Bán hồ sơ bệnh án tâm thần cho đối tượng phạm tối với giá 85 triệu đồng

Tại tòa, đại diện VKSND TP Hà Nội công bố bản cáo trạng. Các bị cáo bị truy tố trong vụ án này gồm: Thân Thái Phong (SN 1977, nguyên Phó Trưởng khoa Tâm thần người cao tuổi, Bệnh viện Tâm thần trung ương I) bị truy tố về tội “Nhận hối lộ”; bị cáo Nguyễn Tuấn Sơn (SN 1984, nguyên Kỹ thuật viên trưởng - Khoa Dinh dưỡng, Bệnh viện Tâm thần trung ương I) bị truy tố về tội “Môi giới hối lộ” và Lê Thanh Tùng (tức Tùng “nháy”, SN 1986, ở Hà Nội) bị truy tố về tội “Đưa hối lộ”.

Theo đó, tháng 1-2018, Cơ quan CSĐT Công an quận Hoàn Kiếm (Hà Nội) bắt được đối tượng truy nã Lê Thanh Tùng (tức Tùng “nháy”, 30 tuổi, trú tại quận Hai Bà Trưng, TP Hà Nội) về tội “Cố ý gây thương tích”. Tùng được biết là một đối tượng giang hồ cộm cán, sẵn sàng dùng dao kiếm để “nói chuyện” một cách lạnh lùng, tàn nhẫn.

Trước đó, ngày 28-10-2017 Tùng “nháy” và đồng bọn đã gây ra vụ đánh, chém người rất nghiêm trọng tại quán bar Camelli Lounge (trên phố Hàng Tre, quận Hoàn Kiếm, TP Hà Nội), khiến 3 người bị thương tật nặng, có người tổn hại sức khỏe lên tới 47%. Sau khi gây án, Tùng bỏ trốn. Cơ quan Công an đã phát lệnh truy nã và bắt được đối tượng sau hơn 2 tháng.

leftcenterrightdel
Đại diện VKSND TP. Hà Nội nhấn mạnh hành vi phạm tội của các bị cáo 

Ngày 31/12/2017, Cơ quan Cảnh sát điều tra- Công an quận Hoàn Kiếm khởi tố hình sự, khởi tố bị can và bắt tạm giam đối với Lê Thanh Tùng về tội Cố ý gây thương tích. Quá trình điều tra, Lê Thanh Tùng bỗng dưng … phát bệnh tâm thần trong khi trước đó vẫn đi gây án bên ngoài, để lại mối nghi ngờ cho những người trực tiếp điều tra vụ án.

Khi xem xét bệnh án tâm thần do người nhà Tùng mang đến, nội dung thể hiện BATT phân liệt thể Paranoid F20.0 (tâm thần phân liệt thể hoang tưởng) mang tên Lê Thanh Tùng, do BVTTTW1 - Bộ Y tế cấp. Trong bộ hồ sơ này thể hiện rõ, Tùng đã nhập viện vào ngày 22-11-2017 và ra viện vào ngày 21-12-2017, đúng vào thời điểm sau khi đối tượng gây án gần 1 tháng.

Sau một thời gian tổ chức xác minh, thu thập tài liệu, cơ quan Công an đã có đủ tài liệu chứng minh hành vi làm giả hồ sơ BATT của 2 cán bộ, nhân viên BVTTTW1. Quá trình đấu tranh khai thác đã xác định sau khi Tùng gây án, để tìm cách trốn tội bằng bệnh án tâm thần nên đã thông qua một người phụ nữ chưa rõ danh tính giới thiệu Tùng gặp gỡ Nguyễn Tuấn Sơn (Sơn “cháo”), là Kỹ thuật viên Khoa Dinh dưỡng Bệnh viện Tâm thần Trung ương 1 lo cho Tùng từ “A đến Z” để có Bệnh án tâm thần với giá 85 triệu đồng. Sơn đã “nhờ” bác sĩ Thân Thái Phong, Phó trưởng khoa Tâm thần người cao tuổi của bệnh viện này làm giả Bệnh án tâm thần cho Tùng.

Theo đó, sau khi thỏa thuận giá mua bán hồ sơ bệnh án tâm thần, Sơn cầm 85 triệu đồng (do người phụ nữ chưa xác định được danh tính) đưa cho Phong tại phòng làm việc của Phong. Sau đó, ngày 27/11/2018, Tùng đến bệnh viện làm các thủ tục xét nghiệm, khám chữa bệnh theo đúng quy định. Phong lập hồ sơ bệnh án nội trú cho Lê Thanh Tùng tại khoa Tâm thần người cao tuổi.

Đáng chú ý, trong quá trình làm hồ sơ điều trị cho Tùng, ngày 18 và 19/12/2017, Bệnh viện có thông báo kiểm tra định kỳ nên Phong yêu cầu Sơn gọi Tùng đến bệnh viện để đảm bảo quân số phục vụ đoàn kiểm tra. Tùng vào viện, nhận quần áo bệnh nhân mặc và sinh hoạt như bệnh nhân, khi đoàn kiểm tra xong thì Tùng được về nhà.

