Trong hơn 90 năm hoạt động của Tổ chức Cảnh sát quốc tế (Interpol), có 10 vụ án được cơ quan này xem như "lớn nhất lịch sử" bởi lẽ nó là một chuỗi những tình tiết, hành vi, phương thức hoạt động cũng như hậu quả và hệ lụy nặng nề cho xã hội mà thủ phạm đã gây ra. Tác giả của một trong 10 vụ án ấy là một người đàn ông gốc Việt tên Charles Sobhraj, biệt danh "Sát nhân bikini", "Người rắn".

Theo Interpol, đây là một trong những sát thủ nguy hiểm nhất nhưng cũng nổi tiếng nhất thế giới vào thập niên 70, 80 của thế kỷ trước vì đã thực hiện 24 vụ giết người cướp của ở Ấn Độ, Thái Lan, Nepal, Iran và Thổ Nhĩ Kỳ…

Vào đời

Sinh ngày 6-4-1944 tại Sài Gòn, tên đầy đủ trong giấy tờ của Charles Sobhraj là Hatchand Bhaonani Gurumukh Charles Sobhraj. Sự có mặt của Sobhraj là kết quả mối tình chớp nhoáng giữa một phụ nữ người Việt và một người đàn ông Ấn Độ làm nghề buôn bán tơ lụa. Khi Sobhraj chưa đầy tháng, gã đàn ông Ấn Độ "quất ngựa truy phong", bỏ rơi cô vợ hờ cùng đứa bé vẫn còn đỏ hỏn.

 

Sobhraj năm 19 tuổi.
Sobhraj năm 19 tuổi.


Sobhraj lớn lên mà chẳng biết cha mình là ai. 3 năm sau, mẹ Sobhraj đi bước nữa với với một trung úy trong đội quân viễn chinh Pháp ở Việt Nam là Alphonse Darreaux rồi sinh thêm một con trai, đặt tên là André. Năm 1954, sau khi đại bại trong trận Điện Biên Phủ, Hiệp định Geneve ký kết, quân Pháp rút về nước, Sobhraj và André được người cha dượng đem theo.

Trong cuốn hồi ký "Charles Sobhraj - Cuộc đời tội phạm", anh ta kể: "Tình cảm của tôi với ông ấy rất nhợt nhạt, hầu như chẳng có ấn tượng gì. Tôi như một thứ trái cây chín hoang. Ngoài giờ học ở trường, tôi lang thang cùng đám du thử du thực trên đường phố Paris, chuyên ăn cắp để kiếm tiền chơi bời nhưng ngược lại, bên cạnh tiếng Pháp cùng một ít tiếng Việt, tôi còn học được 4 ngoại ngữ và có thể nói thành thạo".

Năm 1963, Sobhraj bị bắt vì tội trộm cắp và bị giam tại nhà tù Poissy, Paris. Tại đây, nhờ biết ngoại ngữ nên thỉnh thoảng anh ta vẫn được ban giám thị gọi đi phiên dịch. Cảm thương cho cậu bé mặt mũi sáng sủa, thông minh nhưng sớm vướng vòng lao lý, ông Felix d'Escogne, một nhà hảo tâm giàu có thường đến thăm tù nhân, giúp họ chuyển thư từ và trợ giúp họ về một số vấn đề pháp lý, đã gặp gỡ, động viên Sobhraj, mang sách báo cho anh ta đọc.

Sobhraj kể: "Nhờ ông Felix, tôi học hỏi được rất nhiều điều, chủ yếu là kỹ năng sống, cách ứng xử trong giao tiếp. Chính tác phong của ông Felix đã làm tôi bỏ hẳn tật chửi thề - là thói quen mà tôi tiêm nhiễm trong những ngày lê la trên đường phố".

Ba năm sau, Sobhraj được ân xá. Nơi đầu tiên anh ta tìm đến là nhà ông Felix. Chỉ vài tháng, anh ta như lột xác. Với những bộ quần áo vest cắt may rất khéo, giày da Italia, cravat lụa tơ tằm Ấn Độ, Sobhraj thường xuyên cùng Felix xuất hiện trong những bữa tiệc của giới thương lưu. Rất tế nhị, ông Felix không bao giờ kể về quá khứ của Sobhraj mà chỉ nói rằng anh ta là con của một sĩ quan Pháp ở Việt Nam. Và vì chiến tranh nên gia đình buộc anh ta phải sang Pháp.

