Dấu vân tay của Hồ Duy Hải không có tại hiện trường vụ án và không xác định được của ai?

Phiên xét xử giám đốc thẩm vụ án Hồ Duy Hải tiếp tục với phần tranh luận giữa đại diện các Thẩm phán TANDTC, Kiểm sát viên VKSNDTC và những người tiến hành tố tụng cấp sơ thẩm, phúc thẩm. Điều hành phiên xét xử, Chánh án Tòa án nhân dân tối cao Nguyễn Hòa Bình đề nghị đại diện VKSND tối cao phân tích rõ thêm về  nội dung đã nêu trong kháng nghị.

Trong sáng ngày 7/5/2020, HĐXX theo thủ tục giám đốc thẩm đã làm rõ về mâu thuẫn được VKSND tối cao kháng nghị về dấu vân tay thu được tại hiện trường vụ án.

leftcenterrightdel
HĐXX đề nghị làm rõ những mâu thuẫn trong vụ án.

Theo nội dung kháng nghị của VKSND tối cao, kết quả giám định cho thấy, dấu vân tay thu được ở hiện trường (cửa kính, vòi nước ở lavabo) không phải của bị cáo Hồ Duy Hải. Theo bản án, sau khi sát hại chị Hồng, chị Vân, Hồ Duy Hải ra nhà tắm mở vòi nước rửa tay, rửa dao cho sạch máu. Quá trình khám nghiệm hiện trường đã phát hiện, thu giữ một số dấu vết “đường vân tay ở mặt trong của kính trên cánh cửa sau và trên tay nắm vòi nước ở lavabo (BL 44).

Tuy nhiên, Bản kết luận giám định số 158/KL-P21 ngày 11/4/2008 của Phòng Kỹ thuật hình sự Công an tỉnh Long An kết luận: Các dấu vết vân tay thu được tại hiện trường vụ án không phát hiện trùng với điểm chỉ 10 ngón vân tay thu được tại hiện trường vụ án, không phát hiện trùng với điểm chỉ 10 ngón tay in trên chỉ bản của Hồ Duy Hải (BL 53).

Vì vậy, theo KSV VKSNDTC những dấu vân tay trên là của ai chưa được làm rõ.

leftcenterrightdel
 Đại diện VKSND tối cao nhấn mạnh về những mâu thuẫn trong việc thu giữ dấu vân tay tại hiện trường vụ án

Trả lời về nội dung này, Điều tra viên vụ án cho rằng việc thu giữ dấu vân tay tại hiện trường đã đúng quy định, và lí giải, việc không có dấu vân tay của Hồ Duy Hải là trùng khớp với lời khai của Hải vì có việc sau khi gây án, Hải đã đi rửa tay nên không để lại dấu vân tay (?).

Trước câu trả lời của Điều tra viên, thành viên HĐXX cho rằng, có rất nhiều khu vực có thể lưu lại dấu vân tay, tại sao lại chỉ lấy vân tay tại cửa nhà vệ sinh và lavabo nơi Hải rửa tay? Thêm nữa, hiện trường của vụ án rất rộng, từ nơi Hải gây án đến nhà vệ sinh, những nơi có thể lưu lại dấu vân tay như: ly nước, chiếc ghế, hộc tủ, tủ đựng tiền… đặc biệt là hung khí (chiếc thớt dính máu ở hiện trường, cái ghế dùng để đánh nạn nhân- PV) tại sao lại không lấy vân tay trên đó?.

Điều tra viên tỏ ra lúng túng, trả lời, việc Hồ Duy Hải đi nhiều nơi nhưng không để lại vân tay là điều … bình thường. Lí giải cho việc “bình thường” này, Điều tra viên cho biết thêm, khi khám nghiệm hiện trường phát hiện và thu giữ được 7 dấu vân tay, trong đó 2 dấu vân tay của nạn nhân và 5 dấu vân tay của ai không truy nguyên được, như nạn nhân Hồng, ăn, ở, sinh hoạt tại hiện trường xảy ra vụ án nhưng lại không tìm được dấu vân tay nào của chị Hồng tại hiện trường. Tại hiện trường chỉ tìm được dấu vân tay của nạn nhân Vân. Các tài liệu này không được đưa vào hồ sơ vụ án mà được lưu tại Cơ quan điều tra và các Điều tra viên chưa cung cấp được cho Hội đồng Thẩm phán.