Cáo trạng của VKSND TP. Hà Nội cho rằng: Thân Thái Phong đã lợi dụng chức vụ, quyền hạn của mình, thông qua Nguyễn Tuấn Sơn để nhận hối lộ số tiền là 85 triệu đồng của Lê Thanh Tùng để làm bệnh án tâm thần giả cho Tùng với mục đích trốn tránh trách nhiệm hình sự trong vụ án khác. VKSND TP. Hà Nội truy tố ra trước TAND TP. Hà Nội xét xử Thân Thái Phong về tội Nhận hối lộ; Nguyễn Tuấn Sơn về tội Môi giới hối lộ và Lê Thanh Tùng về tội Đưa hối lộ.

Bác sĩ ân hận vì tự “lấy dây buộc mình”

Trước bục khai báo, bị cáo Lê Thanh Tùng cho rằng, khi bị cáo phạm tội, đã lên mạng tìm xem có cách nào để thoát tội không, thì quen một phụ nữ (không biết danh tính, không biết nhà ở) chỉ giao dịch qua số điện thoại. Trong quá trình trao đổi, người phụ nữ này nói “lo hết mọi việc”, Tùng chỉ cần chi tiền. Bản thân bị cáo chưa nằm viện ngày nào, cũng không mắc bệnh tâm thần, nhưng làm hồ sơ bệnh án để trốn tránh pháp luật. Trong quá trình làm việc với bác sĩ Phong cũng chỉ trao đổi về nhân thân, không trao đổi về công tác điều trị, bị cáo Tùng cho hay.

Bị cáo Thân Thái Phong, trước bục khai báo, khai rằng, mặc dù là khoa Tâm thần người cao tuổi, nhưng vì mới thành lập nên khoa điều trị cho tất cả bệnh nhân. Trong quá trình làm việc, vì thiếu hiểu biết pháp luật nên bị cáo đã tự “lấy dây buộc mình”.

Khi được hỏi bị cáo trao đổi thế nào với các bác sĩ hội chẩn để ký vào hồ sơ bệnh án tâm thần cho bệnh nhân Lê Thanh Tùng, bị cáo Phong cho biết, khi đó, bị cáo nói rằng bệnh nhân này được được bị cáo trực tiếp thăm khám, các nhân viên của bị cáo cũng rất nể chuyên môn của bị cáo nên đồng ý.

Theo bệnh án, Lê Thanh Tùng là bệnh nhân nội trú, được phát thuốc thường xuyên, trong khi Tùng chưa nằm viện ngày này thì số thuốc này xử lý thế nào. Bị cáo Phong cho hay, số thuốc đó, bị cáo nhận và sau đó tự mình đi bỏ. “Không ai biết và giúp bị cáo bỏ thuốc đi”, bị cáo Phong nói.

leftcenterrightdel
 Bị cáo Thân Thái Phong tại Tòa

Có mặt tại phiên xét xử, 7 cán bộ là y bác sĩ, cán bộ nhân viên của Bệnh viện Tâm thần Trung Ương I, những người đã đặt bút ký chuyên môn về việc chuẩn đoán bệnh án tâm thần cho Lê Thanh Tùng.

Các bác sĩ, cán bộ chuyên môn đều thừa nhận, đã ký vào các phiếu chuẩn đoán không đúng theo quy định của quy trình khám chữa bệnh. Đồng thời, thừa nhận việc ký hồ sơ hoàn thiện bệnh án cho bệnh nhân Tùng là do “nể nang” bác sĩ Thân Thái Phong, mặc dù khi ký chuẩn đoán bệnh những bác sĩ này không trực tiếp thăm khám cho Lê Thanh Tùng.

Trước những lời khai báo của các cán bộ, y bác sĩ tại Tòa, đại diện VKSND TP. Hà Nội cho rằng: Xét về hành vi ký khống của các bác sĩ, cơ quan tố tụng đã điều tra và xem xét vai trò đồng phạm của nhóm y bác sĩ này. Tuy nhiên, do hành vi của các y bác sĩ xuất phát từ việc không biết hành vi phạm tội của bác sĩ Phong, không hưởng lợi từ hành vi phạm tội nên cơ quan tố tụng đã không xét vai trò đồng phạm của nhóm y bác sĩ trên.

Tại tòa, đại diện VKS nhấn mạnh, hệ lụy của hành vi này là rất nguy hiểm. Nguy hiểm nhất là người dân mất niềm tin vào pháp luật, gây tâm lý hoang mang, nghi ngờ. Trong khi các đối tượng tội phạm vẫn nhởn nhơ ngoài vòng pháp luật. Đại diện VKS cũng nhấn mạnh một số thành tích trong công tác làm việc của bị cáo Phong và đó là tình tiết giảm nhẹ cho bị cáo trước khi HĐXX tuyên án.

Theo đó, đại diện VKSND TP. Hà Nội đề nghị mức án với Thân Thái Phong từ 8 năm- 9 năm tù giam; Nguyễn Tuấn Sơn 14 tháng – 24 tháng tù giam về tội “Môi giới hối lộ”; Nguyễn Thanh Tùng 24 tháng- 30 tháng tù giam về tội “Đưa hối lộ”.

Trước khi HĐXX nghị án, nói lời sau cùng, các bị cáo đều cúi đầu nhận tội, ăn năn hối cải về hành vi phạm tội của mình, đồng thời xin được HĐXX lượng hình.

 

Hà Nhân