Tuy nhiên, đã mang cái mác là con "sĩ quan" thì phải có tiền trong lúc Sobhraj không một xu dính túi. Ngay cả ly cà phê buổi sáng cũng phải nhờ vào ông Felix nên cuối cùng, Sobhraj quay lại nghề trộm cắp. Phi vụ đầu tiên của anh ta là một chiếc xe hơi Citroen DS19. Chỉ mất vài phút, Sobhraj đã nổ máy, lái nó đi. Liên lạc với đám bạn bè du thủ du thực ngày nào, Sobhraj tìm ra nơi tiêu thụ không chút khó khăn. Theo hồ sơ của Interpol, chỉ trong 4 tháng, Sobhraj đã trộm được tổng cộng 9 chiếc xe hơi, chủ yếu là loại DS19 và DS21 - hai loại xe thời thượng ở nước Pháp lúc bấy giờ.

Nồi nào vung nấy

Có tiền, Sobhraj thỏa sức ăn chơi. Trong một bữa tiệc, anh ta gặp Chantal Compagnon, một cô gái trẻ người Paris. Choáng ngợp trước vẻ đẹp trai, lịch lãm của Sobhraj, tình yêu đến với Chantal rất nhanh chóng.

 

 Sobhraj lúc bị cảnh sát Ấn Độ bắt.
Sobhraj lúc bị cảnh sát Ấn Độ bắt.


Trưa ngày 24-9-1968, Sobhraj điện thoại cho Chantal, hẹn cô đi ăn tối. Dự định của Sobhraj là trong bữa ăn, anh ta sẽ ngỏ lời cầu hôn Chantal với lễ vật là một chiếc nhẫn kim cương trị giá 15.000 franc.

Hồ sơ Interpol ghi lại: "Vào thời điểm những vụ mất cắp xe hơi liên tục xảy ra, nhân viên lễ tân của khách sạn Imperial đã nhớ được khuôn mặt Sobhraj khi hắn trộm một chiếc Cadillac, lái khỏi sân khách sạn".

Dựa vào lời mô tả của lễ tân, cảnh sát phác họa chân dung Sobhraj nên 6 giờ chiều ngày 24-9-1968 - là ngày mà anh ta chuẩn bị cầu hôn Chantal, lúc Sobhraj dừng chiếc DS21 ở một ngã tư chờ đèn đỏ thì bị cảnh sát kiểm tra. Do không có giấy tờ xe, lại thêm chiếc DS21 vừa ăn cắp được, chưa kịp thay bảng số khác nên Sobhraj bị bắt

Ra tòa, do Sobhraj khai rằng anh ta chỉ có ý muốn "mượn" chiếc xe một lát vì sợ trễ bữa hẹn cầu hôn với Chantal và khi xác minh, cô gái cũng khai đúng như vậy nên Sobhraj chỉ chịu mức án 8 tháng tù giam. Sau vụ việc ấy, những tưởng Chantal sẽ hoảng sợ mà xa lánh một kẻ tội phạm có lớp vỏ ngoài quý phái nhưng thật bất ngờ, cô gái trẻ vẫn vào thăm anh ta đều đặn. Sobhraj viết: "Trong tất cả những lần gặp tôi, Chantal không hề có một lời nhắc đến lý do tôi vào tù. Cô ấy chỉ an ủi và hứa sẽ đợi tôi. 8 tháng không phải là dài lắm".

