghị?...
|
|
Toàn cảnh phiên xét xử theo thủ tục giám đốc thẩm. |
Trả lời chất vấn, Điều tra viên cho biết Nghị và Sol có mối quan hệ với chị Hồng, là những đối tượng tình nghi đầu tiên. Sol khai một số tình tiết có giá trị, Nghị thì không có.
Cũng theo Điều tra viên, việc loại hai đối tượng này ra khỏi diện tình nghi do cả hai đều có bằng chứng ngoại phạm. Khi thời điểm vụ án xảy ra, Nguyễn Mi Sol đang ở TP.HCM, Nghị đang ở nhà tại TP Tân An.
Cơ quan điều tra kiểm tra những người thường gọi điện thoại đến bưu cục, nhất là thời điểm gần xảy ra vụ án. Kết quả, có đến 144 người được lấy dấu vân tay trưng cầu giám định…
Liên quan đến vấn đề vì sao lời khai đầu tiên (không nhận tội) của Hồ Duy Hải không được lưu trong hồ sơ, Điều tra viên lý giải “do lời khai ban đầu chỉ là sàng lọc nên không lưu trong hồ sơ”.
|
|
Đại diện VKSND tối cao đưa quan điểm, điều tra lại để làm rõ sai sót trong vụ án |
Cụ thể, khi rà soát các cuộc gọi điện thoại thấy có Hải nên Cơ quan điều tra mời Hải lên hỏi như những người khác. Tổng cộng có trên 100 người, đều được hỏi rất tỉ mỉ. Khi hỏi Hải về thời gian sử dụng trong ngày, Hải khai đi đám tang cùng một số người, tuy nhiên qua xác minh thì thấy Hải không đến đám tang, dẫn đến nghi vấn.
Ngày hôm sau, 21/3/2008, cơ quan điều tra tiếp tục lấy lời khai của Hải, qua đấu tranh, Hải khai nhận hành vi phạm tội.
Chánh án Nguyễn Hòa Bình cho rằng việc không đưa lời khai ban đầu (ngày 20/3) của Hải vào hồ sơ là sai vì Hải không giống những người đã được loại trừ.
“ Quên” giám định mẫu máu thu tại hiện trường vụ án
Theo kháng nghị của VKSND tối cao, quá trình điều tra đã không trưng cầu giám định vết máu, không thu giữ được dao, thớt, ghế là những vật chứng quan trọng được coi là hung khí của vụ án. Hai người bị sát hại cùng lúc mà không thu được dấu vân tay nào của Hồ Duy Hải, người được cho là thủ phạm. Ngay cả khoảng thời gian mà Hải xuất hiện ở Bưu điện Cầu Voi, hiện trường vụ án, khoảng thời gian chết của nạn nhân… cũng chưa được xác định chắc chắn.
|
|
Đại diện Cơ quan điều tra Công an tỉnh Long An nhiều lần thừa nhận sai sót trong vụ án. |
Kiểm sát viên VKSND tối cao phân tích hậu quả của việc không giám định được mẫu máu thu được tại hiện trường: "Chúng ta lưu ý rằng máu này không chỉ của nạn nhân, mà có thể còn từ thương tích của hung thủ hoặc người tình nghi. Vì không giám định được kịp thời nên không kết luận được việc đó".
Chánh án TAND tối cao Nguyễn Hòa Bình kết luận, tại hiện trường, có nhiều vết máu nhưng Điều tra viên không thu giữ mẫu máu để làm giám định là sai, như vậy là kháng nghị của VKSND tối cao về nội dung này là đúng.
Những bản hỏi cung bị sửa chữa
Chánh án cũng đề nghị Điều tra viên giải thích về việc một số biên bản hỏi cung có sửa chữa nhưng không có chữ ký của người khai như kháng nghị đã nêu. Điều tra viên cho rằng chỉ sửa chữa lỗi chính tả, không ảnh hưởng đến lời khai của bị can.
