Trong vụ án này, việc sửa chữa bài thi và nâng điểm được thực hiện với cả các môn thi trắc nghiệm cũng như môn thi tự luận. Với các môn trắc nghiệm, cơ quan tố tụng đã xác định rõ thủ đoạn cũng như thủ phạm tác động vào các bài thi. Nhưng với môn tự luận, ai là người trực tiếp chấm nâng điểm cho các thí sinh vẫn là ẩn số.
|
|
Xét xử vụ gian lận thi cử tại Sơn La. |
Theo tài liệu truy tố, để có thể nâng điểm khi chấm bài thi ngữ văn, các bị cáo đã câu kết để có được khóa phách vòng 1 và vòng 2. Sau đó nhóm này tra tìm khóa phách để tìm thí sinh cần nâng điểm theo danh sách đã nhận, rồi tìm bài thi của thí sinh đó nhằm chấm nâng điểm.
Kết quả điều tra xác định trong 44 thí sinh nhờ nâng điểm có 36 thí sinh tham dự môn ngữ văn. Khi Bộ GD&ĐT về kiểm tra, tổ công tác đã chấm thẩm định ngẫu nhiên 110 bài thi, trong đó có 11/36 thí sinh nêu trên.
Tuy nhiên, để có căn cứ xác định điểm thi của các thí sinh nhờ nâng điểm, Cơ quan điều tra đề nghị Bộ GD&ĐT chấm thẩm định tiếp số thí sinh còn lại. Kết quả có 13/36 thí sinh bị hạ điểm môn ngữ văn.
Trong số bị hạ điểm, sáu thí sinh nằm trong 12 thí sinh các bị cáo Nguyễn Thị Hồng Nga, Lò Văn Huynh, Nguyễn Thanh Nhàn cung cấp khóa phách nhờ nâng điểm. Bảy người còn lại đến nay không xác định được ai là người đã cung cấp khóa phách, tác động nâng điểm.
Đặc biệt, Cơ quan điều tra tiến hành xác minh đối với 7 thành viên ban thư ký và 21 cán bộ, giáo viên tham gia tổ chấm thi tự luận để làm rõ các sai phạm liên quan các bài thi bị hạ điểm nêu trên.
Tuy nhiên, các cán bộ, giáo viên chấm bài chỉ thừa nhận chấm sai do chấm ẩu, chấm thoáng, chấm đón ý chứ không được ai tác động để chấm nâng điểm cho thí sinh. Ngoài lời khai của Huynh, cơ quan công an xác định không có căn cứ nào khác chứng minh các giáo viên chấm thi câu kết để nâng điểm.
Như vậy, khác với vụ án ở tỉnh Hòa Bình là cơ quan tố tụng tìm ra được các tổ trưởng chấm thi và giám khảo chấm thi là những người trực tiếp chấm nâng điểm tự luận cho thí sinh, tại vụ án này đây vẫn còn là bí ẩn./.