Từ một bệnh án tâm thần giả, dẫn tới vô hiệu hóa toàn bộ công sức của các cơ quan điều tra, tiếp tay cho tội phạm “thoát tội”.

Theo Công tố viên, sau khi dùng kiếm chém gây thương tích cho người khác tại một quán bar thuộc quận Hoàn Kiếm, để trốn tránh trách nhiệm hình sự, Lê Thanh Tùng đã nhờ người môi giới làm giúp bệnh án tâm thần giả. Sơn nhận lời và tiếp tục đề cập vấn đề với Thân Thái Phong. Phong đồng ý giúp với chi phí khoảng 85 triệu đồng. Tùng đã chuyển cho Phong, Sơn 85 triệu đồng và hai phía tiến hành các thủ tục lập hồ sơ bệnh án.

Phong đã đưa bệnh án giả của Tùng cho nhân viên hành chính nhập số hiệu, vào sổ y lệnh, sổ theo dõi thuốc, sổ theo dõi ra vào viện, đồng thời xác định vào hồ sơ tình trạng của bệnh nhân tạm ổn định và giải quyết cho ra viện theo yêu cầu của gia đình.

leftcenterrightdel
Bị cáo Thân Thái Phong trả lời câu hỏi của đại diện VKS 

Tại phiên xét xử, bị cáo Tùng thừa nhận bản thân không mắc bệnh tâm thần nhưng làm hồ sơ bệnh án để trốn tránh pháp luật. Bị cáo Phong thì cho rằng hành vi của mình xuất phát từ sự thiếu hiểu biết pháp luật nhưng là hoàn toàn sai trái, sai quy trình, chuyên môn.

Trong bản luận tội, đại diện VKS nhận định, hành vi của Thân Thái Phong với động cơ giúp Tùng làm bệnh án giả để trốn tránh pháp luật. Hành vi của các bị cáo đủ cơ sở để nhận định cấu thành hành vi đưa, nhận, môi giới hối lộ.

Diễn biến bất ngờ tại phiên xét xử, sau khi nghe đại diện VKS đề nghị mức án cho các bị cáo, nữ bác sĩ là một trong những y bác sĩ liên quan bị triệu tập đến Tòa đã xin được phát biểu ý kiến. Vị nữ bác sĩ đã xin HĐXX lượng hình cho Thân Thái Phong, bởi những cống hiến trong sự nghiệp khám chữa bệnh của bị cáo. Nữ bác sĩ còn chia sẽ về những khó khăn, vất vả của các bác sĩ chuyên khoa về bệnh tâm thần.

Đối đáp lại quan điểm bào chữa của các bị cáo, của luật sư và những người liên quan, đại diện VKS nhấn mạnh về hệ lụy của hành vi làm giả bệnh án tâm thần cho đối tượng hình sự. Theo đại diện VKS thì từ một bệnh án tâm thần giả, sẽ dẫn tới việc vô hiệu hóa toàn bộ quá trình điều tra, truy bắt tội phạm của cơ quan điều tra.

Việc làm này là hành vi cản trở cơ quan điều tra và cơ quan tố tụng. Dựa vào bệnh án tâm thần giả, đối tượng hình sự sẽ được nhởn nhơ sống ngoài xã hội, càng thêm coi thường pháp luật, và nguy hiểm hơn, là tiếp tục phạm tội.

Đại diện VKS nhấn mạnh: Giả dụ nếu vụ án này không được điều tra, làm rõ, thì người dân, những nạn nhân của Lê Thanh Tùng sẽ mất niềm tin vào công lý, vào cơ quan điều tra, cơ quan tố tụng. Việc này sẽ dẫn đến người dân nhìn chính sách pháp luật bị méo mó, mất lòng tin vào Nhà nước.

leftcenterrightdel
Đại diện VKS nhấn mạnh hệ lụy hành vi làm giả bệnh án tâm thần cho tội phạm 

Thông tin thêm tại phiên Tòa, đại diện VKS cho biết: Vì những hệ lụy của việc bán bệnh án tâm thần giả cho đối tượng hình sự, nhiều tội phạm đã sử dụng để “thoát tội”, lẩn tránh pháp luật. Hiện nay, tổ công tác liên quan đến chuyên án làm giả hồ sơ bệnh án tâm thần vẫn đang tiếp tục điều tra, xác minh làm rõ thêm nhiều bệnh án tâm thần giả, liên quan đến nhiều đối tượng hình sự, liên quan tới nhiều y, bác sĩ.  

Sau khi nghị án, HĐXX nhận định hệ lụy nghiêm trọng của hành vi đưa, nhận, môi giới hối lộ để làm giả bệnh án tâm thần. Vì vậy cần có hình phạt nghiêm minh cho các bị cáo.

HĐXX sơ thẩm tuyên án Thân Thái Phong (SN 1977, nguyên Phó Trưởng khoa Tâm thần người cao tuổi, Bệnh viện Tâm thần trung ương I) 10 năm tù về tội "Nhận hối lộ".

Bị cáo Nguyễn Tuấn Sơn (SN 1984, nguyên Kỹ thuật viên trưởng - Khoa Dinh dưỡng, Bệnh viện Tâm thần trung ương I) bị phạt 30 tháng tù về tội “Môi giới hối lộ”;

Bị cáo Lê Thanh Tùng (SN 1986, 2 tiền án về tội Cướp tài sản và Cố ý gây thương tích) lĩnh 30 tháng tù về tội "Đưa hối lộ".

Hội đồng xét xử kiến nghị, Bệnh viện Tâm thần trung ương I cần sâu sát, chặt chẽ hơn trong khám, điều trị, ra kết luận cũng như quản lý các hồ sơ, bệnh án.

Hà Nhân