Hội đồng yêu cầu chiếu những bút lục mà kháng nghị của VKSND tối cao đã nêu xem sửa chữa như thế nào. Bản chiếu lên cho thấy đó là những sửa chữa nhỏ.
Cũng theo kháng nghị của VKSND tối cao, một số biên bản nhận dạng không có người chứng kiến (Bl 133, 144,211,213-222,232,238,244,253). Cụ thể là 3 biên bản nhận dang: nhận dạng về con dao gây án, nhận dạng về nữ trang của nạn nhân, nhận dạng về chiếc xe máy Hồ Duy Hải đi đều không có người chứng kiến. Về nội dung này, HĐ thẩm phán cũng yêu cầu Điều tra viên làm rõ, và yêu cầu trình chiếu những bút này để HĐ thẩm phán đánh giá.
Chánh án Nguyễn Hòa Bình nhận xét dù là sửa chữa nhỏ, nhưng Cơ quan điều tra sai vì đây là biên bản tố tụng, sửa phải có chữ ký của người khai. Biên bản nhận dạng không có chữ ký của người chứng kiến cũng là sai sót.
Cơ quan điều tra cũng thừa nhận có những thiếu sót trong khi tiến hành điều tra vụ án này.
Cần khắc phục sai sót để bảo đảm giải quyết vụ án đúng pháp luật
VKSND tối cao cho rằng những sai sót nghiêm trọng trên cần được khắc phục, để bảo đảm việc giải quyết vụ án khách quan, đúng pháp luật.
Một thành viên Hội đồng Thẩm phán hỏi: “VKS cho rằng không thu giữ vật chứng, không rõ mẫu máu, nhóm máu... là những vi phạm nghiêm trọng. Vậy giả sử Hội đồng chấp nhận hủy bản án để điều tra lại thì những nội dung này có khắc phục được không?”.
Đại diện VKSND tối cao đáp: "Trước hết chúng ta phải thống nhất với nhau rằng đây là những vi phạm nghiêm trọng. Còn hủy bản án, điều tra lại được hay không là việc của Cơ quan điều tra. Bởi vì thời gian từ năm 2008 đến nay, vật chứng, dấu vết đó có còn hay không, có làm được không, đó là việc của Cơ quan điều tra".
|
|
Nhiều thành viên Hội đồng giám đốc thẩm đưa quan điểm về việc có thể khắc phục được sai sót hay không. |
Thành viên của Hội đồng đối đáp: Theo hồ sơ, vật chứng đã bị tiêu hủy, mẫu máu không còn nữa thì cho dù điều tra lại, chúng ta biết rõ là không thể khắc phục được.
Đại diện VKSND tối cao nêu quan điểm: Về khắc phục, chúng tôi khẳng định là có những cái đến bây giờ có thể khắc phục được, có những cái không khắc phục được. Tuy nhiên, đặt trong tổng thể của vụ án truy xét mà chúng ta lấy trục chính từ những lời khai nhận tội của Hồ Duy Hải và chứng minh tính xác thực của nó bằng những tài liệu, nhân chứng khác, chúng tôi thấy phải làm thêm một số việc. Mà việc đấy vẫn có thể làm được dựa trên những vi phạm đã nêu.
Đại diện VKSND tối cao nhấn mạnh: “Chúng ta cần xác định thêm về mặt khoa học khoảng thời gian chết của nạn nhân, để hỗ trợ thêm những chứng cứ bị mất”. Đồng thời nhấn mạnh: "Kháng nghị không khẳng định Hồ Duy Hải bị oan. Kháng nghị đề nghị hủy bản án, điều tra lại để làm rõ những vấn đề về thủ tục điều tra, tố tụng”.
Sáng nay, đại diện VKSND tối cao sẽ phát biểu quan điểm, sau đó Hội đồng Thẩm phán sẽ đánh giá các chứng cứ. Buổi chiều, Hội đồng Thẩm phán TAND sẽ công bố kết luận của hội đồng.