Được tha, Chantal và Sobhraj lấy nhau mặc dù gia đình cô gái đã hết sức ngăn cản. Để có tiền sinh sống, Sobhraj lại ăn cắp xe hơi nhưng anh ta hiểu rằng mình sẽ quay vào tù bất cứ lúc nào vì với tiền án như thế, chắc chắn cảnh sát Paris sẽ để mắt đến anh ta mỗi khi có một chiếc xe hơi nào đó biến mất. Sobhraj viết: "Đầu năm 1970, lúc ấy vợ tôi đang mang thai, một gã bạn tôi báo tin gara Covignon - nơi tôi thường bán những chiếc xe ăn cắp bị cảnh sát lục soát. Biết rằng sớm muộn gì cũng bị bắt, tôi nhờ đám chiến hữu làm cho mình một cuốn hộ chiếu giả rồi cùng Chantal, chúng tôi đi Ấn Độ qua ngả Đông Âu".

Giữa tháng 9-1970, vợ chồng Sobhraj đến thành phố Mumbai, Ấn Độ. Trên đường đi, chẳng hiểu Sobhraj thuyết phục thế nào mà cô vợ Chantal lại trở thành đồng lõa với Sobhraj trong những vụ lừa đảo, trộm cắp. Trong vai một cặp vợ chồng trẻ, sở hữu hàng trăm nghìn hecta cao su ở Đông Dương đi nghỉ mát, hoặc một thương gia ngành dệt may ở Lebanon, Sobhraj làm quen với những khách du lịch châu Âu giàu có rồi mời họ uống rượu pha thuốc ngủ. Khi nạn nhân đã mê man, vợ chồng Sobhraj lục túi lấy tiền, thẻ tín dụng, hộ chiếu, đồng hồ, nhẫn, máy chụp ảnh, dây chuyền…

Theo hồ sơ Interpol, không rõ tổng số tài sản mà Sobhraj đã chiếm đoạt trong năm 1970 là bao nhiêu vì có những nạn nhân chọn cách im lặng, coi như "của đi thay người" nhưng với những người đến cảnh sát khai báo, số tài sản mà họ bị mất ước khoảng 145.000 franc.

 

Nét mặt thông minh đã giúp Sobhraj thực hiện thành công nhiều vụ chiếm đoạt tài sản.
Nét mặt thông minh đã giúp Sobhraj thực hiện thành công nhiều vụ chiếm đoạt tài sản.


Cuối tháng 9-1970, Chantal hạ sinh một bé gái, đặt tên là Usha. Hai vợ chồng mướn một căn hộ sang trọng trong khu người Anh ở Mumbai. Để có tiền chi trả cho cuộc sống xa hoa cũng như ném vào những sòng bạc, Sobhraj lại tiếp tục trộm cắp xe hơi và buôn lậu nhiều thứ, kể cả ma túy.

Sobhraj kể: "Chỉ một thời gian ngắn, tôi đã kết bạn với những nhóm tiêu thụ đồ ăn cắp ở Mumbai, Calcutta và New Dehli. Khác với Paris, những băng nhóm phương Đông "tiền trao cháo múc" xong phi vụ là xem như chưa hề quen biết, có gặp nhau ngoài đường cũng chẳng thèm chào. Điều ấy đã khiến nguy cơ bị lộ giảm thiểu đến mức thấp nhất".

Tháng 4-1971, Sobhraj quyết định làm một vụ táo bạo. Nhận thấy quầy bán vàng bạc đá quý tại khách sạn Ashoka, thủ đô New Dehli, Ấn Độ chỉ có một nhân viên duy nhất trông coi vào giờ nghỉ trưa, Sobhraj một mình một dao găm, vờ như khách mua hàng bước vào uy hiếp cô nhân viên, nhưng chưa kịp lấy đi thứ gì thì cô này đã kịp thời dùng chân ấn vào nút báo động đặt ở dưới đất. Bị bắt tạm giam tại đồn cảnh sát, trong khi chờ lấy lời khai, Sobhraj giả vờ lên cơn đau ruột thừa. Được đưa vào bệnh viện, Sobhraj toan tính sẽ lợi dụng cơ hội này để bỏ trốn nhưng không ngờ anh ta lại phải…mổ!

Ra viện, trở lại nhà giam, Sobhraj nhắn tin cho Chantal. Sử dụng vỏ bọc y tá, Chantal nhờ cảnh sát gửi cho Sobhraj một ít thuốc, trong đó có cả thuốc ngủ. Theo Sobhraj, do vẫn còn trong thời gian dưỡng bệnh, anh ta được cho nằm ở một phòng riêng, việc canh gác có phần lỏng lẻo nên anh ta sẽ tìm cách bỏ thuốc ngủ vào bình nước uống của người lính gác. Khi lính gác đã mê man, Sobhraj trốn.