Tìm nhưng không thấy, thấy nhưng không phải của Hồ Duy Hải

Tiếp tục chỉ ra những mâu thuẫn trong việc hiện trường vụ án không có dấu vân tay của Hồ Duy Hải, đại diện VKSND tối cao đưa quan điểm: Đây là án truy xét, nên việc lấy dấu vân tay tại hiện trường của vụ án là rất quan trọng. Theo đại diện Viện kiểm sát, việc lấy dấu vân tay đang thể hiện có nhiều thiếu sót.

Theo đó, từ vị trí của nạn nhân Vân, từ lời khai của Hồ Duy Hải, cần xác định lấy dấu vân tay trên địa bàn rộng, điều này thể hiện Cơ quan điều tra chưa làm hết, bỏ qua nhiều vị trí lưu lại dấu vân tay. Tại hiện trường còn có vân tay, tóc, đôi dép… đây có phải là của Hải không cũng chưa được làm rõ?

leftcenterrightdel
 Đại diện Cơ quan cảnh sát điều tra Công an tỉnh Long An.

Đại diện VKS còn nhấn mạnh về những tài liệu thể hiện thu giữ dấu vân tay tại hiện trường, trong đó, dấu vân tay tại hiện trường còn được đối chiếu và kết luận của hai đối tượng là Sol và Nghị. Trong khi dấu vân tay thu được 7 mẫu nhưng lại không có dấu vân tay nào của Hải.

Thành viên HĐXX, hỏi căn cứ vào đâu Điều tra viên xác định được đối tượng tình nghi trong vụ án khi không dựa vào dấu vân tay để lại hiện trường. Thành viên HĐXX dẫn chứng, ban đầu Điều tra viên xác định đối tượng Đinh Vũ Thường là đối tượng tình nghi, sau đó chuyển thành nhân chứng vì lí do không tìm thấy dấu vân tay của Thường tại hiện trường. Ngược lại, trường hợp của Hải lại trở thành hung thủ, mặc dù cũng không tìm thấy có dấu vân tay của Hải ở hiện trường? Điều tra viên cho rằng, dấu vân tay chỉ là một căn cứ để xác định hung thủ, với Thường, Sol, Mi được loại khỏi danh sách tình nghi vì có tình tiết ngoại phạm.

Đặc biệt, đại diện VKSND tối cao còn đưa ra mâu thuẫn trong việc đối chiếu, giám định vân tay lại được thực hiện sau 3 tháng xảy ra vụ án, sau khi Hải bị bắt.

Thành viên HĐXX cũng nêu câu hỏi đối với Điều tra viên về việc đã quét toàn bộ mẫu vân tay thu giữ tại hiện trường để tìm xem trùng khớp với các đối tượng khác chưa? Điều tra viên cho rằng, về nguyên tắc là phải quét đối chiếu để tìm các đối tượng nhưng do kỹ thuật hình sự ngày đó còn hạn chế nên không làm được.

leftcenterrightdel
 Đại diện Tòa cấp sơ thẩm trả lời HĐXX.

Nhiều thành viên HĐXX cũng nêu quan điểm về việc khó có thể lí giải khi hiện trường vụ án lại không có dấu vân tay của cả nạn nhân và hung thủ, phải chăng còn nhiều vị trí Cơ quan điều tra chưa thu lấy dấu vân tay.

Chánh án Nguyễn Hòa Bình nhận định, theo như trả lời của Điều tra viên thì Cơ quan điều tra có tìm dấu vân tay tại hiện trường nhưng có nhiều vị trí không thấy, có thấy dấu vân tay nhưng lại không phải của Hải.

Tại phiên xét xử, đại diện VKSND tối cao đề nghị Cơ quan cảnh sát điều tra Công an tỉnh Long An cung cấp một số tài liệu, như các bản vân tay, vì trong hồ sơ vụ án không có, dẫn đến làm ảnh hưởng đến bản chất vụ án.

Chánh án Nguyễn Hòa Bình kết luận, chấp thuận đề nghị của đại diện VKSND tối cao, đề nghị Cơ quan Cảnh sát điều tra Công an tỉnh Long An cung cấp bản chính các tài liệu, đặc biệt là những tài liệu liên quan đến các bản vân tay thu được từ hiện trường vụ án, để HĐXX đánh giá tài liệu này với bản chất của vụ án khi nghị án.

Hà Nhân