Thiên bất dung gian, âm mưu của Sobhraj bại lộ. Đối diện với mức án 12 năm tù vì tội cướp có vũ trang và cố ý đào tẩu, Sobhraj đành phải cầu cứu cha dượng mình bằng cách mượn tiền đóng thế chân để được tại ngoại.

Trong cuốn hồi ký "Cuộc đời tội phạm", Sobhraj kể: "Thông qua vợ tôi, cha dượng tôi - là viên trung úy quân đội Pháp ở Đông Dương năm xưa - đã gửi cho tôi 70.000 franc, đồng thời cho biết đứa em trai cùng mẹ khác cha với tôi là André, hiện đang ở Istanbul, Thổ Nhĩ Kỳ. Nếu cần thêm gì thì cứ liên lạc với nó".

Được tại ngoại, Sobhraj nhanh chóng cùng vợ bỏ trốn đến Kabul, Afghanistan. Tại đây, đôi vợ chồng lại tiếp tục sử dụng bài bản mời rượu có pha thuốc ngủ cho những khách du lịch châu Âu mà họ chủ động làm quen rồi chiếm đoạt tài sản.

Giữa năm 1971, vài ngày sau khi thực hiện thành công một phi vụ, lấy được gần 6.000 USD, một nạn nhân đã nhận ra Sobhraj khi anh ta đang đi trên phố. Bị cảnh sát Kabul mời về trụ sở, Sobhraj liên tục chối bai bải, rằng "đã có một sự nhầm lẫn nào đó".

Theo Sobhraj thì: "Dù chối cãi nhưng tôi tin là cảnh sát Afghanistan sẽ xác minh với cảnh sát Ấn Độ qua con dấu xuất nhập cảnh đóng trên tờ hộ chiếu, và nếu như thế thì vụ việc sẽ bung bét hết. Do mới chỉ bị câu lưu để lấy lời khai, tôi lại giả vờ đau bao tử rồi nhắn vợ tôi mang thuốc đến, trong đó dĩ nhiên có cả thuốc ngủ. Lần này, tôi đã thành công".

Thoát khỏi tay cảnh sát Kabul, Sobhraj lập tức bảo vợ trốn sang Iran. Thế nhưng, mặc cho Sobhraj năn nỉ, thuyết phục, Chantal vẫn cương quyết không đi theo. Sobhraj nói: "Chantal muốn rũ bỏ quá khứ phạm tội để có thể yên ổn nuôi con. Thậm chí lúc tôi đưa tiền cho cô ấy làm lộ phí, cô ấy cũng không nhận". Bằng cách bán sợi dây chuyền có gắn mấy hạt kim cương nhỏ, được mẹ cho từ hồi còn bé, Chatal mua vé máy bay và sắm sửa thêm mấy đồ dùng cần thiết cho con gái Usha trong chuyến đi dài.

Khuya ngày 27-6-1971, Chantal lên máy bay về Pháp. Từ đó, Sobhraj không bao giờ còn gặp lại vợ. Trong gần 2 năm tiếp theo, Sobhraj lang bạt nhiều nơi, từ Bắc Âu đến Trung Đông và vẫn kiếm sống bằng cách mời rượu có thuốc ngủ nhưng trong các phi vụ ấy, thay vì là "chủ đồn điền cao su ở Đông Dương" hoặc "thương gia kinh doanh vải vóc tơ lụa" thì Sobhraj trở thành "người môi giới mua bán kim cương, hồng ngọc" hoặc "đại lý cho một tập đoàn dược phẩm nổi tiếng".

Hồ sơ Interpol cho thấy để đi từ quốc gia này sang quốc gia khác, Sobhraj lần lượt sử dụng 10 cuốn hộ chiếu đã đánh cắp được với những tên tuổi khác nhau, chỉ thay vào đó bằng ảnh của mình…

 

Theo An ninh thế giới
 

.